Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như thay đổi cách nhìn theo hướng truyền thống. |
Quay ngoắt 180 độ
Theo kênh CNN, đã một thời, tỷ phú địa ốc thành phố New York Donald Trump nghĩ về việc "bắt tay" với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, khi chỉ trích những căng thẳng của chính quyền Barack Obama với Moskva, ông từng đề cập tới một tương lai tốt đẹp hơn khi Washington và Moskva cùng hợp tác.
Với Trung Quốc, ông coi đây là quốc gia "thao túng tiền tệ" và "kẻ đánh cắp việc làm" của nước Mỹ. Ông cam kết nếu trúng cử sẽ áp đặt các hàng rào thuế quan mạnh tay chống Bắc Kinh, đưa Trung Quốc ra tòa vì các chính sách kinh tế phi pháp.
Tuy nhiên, một thời gian sau khi trở thành tổng thống Mỹ, ông Trump đang đi theo chiều hướng chính trị Mỹ truyền thống, giành được sự tán dương từ những người từng chỉ trích và khiến những người từng ủng hộ ông nhất phải nhíu mày.
Thời kỳ trăng mật nhanh chóng qua đi và giữa bối cảnh tái khẳng định sức mạnh Mỹ thông qua động thái
phóng tên lửa Tomahawk vào Syria và
dội “mẹ của các loại bom” (bom mẹ) xuống Afghanistan, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói “chúng ta không hợp với Nga chút nào” và mối quan hệ Nga – Mỹ đang ở trong tình trạng xấu nhất mọi thời đại.
Quan điểm đó của ông Trump được Tổng thống Nga Putin xác nhận trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Nga ngày 12/4 khi nói mối quan hệ giữa Washington và Moskva dưới thời ông Trump đã trở nên “tồi tệ hơn”.
Trong khi đó, mô tả mối quan hệ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “rất tốt đẹp”, Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal ngày 12/4 tuyên bố sẽ
không coi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ.
Lợi ích của nước Mỹ
Sự đảo ngược trong quan điểm của ông Trump về Nga và Trung Quốc là một phần trong chuỗi thay đổi chính sách của ông. Những chính sách này một mặt đang đưa chính quyền Trump xích lại gần hơn những chính sách của các chính quyền Obama và George W. Bush, mặt khác phản ánh lợi ích của nước Mỹ.
Ông Aaron David Miller, Phó Chủ tịch Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson, bình luận: “Dù cam kết trong chiến dịch tranh cử có là gì, những cam kết đó cũng phải nhường bước cho những thực tiễn điều hành chính sách ngoại giao Mỹ trong một thế giới không tha thứ và tàn nhẫn”.
Ông Trump có thể từng háo hức nói về việc cải thiện quan hệ với Nga, giúp xóa bỏ những bất đồng giữa Washington và Moskva về vai trò của Nga ở Syria hay Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Tuy nhiên, ông lại ra lệnh
phóng 59 quả tên lửa vào đồng minh của Nga với cáo buộc chính quyền Syria sử dụng
vũ khí hóa học tấn công dân thường hôm 4/4.
Theo phân tích của các chuyên gia, hành động mang nhiều tính toán của Nhà Trắng dường như đánh dấu sự thay đổi trong cách nhìn của ông Trump về Nga. Chí ít, đó là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ nhìn Nga theo quan điểm chính sách ngoại giao truyền thống của nước Mỹ.
Sự thay đổi trong quan điểm của chính quyền Trump còn đến từ việc ông đưa thêm vào nội các những nhân vật ủng hộ các quan điểm chính sách đối ngoại truyền thống của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hay Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley đều đã đưa ra những thông điệp cứng rắn “giống như chính quyền Obama” dành cho Nga, thậm chí rắn hơn thông điệp của Tổng thống.
Ở chiều ngược lại, Tổng thống Mỹ trong tuần qua dành ba dòng tweet để ca ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong công cuộc kiềm tỏa Bình Nhưỡng với tham vọng hạt nhân, dù cũng từng thẳng thừng tuyên bố Mỹ sẽ xử lý Triều Tiên bất chấp có hay không có Trung Quốc.
Tổng thống Trump là nhân vật khó đoán định có tiếng và những thay đổi trong các chính sách của ông tồn tại bao lâu là câu hỏi khó có thể trả lời. Song, theo các chuyên gia, dù quan điểm của ông Trump có xoay chuyển và khó đoán định đến đâu, bản chất của mối quan hệ Nga – Trung là yếu tố không thể không tính đến.
Ông Trump có thể thay đổi cách nhìn về Nga và Trung Quốc, yêu nước này, giận nước kia. Nhưng Trung Quốc và Nga luôn ủng hộ nhau trong các vấn đề đối ngoại lớn và cùng có một cách nhìn nhận về nước Mỹ đáng để Tổng thống Trump phải quan ngại.
“Cả hai đồng ý rằng cần có một trật tự thế giới mới xét đến lợi ích của hai nước này nhiều hơn hiện nay và cùng đồng ý đã đến lúc tiến xa khỏi một trật tự toàn cầu nơi Mỹ hùng cứ”, bà Angela Stent, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu, Nga, Âu Á tại Đại học Georgetown bình luận.