Vào thời điểm cách đây một năm, các nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng dai dẳng tại Syria đang lâm vào bế tắc. Chiến dịch không kích từ trước đó một năm của liên quân do Mỹ đứng đầu nhằm chống IS hầu như không đạt hiệu quả. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trình bày giải pháp quân sự - chính trị mới cho Syria và đề xuất của ông đã được cộng đồng quốc tế quan tâm, ủng hộ.
Người dân Syria hàng ngày vẫn oằn mình trong bom đạn. Ảnh:AFP/TTXVN |
Thấy rõ các nguy cơ và tội ác mà IS gây ra cho thế giới cũng như bản thân nước Nga, và trước lời đề nghị của Tổng thống Bashar al - Assad, ông Putin đã ra lệnh không quân Nga mở mặt trận tiêu diệt IS tại Syria. Chiến dịch quân sự này được thực hiện phù hợp với các nguyên tắc luật pháp quốc tế và không vi phạm lệnh cấm sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào. Quân đội Nga đã sử dụng hiệu quả các loại vũ khí chính xác cao, tên lửa hành trình chiến lược và ném bom tầm xa để tấn công các căn cứ của khủng bố ở Syria, giúp giải phóng hơn 500 thành phố và thị trấn. Được sự yểm trợ của không lực Nga, quân đội chính phủ Syria đã mở nhiều chiến dịch truy quét phiến quân, khủng bố, đạt được nhiều bước tiến quan trọng trên thực địa, tái chiếm nhiều vùng lãnh thổ mà các nhóm phiến quân người Sunni, cũng như IS chiếm giữ làm căn cứ địa.
Thực tế một năm qua cũng cho thấy các cuộc không kích của Nga ở Syria đã tỏ ra hiệu quả hơn so với chiến dịch do Mỹ dẫn đầu tiến hành, bởi Nga nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ lực lượng mặt đất của chính quyền Syria. Ngược lại, quân đội Mỹ không có sự phối hợp hành động với chính quyền Syria. Dù áp dụng các biện pháp thu thập tin tức tình báo ở Iraq và Syria, nhưng việc định vị mục tiêu chính xác ở các khu vực tập trung dân cư vẫn là một thách thức to lớn. Có lẽ thấy rõ được điều đó, chính quyền Mỹ gần đây nhiều lần ngỏ ý muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Nga trong vấn đề Syria. Tia hy vọng mong manh đã được nhen nhóm với việc đầu tháng này, hai nước đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Syria. Tuy nhiên, thỏa thuận ngừng bắn đã không được thực hiện nghiêm túc và không được gia hạn sau khi kết thúc. Cùng với đó, triển vọng về sự hợp tác quân sự giữa Nga và Mỹ càng trở nên xa vời.
Thực tế này cho thấy những bất đồng, hoài nghi giữa hai cựu địch thủ thời Chiến tranh Lạnh vẫn còn quá lớn, và cuộc khủng hoảng tại Syria đã trở nên quá phức tạp khi nó tập trung lợi ích của rất nhiều bên liên quan. Việc Washington và Moskva liên tục cáo buộc lẫn nhau ném bom vào dân thường, đổ lỗi cho nhau trong vụ không kích đoàn xe cứu trợ của LHQ, cũng như việc Mỹ tiếp tục đứng về phía các nhóm vũ trang mà họ gọi là "lực lượng đối lập ôn hòa" khiến Nga không khỏi hoài nghi về hiệu quả của chiến dịch tấn công IS và càng cho thấy hai cường quốc này rất khó cùng nhau tìm lời giải cho "bài toán Syria".
Tình trạng trên khiến cuộc nội chiến kéo dài gần 6 năm ở Syria vốn trong vòng luẩn quẩn lại càng thêm bế tắc. Với tính chất phức tạp của vấn đề Syria, không một cường quốc nào có thể một mình tuyên bố rằng họ đã vượt lên để giành chiến thắng và giải quyết ổn thỏa cuộc chiến này. Tuy nhiên, với ảnh hưởng địa chính trị và địa kinh tế, cả Nga và Mỹ đang nắm trong tay nhiều lựa chọn mới để mở rộng vùng giao thoa về lợi ích giữa hai nước, từ đó thúc đẩy hợp tác và giảm thiểu nguy cơ gây căng thẳng. Sự kết hợp Nga và Mỹ chắc chắn sẽ là đòn hủy diệt đối với các tổ chức khủng bố đang hoành hành ở Syria.