Trong bối cảnh thỏa thuận hạt nhân tạm thời có thời hạn sáu tháng giữa Iran và phương Tây đã đi được nửa chặng đường, ông Mark Fitzpatrick, Giám đốc Chương trình Giải trừ quân bị và Không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS), cho rằng triển vọng cho các bên đạt được một thỏa thuận chính trị chấp nhận được trong tương lai gần là không lớn.
Các điều tra viên IAEA và các kỹ thuật viên Iran tại nhà máy hạt nhân Natanz ngày 20/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hồi tuần trước, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) khẳng định Iran đã giữ cam kết theo đúng Kế hoạch hành động chung ký ngày 24/11/2013. Trên thực tế, Iran đã hoàn thành việc làm loãng một nửa số urani làm giàu ở cấp độ 20% của nước này xuống còn 5% và việc chuyển đổi phần còn lại thành oxide sử dụng trong các viên nhiên liệu cũng đang được tiến hành. Đổi lại, Mỹ đã hủy bỏ việc phong tỏa khối tài sản trị giá 2,55 tỷ USD của Iran. Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) David Petraeus cho rằng khả năng các bên đạt được thỏa cuối cùng vào thời điểm này "có thể hơn 50/50".
Trong khi đó, tại Vienna (Áo) hồi tuần trước, nguồn tin thân cận với cuộc đàm phán cho biết một lí do lạc quan là các bên đang đánh giá chi tiết những lựa chọn khác nhau để đạt được mục tiêu. Căn cứ thực tế nhất là Iran đồng ý thiết kế lại lò phản ứng Arak để lò phản ứng này chỉ có thể sản xuất được 1/5 lượng plutoni theo công suất thiết kế ban đầu. Lò phản ứng xây dựng theo thiết kế mới sẽ chỉ sử dụng urani làm giàu ở cấp độ thấp làm nhiên liệu thay vì urani tự nhiên.
Một lí do khác để lạc quan là các cuộc đàm phán cùng thời điểm giữa Iran và IAEA về những biện pháp minh bạch hóa cũng đang mang lại các kết quả khả quan, giải quyết được những vấn đề liên quan tới ngòi nổ vũ khí tiềm tàng. Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano đánh giá thái độ của Iran là "có hợp tác". Trong khi đó, hồi tuần trước, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Ali Akbar Salehi khẳng định nước này sẽ cho phép phái đoàn IAEA thăm cơ sở quân sự Parchin - được cho là nơi tiến hành các thử nghiệm liên quan đến các vụ nổ hạt nhân - nếu như có bằng chứng cho cáo buộc này.
Tuy nhiên, Arak và sự minh bạch luôn được coi là những vấn đề dễ dàng hơn. Trong thời gian ba tháng còn lại trước khi đến thời hạn chót ngày 20/7, các nhà đàm phán sẽ phải giải quyết những vấn đề khó khăn hơn, chẳng hạn như Iran được phép vận hành bao nhiêu máy ly tâm, những giới hạn sẽ được áp dụng trong bao lâu, số máy ly tâm vượt quá mức cho phép và nhà máy làm giàu urani Fordo sẽ được xử lý như thế nào.
Iran muốn giữ nguyên 20.000 máy ly tâm hiện đã được lắp đặt và duy trì con số đó chỉ trong vài năm trước khi lắp đặt 50.000 máy ly tâm cho nhà máy Natanz. Trong khi đó, phương Tây muốn Tehran giảm số máy ly tâm xuống chỉ còn vài nghìn và những hạn chế này sẽ kéo dài trong 20 năm. Cũng có một vấn đề liên quan tới kho urani đã được làm giàu của Iran, hiện đã đủ để sản xuất sáu quả bom hạt nhân nếu tiếp tục được làm giàu ở cấp độ cao hơn. Trong thỏa thuận ký ngày 24/11 năm ngoái, Iran đồng ý rằng trong thời hạn sáu tháng, bất cứ sản phẩm mới làm giàu nào sẽ được chuyển đổi thành oxide. Tuy nhiên, cơ sở để thực hiện việc chuyển đổi này vẫn chưa được hoàn thành và có thể chưa đi vào hoạt động trước ngày 20/7.
Không kịp thời hạn chót trong việc chuyển đổi urani đã làm nghèo cũng không quá quan trọng khi mà số lượng urani tăng thêm này là không đáng kể trong việc làm gia tăng khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân của Iran. Mặc dù vậy, không đáp ứng được một phần của thỏa thuận sẽ mang lại những ảnh hưởng chính trị và tạo thêm lí lẽ cho những người hoài nghi, vốn cho rằng thỏa thuận tạm thời đã quá “rộng lượng” đối với Iran và cần phải áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt để gia tăng áp lực.
Huy Hiệp