Phát biểu trước Quốc hội Canada, ông Biden nhấn mạnh về mối quan hệ lâu dài và bền chặt giữa hai nước, việc hai bên cam kết sử dụng năng lượng sạch và tạo ra việc làm tốt, củng cố chuỗi cung ứng chất bán dẫn, bảo vệ lãnh hải chung và hệ sinh thái Bắc cực, củng cố liên minh toàn cầu như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên hợp quốc.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Ottawa, Giám đốc Hội đồng thương mại Canada-Việt Nam, phụ trách các sáng kiến Canada - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Julie Nguyen nhận định chuyến đi này là một cơ hội tốt để tiến tới giải quyết một số vấn đề mà Mỹ quan tâm như việc sử dụng các khoáng sản quan trọng của Canada, vấn đề di cư qua biên giới hai nước, việc chi phí cho quốc phòng của Canada cũng như cam kết của Canada đối với Hệ thống phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD).
Bà Julie Nguyen cho rằng mặc dù có thể còn nhiều khúc mắc, nhưng nhìn chung cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo đã đạt được nhiều kết quả, từ ngắn hạn như việc giải quyết được Thỏa thuận quốc gia thứ ba an toàn, tới dài hạn như xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn nữa trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt giữa các cường quốc.
Tại cuộc gặp với Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Trudeau đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác Canada-Mỹ trong việc phát triển năng lượng và công nghệ sạch, đồng thời thúc đẩy năng lực sản xuất chất bán dẫn và xe điện. Ông nói rằng trước những thách thức mà hai nước đang phải đối mặt, hai bên đã tăng cường gấp đôi mối quan hệ đối tác cũng như tình bạn.
Trong tuyên bố chung nhân chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo đã cam kết cùng cải thiện NORAD, cập nhật hiệp định về người xin tị nạn xuyên biên giới và thành lập lực lượng chuyên trách về chuyển đổi năng lượng trong một năm. Hai bên cũng đề cập đến những khoản chi tiêu mới cho các hành lang nhiên liệu thay thế, vấn đề khoáng sản quan trọng, dự án bán dẫn, việc bảo tồn Great Lakes (Ngũ Đại Hồ) trị giá 420 triệu CAD và hệ thống radar Bắc cực.
Tuyên bố chung xác nhận rằng Thỏa thuận quốc gia thứ ba an toàn sẽ được áp dụng trên các điểm xuất nhập cảnh chính thức dọc biên giới trên bộ giữa Canada và Mỹ. Canada cũng đồng ý tiếp nhận thêm 15.000 người di cư Tây bán cầu trong năm tới. Canada sẽ chi khoảng 6,96 tỷ CAD (tương đương 5,04 tỷ USD) cho việc hiện đại hóa hệ thống giám sát ở miền Bắc và 7,3 tỷ CAD (tương đương 5,29 tỷ USD) cho mua sắm máy bay và cải tiến hạ tầng kỹ thuật để tiếp nhận các máy bay chiến đấu F-35.
Việc thành lập lực lượng chuyên trách về chuyển đổi năng lượng sẽ do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland và điều phối viên đặc biệt của Tổng thống Mỹ về cơ sở hạ tầng toàn cầu chủ trì. Lực lượng này sẽ tập trung vào năng lượng tái tạo, xe điện, khoáng sản quan trọng và năng lượng hạt nhân.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Giáo sư Luis Silva thuộc trường Đại học Toronto và là một chuyên gia về quan hệ chính phủ cho biết Canada và Mỹ từng có quan hệ thương mại trước khi hai nước ký thỏa thuận thương mại tự do. Năm 1965, Canada và Mỹ tham gia thỏa thuận ô tô cho phép các cơ sở sản xuất của hai nước có thể qua lại biên giới hai bên. Liên quan tới điều này, khi có sự xuất hiện của ô tô điện người ta sẽ nghĩ tới việc Mỹ sẽ thực hiện việc sản xuất, nhưng Canada là nơi có rất nhiều khoáng sản quan trọng cần thiết cho việc sản xuất xe hơi điện đó.
Theo Giáo sư Luis Silva, mặc dù Washington đưa ra khẩu hiệu "mua hàng Mỹ" để đảm bảo cuộc sống cho người lao động nước này, nhưng Mỹ cũng có những cam kết quốc tế, nên sẽ có những miễn trừ cho đối tác của mình. Kể từ năm 1933, Canada đã có những miễn trừ vì có quan hệ thương mại với Mỹ, cho dù người Mỹ có Đạo luật mua hàng Mỹ. Do vậy, nên hiểu rộng ra khẩu hiệu mua hàng Mỹ là nhằm thúc đẩy cho cả khu vực Bắc Mỹ, trong đó có cả Canada, nước đóng vai trò là đối tác thương mại với Mỹ. Việc xây dựng nền công nghiệp công nghệ sạch không chỉ dành riêng cho người Mỹ theo Đạo luật giảm lạm phát mà cần phải hiểu là nhằm xây dựng cho cả khu vực Bắc Mỹ.
Trong tuyên bố chung, hai bên cũng cam kết nhắm tới việc đạt mục tiêu mạng lưới năng lượng không thải khí carbon vào năm 2035 và xây dựng một mạng lưới sạc ô tô điện ở cả hai bên biên giới.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Canada cũng đề cập đến các vấn đề quốc tế như xung đột tại Ukraine, Haiti. Mỹ cũng bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Canada tham gia Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Có thể nói, qua chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Canada lần này, hai bên đã tái khẳng định cam kết đối với quan hệ đối tác Mỹ-Canada, vốn được xem là một trong những mối quan hệ thân thiết, toàn diện nhất trên thế giới. Điều đó cũng là sự bảo đảm cho tương lai khu vực Bắc Mỹ.