Năm 2016, ông Joe Biden khi đó là phó Tổng thống đã lên tiếng cảnh báo khi chính quyền mới do ông Donald Trump đứng đầu quyết tâm nới lỏng các quy tắc ngân hàng nghiêm ngặt.
Ông Biden lập luận nếu không có cuộc đại tu ngân hàng mở rộng vào năm 2010 được gọi là Dodd-Frank, các tổ chức tài chính sẽ tiếp tục dùng tiền của người tiêu dùng đem đi đặt cược trong các dự án và cuối cùng gây tổn hại cho tầng lớp trung lưu.
Phát biểu tại Đại học Georgetown trong những ngày cuối của chính quyền Tổng thống Barack Obama, ông Biden nói: “Chúng ta không thể quay lại những ngày mà các công ty tài chính chấp nhận rủi ro và biết rằng luôn có một gói cứu trợ của người đóng thuế khi họ thất bại”.
Đầu tháng 3 này, một cuộc khủng hoảng ngân hàng đã xảy ra và ông Biden đang tích cực hành động để đảm bảo với công chúng rằng khủng hoảng đã được ngăn chặn, tiền gửi được an toàn và người nộp thuế sẽ không gặp trở ngại gì. Các biện pháp cũng được đưa ra để xoa dịu tình trạng thị trường tài chính hỗn loạn.
Trong bối cảnh tạo đà cho thông báo tái tranh cử, Tổng thống Biden sẽ chứng minh năng lực trong việc ngăn chặn hiệu ứng lây lan giữa các tổ chức tài chính cũng như khẳng định sự ổn định trong chính quyền của mình trái ngược với sự hỗn loạn trong những năm dưới thời của Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, lời kêu gọi của ông về việc bổ sung quy định ngân hàng có khả năng vấp phải sự phản đối gay gắt trong một Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát và thậm chí từ một số nhà lập pháp đảng Dân chủ ôn hòa - những người cùng đảng Cộng hòa nới lỏng một số quy tắc năm 2018.
Đối với cuộc khủng hoảng tài chính mới nhất, Tổng thống Biden khẳng định các biện pháp can thiệp của chính phủ sẽ không giống như những biện pháp năm 2008. Vào thời điểm đó, Quốc hội Mỹ dùng nhiều tỷ USD tiền thuế để giải cứu các tổ chức tài chính được cho là không cho phép phá sản.
Hiện tại, các quan chức chính quyền Tổng thống Biden tin rằng lần này họ phải hành động thực chất bất chấp việc các giám đốc điều hành ngân hàng đưa ra quyết định tồi tệ, vì khách hàng không làm gì sai cả.
Không giống như năm 2008, Tổng thống Biden khẳng định các giám đốc điều hành ngân hàng phải trả giá.
“Ban quản lý của các ngân hàng này sẽ bị sa thải. Nếu một ngân hàng đã được Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) tiếp quản thì những người điều hành ngân hàng không nên làm việc ở đó nữa”, Tổng thống Biden tuyên bố trong ngày 13/3.
Cùng ngày, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh những người nộp thuế sẽ không phải chịu tổn thất từ những các biện pháp trừng phạt của chính quyền đối với hai ngân hàng phá sản. Thay vào đó, họ sẽ sử dụng quỹ bảo hiểm cho mục đích đó. Ngoại trừ các nhà đầu tư, khách hàng và doanh nghiệp nhỏ gửi tiền vào hai ngân hàng bị trừng phạt sẽ được bảo vệ.
Hạ nghị sĩ bang California Maxine Waters, đảng viên Dân chủ trong Ủy ban Dịch vụ tài chính Hạ viện, nói rằng Tổng thống Biden đã rút ra những bài học về sự sụp đổ tài chính năm 2008 và khi đã trực tiếp trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính, tổng thống nhận thức rõ về những rủi ro.
Các nhà quản lý đã giao cho FDIC tiếp quản Ngân hàng Thung lũn Silicon (SVB) sau khi khách hàng gửi tiền hoảng loạn ồ ạt rút tất cả tiền trong vòng vài giờ. Các quan chức chính quyền hàng đầu bao gồm Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nhấn mạnh họ đang theo dõi tình hình trong bối cảnh tin tức hai ngân hàng đóng cửa lan truyền khắp các phương tiện truyền thông và đe dọa một hiệu ứng “domino” xảy ra đối với các ngân hàng khu vực trên khắp nước Mỹ.
Tối 12/3, Bộ Tài chính, Cục Dự trữ liên bang (Fed) và FDIC thông báo rằng tất cả các khách hàng của SVB có thể tiếp cận tiền gửi.
Theo Nhà Trắng, khi các quan chức chính quyền làm việc để xử lý khủng hoảng suốt cuối tuần, Tổng thống Biden thường xuyên được Chánh văn phòng Jeff Zients, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Lael Brainard và Bộ trưởng Yellen báo cáo tình hình. Tổng thống Biden cũng nói chuyện và nhận được sự tư vấn từ các chuyên gia kinh tế bên ngoài.
Bất chấp những nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng và khách hàng của chính quyền Tổng thống Biden, các đảng viên Cộng hòa đang vận động cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 lập luận rằng người dân sẽ vẫn là nạn nhân cuối cùng chịu thiệt hại từ các hành động của chính phủ ngay cả khi tiền đóng thuế không được sử dụng trực tiếp. Một số nhà kinh tế tin rằng nhiều khoản phí đánh vào ngân hàng sẽ chuyển sang người tiêu dùng, chẳng hạn như tăng lãi suất cho các khoản vay.
“Tổng thống Joe Biden chỉ giả vờ đây không phải là một gói cứu trợ”, cựu Thống đốc bang Nam Carolina Nikki Haley lập luận những người gửi tiền tại các ngân hàng khác hiện nay buộc phải trợ cấp cho sự quản lý yếu kém của SVB và các khách hàng sẽ phải chịu trách nhiệm về chi phí nếu quỹ bảo hiểm bị cạn kiệt.
Nhà Trắng và các quan chức chính quyền khác khẳng định hành động của họ không phải là một gói cứu trợ. Nhưng nhà kinh tế Kenneth Rogoff của Đại học Harvard cho biết trong khi ông đồng ý rằng chính phủ đang bảo vệ đúng đắn những người gửi tiền của 2 ngân hàng, thì số tiền chi ra để cứu họ chắc chắn là một gói cứu trợ.