Báo Độc lập (Nga) ngày 13/8 đưa tin cha của Snowden có khả năng sẽ phải đối mặt với tòa án và chính quyền Mỹ khó có thể bảo đảm một phiên tòa xét xử công bằng.
Ông Lonnie Snowden và ảnh con trai lúc nhỏ. |
Trông đợi một phiên tòa công bằngĐược biết, hiện cha của Edward Snowden là ông Lonnie Snowden và luật sư của gia đình này là ông Bruce Fein đã nhận được thị thực nhập cảnh vào Nga. Theo kế hoạch, khi đến Nga, cha đẻ Snowden và luật sư của gia đình sẽ thảo luận với con trai mình- cựu nhân viên làm hợp đồng cho Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden - về khả năng trở về nhà (Mỹ) và thậm chí phải chấp nhận bị xử án. Phiên tòa đó sẽ phải được tiến hành một cách thật công bằng.
Song dường như thật khó để có thể có một phiên tòa như thế, khi mà giới chức nước này đã "dọn" cho Snowden một dư luận hết sức gai góc suốt thời gian qua.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên một kênh truyền hình Mỹ, ông Lonnie Snowden và luật sư của gia đình khẳng định rằng họ đã nhận được thị thực nhập cảnh vào Nga và sẽ sớm lên đường. Tuy nhiên thời điểm tiến hành chuyến đi này không được tiết lộ, để tránh những cuộc "rượt đuổi" tất yếu sẽ xảy ra của giới truyền thông.
Ông Lonnie Snowden (bên phải) và Luật sư của gia đình - Bruce Fein, đang chuẩn bị tới Nga. |
Tờ Thời báo New York cũng xác nhận ngoài việc đi thăm con trai và thân chủ của mình, Lonnie Snowden và Bruce Fein dự định thuyết phục "người thổi còi" Snowden trở về và chấp nhận ra hầu tòa xét xử với tội danh tiết lộ bí mật quốc gia đối với chương trình giám sát bí mật của Cơ quan an ninh Mỹ (NSA).
Trước đó, báo chí Nga dẫn lời "kẻ phản bội" Snowden nói anh ta đang nắm giữ sơ đồ toàn cầu gồm 700 máy chủ của NSA dùng chương trình XKeyscore - công cụ theo dõi người dùng Internet.
Đương nhiên, điều kiện để Snowden cân nhắc trở về chính là sự bảo đảm của chính quyền Mỹ về một phiên tòa công khai và công bằng. Đến thời điểm hiện tại, mới có một bức thư của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder nói rằng sẽ có một phiên tòa xét xử Snowden một cách công khai, và mọi người dân Mỹ đều có thể biết được tiến trình xét xử.
Trước đó, ông này cũng khẳng định Snowden hiện đang bị truy tố với tội danh chưa đến mức tử hình, và trong tương lai, nếu Snowden bị kết án với tội danh cao nhất (tử hình), thì chính phủ Mỹ cũng sẽ không áp dụng mức án này với Snowden.
Trong khi đó, nguyện vọng của cha Snowden cũng là mong muốn con trai trở về quê hương và được xét xử tại một phiên tòa công bằng. Còn nếu như có một thỏa thuận ngầm nào đó buộc Snowden phải nhận tội, thì cha của Snowden sẽ cực lực phản đối.
Được biết, hồi tháng 6 vừa qua, chính quyền Mỹ cũng đã "soạn thảo" sẵn cho Snowden ba tội danh đánh cắp bí mật an ninh quốc gia; cố tình chuyển giao trái phép thông tin an ninh quốc gia và chuyển giao chúng cho những người không có phận sự. Tội danh thứ hai và thứ ba gán cho Snowden tội hoạt động gián điệp, và anh này sẽ bị xét xử theo Luật hoạt động gián điệp của Mỹ từ năm 1917.
Án lệ?Ông Fien cho biết dự định của gia đình là sẽ tìm cho Snowden những luật sư giàu kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực các tội danh liên quan đến hoạt động gián điệp. Ông Fein cho biết thêm trong lịch sử ngành tòa án Mỹ, những vụ xét xử với tội danh làm gián điệp ở nước này không nhiều. Tuy nhiên, không thể không nhắc tới một vụ án gián điệp kinh điển vốn làm rung chuyển cả thế giới.
Năm 1951 vợ chồng điệp viên Ethel và Julius Rosenberg đã phải chấp hành bản án tử hình với tội danh cung cấp bí mật nguyên tử cho Liên Xô và cho đến nay vụ án gián điệp nổi tiếng nhất nước Mỹ này vẫn gây nhiều tranh cãi ở cả hai bên.
Điều đáng nói là mặc dù khi đó có rất ít chứng cứ để kết án bà Ethel Rosenberg làm gián điệp cho Liên Xô, nhưng vào thời điểm đó người ta lại cố tình bỏ qua nhiều "tiểu tiết", và do đó, bà Ethel Rosenberg đã trở thành người phụ nữ đầu tiên ở Mỹ bị tử hình sau vụ nữ sát thủ Mary Surratt bị treo cổ vì tham gia ám sát Tổng thống Abraham Lincoln.
Vợ chồng Rosenberg đã bị hành quyết trên ghế điện hai năm sau khi bản án được tuyên và lời nói cuối cùng của cả hai vợ chồng điệp viên này vẫn là: "Chúng tôi vô tội!".
Vụ án cũng dấy lên hành động phản đối trên toàn thế giới, đòi xét xử công minh cho vợ chồng điệp viên này.
Trở lại vụ Snowden, Báo Độc lập Nga cho biết bản thân ông Lonnie Snowden có 30 năm phục vụ trong quân đội và ông mới chỉ xuất ngũ năm 2009. Tuy nhiên, quá trình phụng sự đất nước tới 30 năm của ông cũng không đủ để "bảo lãnh" cho ông không phải đối mặt với nguy cơ cũng phải ra hầu tòa vì bị nghi ngờ đã hỗ trợ và tiếp tay cho "kẻ phản bội" nước Mỹ Snowden-con. Đây cũng chính là lý do vì sao Snowden-cha đã tránh giao tiếp, nói chuyện với con trai mình kể từ khi "kẻ đào tẩu" Snowden chạy tới Hong Kong.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố rằng nếu Edward Snowden tin tưởng vào sự vô tội của mình, hãy để anh ta có mặt tại tòa và chứng minh điều đó. Bình luận về "lời mời" này của Tổng thống, Snowden-cha đã lên án Quốc hội Mỹ đã tạo dư luận không công bằng cho con trai mình, và như vậy là cố tình làm mất đi tính khách quan trong tâm lý xét xử của các vị quan tòa.
Bài báo kết luận với một thông tin cho biết tuy ông Lonnie mong con trai trở về Mỹ để hầu tòa, song ông sẽ tôn trọng quyết định cuối cùng của con trai về việc Snowden sẽ ở đâu.
Lúc này, tại Nga, triển vọng về cuộc sống và công việc của một kỹ thuật viên IT giỏi như Snowden đang hứa hẹn tốt hơn, khi mà Công ty "Facebook Nga" Vkontakte cũng đã đánh tiếng mời Snowden đến làm việc với tư cách chuyên gia IT.
Quế Anh (P/v TTXVN tại Nga)