Theo hãng thông tấn TASS (Nga) ngày 5/10, Quốc hội Armenia mới đây đã phê chuẩn Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), nơi trước đó đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin, một động thái làm suy giảm hơn nữa mối quan hệ giữa Yerevan và Moskva.
Báo Kommersant (Nga) cũng cho rằng động thái trên đánh dấu bước đi nổi bật nhất của Armenia cho đến nay, mặc dù không phải là bước đi đầu tiên và chắc chắn không phải là bước đi cuối cùng mà Yerevan đã thực hiện khi theo đuổi chính sách tách khỏi Moskva. Kommersant viết: "Việc phê chuẩn được diễn ra ngay trước hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu, trong đó Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cũng tham gia".
Việc phê chuẩn Quy chế Rome của ICC không phải là hành động đầu tiên của Yerevan mà Moskva cho là không thân thiện. Vào tháng 9 vừa qua, Armenia đã tổ chức cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ sau khi từ chối đăng cai tổ chức các cuộc tập trận của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) vào tháng 1/2023.
Sergey Markedonov, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm An ninh châu Âu - Đại Tây Dương tại Viện Quan hệ Quốc tế Moskva (Đại học MGIMO), nhận định: “Các mối quan hệ trong khu vực đang trải qua những thay đổi. Điều này cũng bao gồm sự bế tắc giữa Israel và Iran, cũng như tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ. Nga giờ đây sẽ ít chú ý hơn đến vùng Kavkaz vì Ukraine hiện là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, Nga có lực lượng biên phòng đóng quân ở Armenia và một căn cứ quân sự ở Gyumri, với lực lượng gìn giữ hòa bình [Nga] vẫn còn ở đó. Nếu nói rằng mọi chuyện đã kết thúc là không đúng, nhưng chương trình nghị sự sẽ ngày càng phức tạp hơn”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Luật Alexey Ispolinov nói với tờ Vedomosti rằng mục tiêu của Armenia trong việc phê chuẩn Quy chế Rome của ICC là có thêm đòn bẩy để gây áp lực lên Azerbaijan trên trường quốc tế. Ngoài ra, việc phê chuẩn Quy chế Rome thường là một trong những điều kiện để hài hòa các quy định pháp lý của một quốc gia với các quy định của châu Âu và từ đó tăng cường mối quan hệ với EU.
Về phần mình, Stanislav Pritchin, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Hậu Xô Viết tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga nêu quan điểm: Azerbaijan không phải là một bên tham gia Quy chế Rome và do đó, sẽ khó áp dụng các quyết định của ICC đối với Azerbaijan. Tuy nhiên, vấn đề ICC tạo ra một thách thức đáng chú ý đối với quan hệ Nga - Armenia bởi vì, bằng cách đồng ý chấp nhận các quyết định của ICC, trên thực tế, Yerevan đã ký tham gia một chiến dịch phối hợp nhằm tăng cường áp lực chống lại Nga, chuyên gia Pritchin kết luận.