Theo nhận định của các chuyên gia cấp cao Eldad Shavit và Chuck Freilich tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel (INSS) ngày 4/8, sau những lời cảnh báo của Iran và Hezbollah về việc đáp trả vụ ám sát chỉ huy Hezbollah Fuad Shukr ở Beirut (Liban) và thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran, chính quyền Mỹ đã quyết định tăng đáng kể lực lượng của mình trong khu vực, bao gồm cả việc triển khai thêm tàu sân bay, tàu chiến và các tài sản quân sự khác.
Người phát ngôn của chính quyền Mỹ cũng lưu ý rằng mục đích của việc triển khai lực lượng là "răn đe" Iran và bảo vệ Israel, tương tự như các hành động được thực hiện vào đêm trước cuộc tấn công của Tehran ngày 13/4 vừa qua. Washington nhấn mạnh rằng họ không tìm cách leo thang và vẫn giữ nguyên lập trường của mình, như đã nhấn mạnh trong tất cả các cuộc đàm phán với Israel (bao gồm cả cuộc đàm phán của Tổng thống Joe Biden và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin), rằng chỉ có một thỏa thuận thả con tin mới có thể khởi đầu một quá trình xuống thang.
Hai chuyên gia Shavit và Freilich cho rằng, như vậy việc tăng cường lực lượng đáng kể của Mỹ thực sự được coi là nhằm mục đích ngăn chặn và bảo vệ Israel chủ yếu khỏi một cuộc tấn công của Iran. Tuy nhiên, điều này lại xuất phát từ mối lo ngại rằng nếu không có sự bảo vệ của Mỹ, Israel sẽ phải chịu một đòn tấn công nghiêm trọng, buộc nước này phải đáp trả. Trong một kịch bản như vậy, khả năng Mỹ sẽ phải gia tăng sự can dự của mình đáng kể, có thể đến mức phản ứng trực tiếp chống lại Iran.
Do đó, có vẻ như việc triển khai quân sự ồ ạt lần này nhằm mục đích giảm thiểu tối đa rủi ro trong kịch bản Iran giáng một đòn buộc Israel phải đáp trả quyết liệt và khiến Mỹ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về cách hành động. Theo quan điểm của Mỹ, nếu phản ứng của Iran bị ngăn chặn hoặc giảm thiểu (tương tự như cuộc tấn công vào giữa tháng 4 vừa qua), Israel sẽ kiềm chế không đáp trả và tình huống leo thang nghiêm trọng tiếp theo có thể tránh khỏi.
Hai chuyên gia trên cũng lưu ý, mặc dù chính quyền Mỹ vẫn cam kết giúp đỡ Israel như trước đây, nhưng mọi báo cáo đều chỉ ra rằng sự tức giận và thất vọng với hành vi của Israel đang gia tăng. Ở giai đoạn này, dù chính quyền Biden không công khai đổ lỗi cho Israel về việc trì hoãn thỏa thuận con tin, nhưng nhiều thông tin rò rỉ, có khả năng xuất phát từ chính quyền Mỹ, bao gồm cả từ cuộc điện đàm với Tổng thống Biden, cho thấy Nhà Trắng đang quy trách nhiệm cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về vấn đề này.
Các chuyên gia Israel trên kết luận: Washington hiện đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan về cách ứng phó với Israel do chiến dịch tranh cử tổng thống đang diễn ra ở Mỹ, với nguy cơ việc mở rộng sự can dự quân sự có thể ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử. Sự sụp đổ của kế hoạch nhằm chấm dứt xung đột do Tổng thống Biden chỉ đạo đã khiến chính quyền Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cân nhắc trách nhiệm của Israel, đặc biệt nếu Washington bị kéo vào việc mở rộng sự can dự quân sự trong khu vực.