Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa có cuộc điện đàm ngày 28/7, trong bối cảnh quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dậy sóng liên quan đến khả năng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi sẽ dừng chân tại Đài Loan (Trung Quốc) trong chuyến công du châu Á vào đầu tháng 8.
Phóng viên TTXVN thường trú tại Mỹ đã có cuộc trao đổi với bà Elizabeth Freund Larus - Giáo sư Khoa học chính trị và các vấn đề quốc tế tại Đại học Mary Washington, Chủ tịch Công ty tư vấn E Larus Consulting LLC - về nội dung cuộc điện đàm và triển vọng quan hệ Mỹ - Trung trong thời gian tới.
Theo Giáo sư Elizabeth Larus, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã được lên lịch từ lâu và được thiết kế nhằm tạo điều kiện trao đổi cởi mở, thẳng thắn giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
Báo chí Trung Quốc cho biết cuộc điện đàm tiến hành theo đề nghị của ông chủ Nhà Trắng, cho thấy dường như phía Mỹ cần hơn nên đã chủ động thúc đẩy kế hoạch điện đàm.
Khi nguy cơ đối đầu Mỹ - Trung gia tăng, Washington đã xúc tiến cuộc điện đàm với Bắc Kinh nhằm tăng cường kết nối và ổn định quan hệ song phương. Tuy nhiên, dù đây đã là cuộc điện đàm thứ 5 giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Biden lên cầm quyền cách đây 1 năm rưỡi, nhưng chưa thể xóa nhòa được tâm lý nghi kỵ giữa hai nước.
Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về vấn đề Đài Loan và hai bên cũng không thông tin về bất kỳ tiến triển cụ thể nào trong vấn đề này, cũng như các vấn đề gây tranh cãi giữa hai nước thời gian qua.
Tổng thống Biden đã thẳng thắn nói rằng chuyến đi Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi, nếu có diễn ra, thì đó không phải là một hành động khiêu khích Bắc Kinh. Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình rất cứng rắn khi tuyên bố thẳng rằng Bắc Kinh coi chuyến đi của bà Pelosi là sự vi phạm nghiêm trọng chính sách “Một Trung Quốc” và cảnh báo sẽ mạnh mẽ đáp trả hành động vi phạm này.
Không rõ nhà lãnh đạo Mỹ Biden phản ứng như thế nào trước tuyên bố cứng rắn của ông Tập Cận Bình rằng "những người đùa với lửa sẽ bị chết cháy", nhưng chắc chắn là Nhà Trắng không thể coi nhẹ lời cảnh báo này.
Chính phủ Mỹ cho rằng tiếp xúc giữa lãnh đạo hai nước là cách tốt nhất để giảm căng thẳng trên Eo biển Đài Loan. Tại Mỹ, cũng đang xuất hiện dư luận cho rằng việc bà Pelosi “không đến thăm Đài Loan là thỏa hiệp với Trung Quốc”. Cùng là các chính khách đảng Dân chủ, Tổng thống Biden có thể tư vấn cho bà Pelosi về việc có nên thực hiện chuyến thăm hay không.
Phần còn lại của cuộc điện đàm liên quan đến sự ổn định của chuỗi cung ứng trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách đóng cửa để chống dịch COVID-19 và các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, an ninh y tế và chống buôn bán ma túy. Tuy nhiên, sẽ không thực tế khi kỳ vọng nhiều vào sự hợp tác giữa hai nước nếu các tranh cãi lớn tiếp tục phá vỡ quan hệ song phương.
Theo Giáo sư Elizabeth Freund Larus, về triển vọng quan hệ hai nước trong ngắn hạn, riêng việc có một cuộc trao đổi ở cấp cao như vậy đã cho thấy thiện chí của hai bên, có ý nghĩa tích cực đối với quan hệ song phương. Mỹ sẽ không quá cứng rắn với Trung Quốc và về mặt chính sách sẽ không có quá nhiều thay đổi sau cuộc điện đàm này.
Ưu tiên của Tổng thống Biden vẫn tập trung vào các vấn đề trong nước, mặc dù bề ngoài là trao đổi với Trung Quốc nhưng thông điệp lớn vẫn là truyền tải đến dư luận trong nước rằng việc thảo luận giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho thấy quyết tâm của chính quyền trong việc nỗ lực chặn đà lạm phát, giảm bớt khó khăn cho người dân. Đây cũng được đánh giá là động thái của Tổng thống Biden và đảng Dân chủ nhằm ghi điểm với cử tri Mỹ trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới.
Hai nước Mỹ và Trung Quốc đều là những đối tác rất quan trọng của các nước châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung kéo theo sự chuyển dịch chuỗi cung ứng, các nền kinh tế khu vực này nên nắm bắt cơ hội chào đón các công ty Mỹ đang cân nhắc rời khỏi Trung Quốc.