Trong cuộc trả lời phỏng vấn Sputnik, nhà phân tích chính trị người Nga Stanislav Tarasov tại Viện Nghiên cứu Trung Đông - Caucasus nhấn mạnh rằng khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh giữa Qatar và các nước trên xảy ra chỉ một tuần sau hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và các nước Arab tại Riyadh (từ ngày 20-21/5). Khi đó, một hãng thông tấn của Qatar đã đăng bài phát biểu thay mặt một tiểu vương của quốc gia này ủng hộ xây dựng quan hệ với Iran.
Một góc Doha. Ảnh: Reuters |
Theo ông Tarasov, lý do khiến nhiều nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar sâu xa hơn những gì chính thức được công bố. Ông Tarasov nói: “Đây là khủng hoảng đầu tiên của liên minh mà Saudi Arabia cố gắng dựng lên trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới quốc gia này để gặp các thành viên của hội nghị thượng đỉnh. Chính tại hội nghị này, đề xuất xây dựng Sunni NATO hay NATO của Vịnh Ba Tư được đưa ra”.
Ông Tarasov cho rằng nguyên nhân gây ra cuộc khủng khoảng này không rõ ràng như mục đích của liên minh này là chống lại Iran. Nhà phân tích chính trị này đồng thời cho rằng trong khi phản ứng của Iran khá cứng rắn thì không ai có thể ngờ rằng nguy cơ này lại trở thành hiện thực nhanh chóng như vậy.
Nhà phân tích này bổ sung: “Syria hiện khá ổn định, nhất là đối với lực lượng chính phủ nước này và bộ máy quản lý tại Damascus đều được Iran ủng hộ. Cuộc chiến tại Yemen trong khi đó tiếp diễn với lực lượng nổi dậy, được cho là do Iran giúp đỡ, đối đầu liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu. Còn Qatar luôn nằm trong tầm nghi vấn có sự đồng cảm với Tehran”.
Ông Tarasov nghi ngờ nguyên nhân chính gây ra bê bối ngoại giao Qatar phức tạp hơn nhiều. Có thể sẽ có những diễn biến nhanh chóng, khó đoán về cả chính trị, ngoại giao. Ví dụ như Qatar có thể tham gia vào việc giải quyết khủng hoảng Syria.
Nhà phân tích Tarasov chia sẻ với Sputnik rằng có khả năng Qatar ủng hộ quan điểm của Iran. Tuy nhiên, Tehran trước đây từng bày tỏ rõ rằng vấn đề Syria là công việc nội bộ do vậy phương Tây và Nga chỉ nên đóng vai trò quan sát và bảo đảm cho tiến trình chứ không phải là phía tham gia.
Ông Tarasov đã loại bỏ khả năng xảy ra xung đột khu vực giữa Iran và các quốc gia khác trong khu vực bởi các đối thủ đều nhận ra thực tế Tehran khá “cứng”.
Giám đốc Viện Phát triển Quốc gia Hiện đại, ông Dmitry Solonnikov, cho rằng nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh là chuyến thăm gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Saudi Arabia cũng như viễn cảnh cắt giảm hỗ trợ cho cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm khủng bố trong khu vực.
Ông Solonnikov nhận xét rằng điều này khiến các quốc gia cố gắng tìm kiếm đối tượng nào đã hỗ trợ khủng bố quốc tế. Về mặt này Qatar bị biến thành kẻ đứng mũi chịu sào.
Theo ông Solonnikov, chuyến thăm của Tổng thống Trump đã tạo ra đường chia cắt giữa các quốc gia. Một số nước đang ở trong liên minh với Mỹ và được phép làm mọi thứ trong khi những quốc gia khác lại bị coi như con ngựa bất kham - điển hình là Iran. Và hiện giờ Qatar bị đẩy về cùng phía với Iran.
Ông Solonnikov cũng đưa ra quan điểm rằng nếu không có sự gật đầu của Mỹ thì Saudi Arabia và các quốc gia khác sẽ không có hành động đi xa đến mức cắt quan hệ ngoại giao với Qatar. Như vậy có thể hiều rằng quyết định của Saudi Arabia và các quốc gia khác đã được thông qua từ trước đó và kết quả là Qatar bị đẩy ra khỏi thế giới Arab.
Ông Solonnikov dự đoán rằng Qatar trong thời gian tới sẽ chịu thêm nhiều áp lực về kinh kế và văn hóa. Ngoài ra, nước này cũng có thể bị châu Âu và Mỹ tuyên bố là nhà bảo trợ cho khủng bố thế giới và sẽ bị trừng phạt.