Tuy nhiên, việc ông chủ Nhà Trắng cùng các nhân vật hàng đầu trong chính phủ và quốc hội Mỹ trong vài ngày nay gần như đồng thời có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 đã tạo ra tâm lý lo ngại về sự vận hành liên tục của chính phủ và bộ máy chính quyền cũng như tính liên tục trong hoạt động chính trị của Mỹ, khi ngày bầu cử tổng thống năm 2020 chỉ còn tính bằng tuần.
Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump thông báo đã mắc COVID-19 và được chuyển tới Viện quân y Walter Reed để điều trị, trong dư luận Mỹ đã nổi lên câu hỏi về tính liên tục của chính phủ cũng như đặt nhiều giả thiết liên quan đến khả năng một nhân vật tạm thời thay thế ông Trump tại Nhà Trắng.
Bản thân Cố vấn An ninh quốc gia Robert O'Brien từng cho rằng Tổng thống Trump cần thêm thời gian điều trị, và dù né tránh câu hỏi về việc "tạm thời thay thế" ông chủ Nhà Trắng, song ông Robert O'Brien cũng từng ám chỉ rằng mọi phương án "luôn được chuẩn bị sẵn sàng". Đây được coi là một thời khắc khó khăn của chính phủ, cũng như đối với những người ủng hộ Tổng thống Trump. Sự lúng túng này phần nào phản ánh rõ mức độ quan trọng của việc có hay không có sự hiện diện của Tổng thống Trump trong hệ thống chính quyền Mỹ.
Có thể thấy trong hệ thống chính trị Mỹ, những thành tựu về chính trị - kinh tế và xã hội luôn thể hiện nét đặc trưng, tiêu biểu và là thành tựu mang dấu ấn của từng tổng thống đương nhiệm, mà ông Trump không phải ngoại lệ. Dù bộ máy chính quyền vẫn vận hành theo chức năng, song trong những ngày ngắn ngủi ông Trump nằm viện điều trị, hầu như không có các tuyên bố chính sách, động thái chính trị về cả đối nội và đối ngoại được chính quyền đưa ra, điều mà người Mỹ luôn được chứng kiến sau hàng chục lần đăng tải trên trang Twitter cá nhân mỗi ngày của Tổng thống Trump.
Bởi vậy, ngay sau khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Trump gần như ngay lập tức đưa ra quyết định, với thông báo đình chỉ các cuộc đàm phán với các nghị sĩ đảng Dân chủ về dự luật cứu trợ mới cho tới sau cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 3/11 tới, một động thái rất rõ ràng, cứng rắn và thể hiện suy nghĩ khác biệt của ông so với tâm lý lo sợ thông thường của phe Dân chủ đối với đại dịch.
Vài ngày qua, không chỉ những nhân vật thân cận với ông Trump như các cố vấn Hope Hicks và Nicholas Luna, Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany, cố vấn chiến dịch tranh cử và cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie, hai trợ lý Chad Gilmartin và Karoline Leavitt, quản lý chiến dịch tranh cử Bill Stepien và cựu cố vấn Nhà Trắng Kellyanne Conway... dương tính với virus SARS-CoV-2, mà nhiều quan chức chính quyền, quốc hội từng tham dự sự kiện tổng thống chính thức thông báo đề cử bà Amy Coney Barrett làm thẩm phán Tòa án Tối cao vào ngày 26/9, cũng được xác định đã mắc COVID-19. Tình trạng này rõ ràng tác động tới chính trường Mỹ.
Khi nắm trên vai trọng trách phải đưa ra những quyết sách hệ trọng không chỉ đối với nước Mỹ mà còn đối với hệ thống chính trị quốc tế đương đại, ông Trump luôn cần đến một đội ngũ cố vấn, thư ký khổng lồ giúp ông chủ Nhà Trắng phát đi tuyên bố về mặt truyền thông cũng như công bố các quyết định quan trọng. Việc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bất ngờ rút ngắn chuyến thăm tới 3 nước Đông Á vừa qua (dự định tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ trong thời gian từ 4 - 8/10), chỉ thực hiện chuyến công du Nhật Bản và sớm quay về Washington cũng là một ví dụ cho thấy bộ máy chính quyền Mỹ đang cần thêm những nhân vật quan trọng bên cạnh ông Trump để đưa ra các quyết định quan trọng trong thời điểm hiện nay, hơn là các vấn đề đối ngoại không phải là ưu tiên cao nhất cho mục tiêu phục vụ bầu cử.
Hoạt động của quốc hội Mỹ cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Ngày 5/10, Thượng viện Mỹ đã quyết định tạm nghỉ 2 tuần và dự kiến sẽ quay lại làm việc vào ngày 19/10 tới. Quyết định trên được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump và 3 thượng nghị sĩ Cộng hòa gồm Thom Tillis (bang Bắc Carolina), Mike Lee (Utah) và Ron Johnson (Wisconsin) có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, 3 thượng nghị sĩ khác của đảng Cộng hòa gồm Ben Sasse (bang Nebraska), James Lankford (Oklahoma) và Ted Cruz (Texas) đã có kết quả âm tính nhưng đang tự cách ly sau khi từng tiếp xúc với các đồng nghiệp mắc COVID-19. Việc những nghị sỹ này vắng mặt đã làm giảm thế đa số 53 ghế bình thường của phe Cộng hòa xuống còn 47 ghế tại thượng viện ít nhất trong tuần này.
Những diễn biến này cho thấy việc virus SARS-CoV-2 có dấu hiệu lây lan trong giới chức quốc hội Mỹ đang đặt ra những thách thức, cản trở các tiến trình đề xuất và thông qua nhiều dự luật quan trọng. Thay vì tiến hành hàng chục phiên điều trần trong quãng thời gian tạm nghỉ trên, Thượng viện Mỹ chỉ còn tiến hành 2 phiên điều trần, trong đó một cuộc được tiến hành trực tiếp tại Ủy ban Tài chính (trong 1 buổi chiều bằng hình thức trực tuyến) và một cuộc điều trần về việc thông qua đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett lên Tòa án Tối cao (diễn ra trong vòng 4 ngày từ 12 - 15/10) - một hoạt động mà phe Cộng hòa không thể bỏ lỡ bởi sự kiện này quyết định ưu thế trong cán cân bảo thủ tại Tòa án Tối cao, trước khi nước Mỹ bầu được tổng thống mới. Chính điều này cũng khiến các thành viên đảng Dân chủ thậm chí đã kêu gọi trì hoãn các phiên điều trần thông qua việc đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tòa án Tối cao, cho rằng đảng Cộng hòa "đang đặt tham vọng tư pháp lên trên sức khỏe và sự an toàn" của các thượng nghị sĩ cũng như các nhân viên và phóng viên tương tác với họ hằng ngày.
Trong khi đó, tác động tới chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ thì đã bộc lộ rõ. Mặc dù ban vận động tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông chủ Nhà Trắng có kế hoạch tham gia cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai với ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden, dự kiến diễn ra vào ngày 15/10 tới tại Miami, bang Florida, song ông Joe Biden tỏ ý không sẵn sàng. Cựu Phó Tổng thống Biden tuyên bố không nên tổ chức cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai nếu ông Trump vẫn mắc COVID-19, cho rằng việc Tổng thống Trump và một loạt quan chức Nhà Trắng mắc COVID-19 là một "vấn đề vô cùng nghiêm trọng".
Giới chuyên gia cho rằng việc Tổng thống Trump nhập viện do COVID-19 khiến kết quả cuộc bầu cử sắp tới càng trở nên khó lường, thậm chí còn rất có thể gây tranh cãi. Không ít ý kiến cho rằng Tổng thống Trump và ban vận động tranh cử của ông sẽ khai thác việc người đứng đầu đấy nước mắc COVID-19 như một "lá bài".
Tờ Le Figaro (Pháp) nhận định nếu ông Trump vượt qua được căn bệnh nguy hiểm chết người này, ông có thể chứng tỏ bản lĩnh cá nhân khi vượt qua mọi thách thức, kể cả trước một kẻ thù vô hình đang làm tê liệt cả thế giới. Điều đó có thể "ghi điểm" cho Tổng thống Trump trước thềm cuộc bầu cử sắp tới. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích lại cho rằng việc virus SARS-CoV-2 "tấn công" vào trung tâm quyền lực Mỹ đã bộc lộ những điểm yếu trong chương trình của Chính phủ Mỹ đối phó với COVID-19, và đó có thể là yếu tố gây bất lợi cho ông Trump.
Bất luận ra sao thì việc Tổng thống Mỹ và hàng loạt quan chức hàng đầu mắc COVID-19 cũng tác động không nhỏ tới hoạt động của bộ máy chính quyền. Trên thực tế, với nền tảng chính trị được củng cố hàng trăm năm qua, bộ máy chính quyền Mỹ vẫn có thể được vận hành trong một số thời điểm "bỏ trống" một vài vị trí, nhân sự quan trọng, bao gồm cả tổng thống Mỹ. Song trong bối cảnh nước Mỹ đang phải thúc đẩy các nỗ lực nhằm đối phó với những tác động tiêu cực sâu rộng của đại dịch COVID-19, và nhất là khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tới rất gần, người dân Mỹ có thể rất cần một bộ máy vận hành liên tục nhằm duy trì tính ổn định vốn có.