Crưm có thể trở thành Kosovo thứ hai?

Theo số liệu của Sở Nội vụ Kiev thì tính từ ngày 18/2 đến nay, có ít nhất 67 người đã thiệt mạng, gồm cả cảnh sát. Tuy nhiên, theo các nguồn tin khác, thì riêng trong ngày 20/2, đã có tới 60 người chết và con số thương vong lên tới gần 600 người. Những người biểu tình còn bắt giữ 67 cảnh sát làm con tin. Cá biệt Thống đốc thành phố Lutsk, thuộc vùng Volyn ở phía tây Ukraine, ông Aleksandr Bashkalenko còn bị người biểu tình giam giữ, đối xử thậm tệ và bị buộc phải từ chức.

Tuy nhiên, tình trạng hỗn loạn ở Kiev chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.

Báo Độc lập (Nga) mới đây cho rằng những gì đang diễn ra tại Ukraine có ảnh hưởng mật thiết đến lợi ích của Nga, không chỉ trên phương diện kinh tế, chính trị, mà còn cả trong lĩnh vực quân sự. Việc Nga hợp tác tích cực với các tổ hợp công nghiệp-quân sự của Ukraine từ lâu đã không còn là bí mật.


Có thể nói Ukraine đóng vai trò đáng kể trong việc bảo đảm khả năng sẵn sàng tác chiến của quân đội Nga. Nước này cung cấp nhiều linh kiện cho các loại vũ khí thông thường cũng như vũ khí hạt nhân của Nga, trước hết đó là các loại tên lửa liên lục địa thuộc Lực lượng tên lửa chiến lược Nga, các động cơ máy bay và máy bay lên thẳng thuộc lực lượng Không quân Nga,vv... Ukraine cũng sửa chữa tàu bè của Hải quân Nga.

Thông qua các thỏa thuận song phương, Ukraine cho phép Nga sử dụng vùng biển cũng như cơ sở hạ tầng tại Sevastopol, một căn cứ quân sự tồn tại ngay cả sau sự sụp đổ của Liên Xô, vốn là căn cứ chính của Hạm đội Biển Đen (BSF), nằm ở Tây Nam bán đảo Crimea (Crưm). Có lẽ là sự may mắn ngẫu nhiên đối với Nga, khi năm 2010, ngay sau khi trở thành Tổng thống Ukraine, ông Viktor Yanukovych đã ký với Nga một thỏa thuận mới nhất, cho phép kéo dài thời hạn Hạm đội Biển Đen đóng quân tại Crimea đến hết năm 2042. Trong khi mọi người đã quá rõ người tiền nhiệm- cựu Tổng thống Viktor Yushchenko không ủng hộ chủ trương này.

Hiện nay, Nga đang chuẩn bị một thỏa thuận song phương mới, cho phép tái vũ trang đáng kể cho Hạm đội Biển Đen và những gì diễn ra tại Quảng trường Maidan (Quảng trường Độc lập) ở thủ đô Kiev của Ukraine chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới những kế hoạch của Nga.

Nếu chỉ đề cập lợi ích quân sự của Nga ở Ukraine, đương nhiên nếu phe đối lập giành chiến thắng ở Maidan, đó chắc chắn sẽ là một đòn mạnh giáng vào vị thế của Nga tại Crimea, nơi phần lớn Hạm đội Biển Đen của Nga đang đóng quân. Đó là còn chưa kể tới yếu tố người Tatar ở Crimea chưa bao giờ ủng hộ sự có mặt của Hạm đội này trên quê hương họ và họ đã từng tiến hành biểu tình phản đối. Khi đó, Mejlis (Quốc hội) của người Tatar ở Crimea (một liên minh không chính thức muốn có được chế độ tự trị của mình) đã tập hợp được hàng chục nghìn người tại Simferopol và nhiều thành phố khác trên bán đảo Crimea đòi hủy bỏ "hiệp ước sỉ nhục" ký giữa Ukraine với Nga.

Hiện tại Crimea tương đối yên tĩnh. Nhưng với việc một đại biểu Quốc hội Ukraine thuộc phái Mejlis, ông Refat Chubarov đã gay gắt phản ứng trước ý kiến của một số đại biểu Quốc hội khác ủng hộ sáp nhập Crimea vào thành phần Nga, khi ông này khẳng định rằng: "Người Tatar ở Crimea có thể tự tuyên bố về quyền tự quyết của mình", và rằng: "Cơn bão cách mạng Maidan sẽ làm sạch Ukraine", thì dường như đó chỉ là sự yên tĩnh trước cơn bão.

Hơn thế, một nguồn tin từ Cơ quan An ninh Ukraine mà Báo Độc lập (Nga) thu thập được, thì hiện có tới gần 1.000 "chiến binh" Tatar, trong đó nhiều người từng có kinh nghiệm tham chiến tại Syria, đang đứng về phe đối lập trên Quảng trường Maidan, chống lại chính phủ. Tờ báo Nga nhận định: không thể loại trừ một kịch bản mà với sự hỗ trợ ngầm của phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ, những người Tatar ở Crimea có thể biến "những mâu thuẫn chính trị - xã hội hiện nay ở Ukraine thành một cuộc chiến giữa các dân tộc thiểu số, giống như kịnh bản đã từng xảy ra ở Kosovo". Và ai biết được sau Quảng trường Độc lập, họ sẽ còn có những hành động gì tiếp theo, để biến giấc mơ độc lập của họ khỏi Ukraine lẫn nước Nga trở thành hiện thực. Và nếu điều đó xảy ra, sẽ hết sức nguy hiểm cho Crimea, cho Ukraine và cho cả Hạm đội Biển Đen của Nga.


Quế Anh (P/v TTXVN tại LB Nga)

Ukraine ký thỏa thuận chấm dứt khủng hoảng
Ukraine ký thỏa thuận chấm dứt khủng hoảng

Chính quyền và phe đối lập Ukraine vừa ký một thỏa thuận mang tính đột phá, đề cập đến những điểm cốt lõi nhất liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia Đông Âu này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN