Binh sĩ Syria sau khi giành lại quyền kiểm soát một thị trấn thuộc tỉnh Hama từ IS ngày 3/10. Ảnh: THX/TTXVN |
Trong vòng 2 năm qua, quân đội Syria liên tục giành nhiều thắng lợi to lớn trên thực địa, qua đó làm thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc chiến, giúp chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad có được lợi thế lớn trên bàn đàm phán nhằm đem lại hòa bình cho Syria. Hai cuộc đàm phán hòa bình Syria, một do Liên hợp quốc bảo trợ đã diễn ra 7 vòng tại Geneva (Thụy Sĩ), một được Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ phối hợp tổ chức tại thủ đô Astana của Kazakhstan với 6 vòng, dù chưa đạt nhiều tiến triển như kỳ vọng, song là hướng đi đúng đắn để có thể đạt được một giải pháp chính trị lâu dài cho quốc gia Trung Đông này.
Việc quân đội Syria tới nay đã giải phóng hơn 90% phần lãnh thổ mà tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng chiếm đóng tại nước này, là một trong những kết quả trực tiếp của chiến dịch hỗ trợ quân sự hiệu quả mà Nga triển khai suốt 2 năm qua tại quốc gia Trung Đông. Kể từ ngày 30/9/2015, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ thị cho Không quân nước này tham gia hỗ trợ quân đội Syria chống khủng bố theo đề nghị của chính quyền Tổng thống al-Assad, Lực lượng Không quân-Vũ trụ Nga đã tiến hành hơn 30.000 lần xuất kích với 92.000 cuộc không kích, tiêu diệt hơn 96.000 mục tiêu của IS và hơn 53.700 phiến quân khủng bố. Có thể nói, sự can thiệp quân sự kịp thời cũng như sự hỗ trợ vũ khí hiệu quả của Nga đã giúp đảo ngược thế trận, liên tiếp đem lại thắng lợi lớn cho quân đội chính phủ Syria.
Từ tái chiếm thành cổ Palmyra, cái nôi văn hóa và lịch sử ở vùng đất trung tâm Syria, vào tháng 3/2017 đến giải phóng hoàn toàn thành phố Aleppo khỏi tay IS hồi đầu tháng 6/2017, sau chiến dịch kéo dài gần 10 tháng. Đầu tháng 9/2017, vòng vây Deir Ezzor- thành trì lớn cuối cùng của IS tự xưng - chính thức bị phá vỡ, đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc chiến tiêu diệt IS ở Syria, nếu nhìn bối cảnh trước tháng 9/2015, thời điểm các lực lượng quân đội Syria mất dần lãnh thổ vào tay phe đối lập và các nhóm khủng bố.
Khi đó, IS và nhóm Mặt trận Al-Nusra có quan hệ với tổ chức Al-Qaeda còn chiếm giữ căn cứ cuối cùng của quân chính phủ ở tỉnh Idlib, miền Bắc Syria, đồng thời kiểm soát tuyến giao thông huyết mạch nối Latakia với Idlib, cũng như phần lớn vùng đồng bằng Sahl al-Ghab ở phía Đông Nam Syria. Thay vì ở thế tấn công tiêu diệt khủng bố, quân đội chính phủ Syria lại rơi vào thế buộc phải phòng thủ trước đòn tấn công của cả IS và các lực lượng phiến quân được Mỹ hậu thuẫn. Bởi vậy, sau những kết quả tích cực trong 2 năm qua, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Syria Walid al-Muallem tuyên bố chiến thắng quân sự của quân chính phủ Syria trong cuộc chiến kéo dài hơn 6 năm qua ở nước này "hiện đã trong tầm tay".
Chiến thắng trên chiến trường cũng giúp chính quyền của Tổng thống al-Assad giành được "thế thượng phong" trong tiến trình đàm phán về hòa bình Syria, tạo tiền đề vững chắc cho tương lai chính trị của nhà lãnh đạo Syria. Bên cạnh đó, sau 6 vòng hòa đàm tại Astana, Nga cùng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận thiết lập và giám sát 4 vùng "giảm căng thẳng" (với 2,5 triệu người sinh sống) trên lãnh thổ Syria, bao gồm tỉnh Idlib, khu vực Bắc tỉnh Homs, Đông Ghouta và các tỉnh miền Nam Syria, bước đầu làm giảm các vụ giao tranh giữa lực lượng chính phủ và các tay súng đối lập. Trước đó, 2 vùng giảm căng thẳng cũng đã được thiết lập tại Tây Nam Syria và ngoại ô thủ đô Damascus, cùng với việc Mỹ và Nga dàn xếp một thỏa thuận ngừng bắn tại Tây Nam Syria. Cục diện mới này tại Syria mở ra cơ hội chấm dứt cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của hơn 320.000 người, đồng thời đẩy hơn một nửa dân số trong tổng số 23 triệu người (trước chiến tranh) vào cảnh "không nhà" và thất nghiệp, trong đó khoảng 4,8 triệu người phải lánh nạn ở nước ngoài.
Tuy nhiên, tiến trình đàm phán giữa các phe phái đối địch để đem tới nền hòa bình bền vững cho quốc gia Trung Đông vẫn còn khá chông gai, đặc biệt, sau 7 vòng hòa đàm ở Geneva, Chính phủ Syria và các nhóm đối lập vẫn bất đồng trong những vấn đề then chốt. Bế tắc trong vấn đề chuyển tiếp chính trị vẫn chưa được giải quyết, trong khi các mối hiểm nguy thường trực từ IS và các nhóm khủng bố khác vẫn chưa thể loại trừ.
Sự cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn, cũng như những khác biệt về lợi ích của các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng Syria, cũng khiến việc giải quyết vấn đề này trở nên phức tạp. Trong 2 năm qua, Nga đã thể hiện sức mạnh vượt trội cả về chiến lược và chiến thuật tại Syria, phần nào làm lu mờ vai trò của Mỹ và các đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria nói riêng và Trung Đông nói chung. Tuy nhiên, nguy cơ đụng độ giữa lực lượng của Nga và Mỹ tại Syria vẫn chưa thể loại trừ hoàn toàn, nhất là khi hai bên thường xuyên cáo buộc lẫn nhau khi dân thường ở Syria thiệt mạng trong các vụ không kích chưa rõ của bên nào.
Nhiều lần Nga và Mỹ còn cắt đứt "đường dây nóng" vốn được sử dụng để ngăn chặn sự cố va chạm giữa các máy bay chiến đấu của Mỹ và Nga tại Syria. Thậm chí, sự kiện Mỹ trực tiếp tấn công quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad liên quan tới cáo buộc về sử dụng vũ khí hóa học hồi tháng 4/2017, từng đẩy nguy cơ đối đầu quân sự Nga-Mỹ tại Syria lên tới đỉnh điểm. Syria, với vị trí là một trong những nước có tầm chiến lược quan trọng nhất ở Trung Đông, cũng là nơi các nước trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Iran... luôn tìm cách "can thiệp" sâu hơn vào cuộc khủng hoảng với những mục tiêu và tham vọng không giống nhau. Những yếu tố tác động như vậy đẩy tình hình Syria vào thế thiếu ổn định, cuộc xung đột vũ trang tại đây đang có cơ hội chấm dứt, song tương lai của Syria rõ ràng vẫn khó đoán định.