Trước thềm cuộc họp Quốc hội Ukraine, các cuộc đàm phán nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị nước này dự kiến sẽ gia tăng trong tuần tới. Thủ tướng Arseny Yatsenyuk đã nhiều lần bị ép phải từ chức, song kịch bản này dường như không nằm trong kế hoạch của ông. Ông Yatsenyuk một lần nữa bày tỏ sẵn sàng hợp tác và yêu cầu được hỗ trợ. Trong khi đó khả năng của những người kế nhiệm ông cũng chưa rõ ràng, và công luận tiếp tục suy đoán về nhân vật có thể thay ông Yatsenyuk.
Nữ Bộ trưởng Tài chính Natalia Yaresko (trái), ứng cử viên sáng giá thay thế Thủ tướng Yatsenyuk (phải). |
Tuần trước, đã có nhiều thông tin về việc ông Yatsenyuk đồng ý từ chức. Tuy nhiên những thông tin này đều bị ông Yatsenyuk bác bỏ. Thủ tướng tuyên bố sẵn sàng hợp tác song không rõ là hợp tác với ai và vì ai.
Ngày 9/3, ông Yatsenyuk nêu ra 3 phương án thoát khỏi khủng hoảng chính trị hiện nay: khôi phục hoạt động của liên minh cầm quyền trong Quốc hội; thành lập nội các mới với một chương trình và liên minh cầm quyền mới; tổ chức bầu cử trước thời hạn. Bản thân ông Yatsenyuk đương nhiên hy vọng Quốc hội sẽ chọn phương án đầu tiên, mà theo ông là dễ chấp nhận nhất. Ông nói: "Tôi hy vọng các bên tham gia liên minh trong Quốc hội, đặc biệt là Đảng Cấp Tiến và Đảng Tự lực, sẽ quyết định nối lại hoạt động của liên minh và tiếp tục con đường cải cách ở Ukraine". Theo ông Yatsenyuk, phương án tồi tệ nhất là tiến hành bầu cử trước thời hạn.
Các nguồn tin truyền thông cho rằng ông Yatsenyuk với sự hậu thuẫn của Đảng Tự lực và Đảng Cấp tiến có ý định duy trì chiếc ghế của mình. Có vẻ như để đổi lấy sự trở lại liên minh của ông Andrey Sadovy, Thị trưởng thành phố Lvov và là Chủ tịch Đảng Tự lực, ông Yatsenyuk đã hứa đầu tư lớn và hỗ trợ ngân sách cho thành phố này. Còn với Oleg Lyashko, Chủ tịch Đảng Cấp tiến, ông hứa hẹn dành các vị trí chủ chốt trong 2 bộ để lựa chọn.
Với Tổng thống Petro Poroshenko, ông Yatsenyuk quyết định đánh tiếng qua báo Anh “Financial Times”. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo này, ông Yatsenyuk kêu gọi Tổng thống hậu thuẫn chính phủ của mình, hoặc lập chính phủ mới. Ông nói: "Nếu Tổng thống không muốn hợp tác với tôi, và nếu phe của ông ta phản đối chính phủ và Thủ tướng, tôi sẽ yêu cầu ông ấy đưa ra cho nhân dân Ukraine cương lĩnh của chính phủ mới và hình thành liên minh cầm quyền mới, với tất cả sự kính trọng khi nhận trách nhiệm thành lập chính phủ mới".
Ông Yatsenyuk cũng phàn nàn rằng liên minh cầm quyền, trong đó có 136 nghị sĩ thuộc Đảng của Tổng thống, không hỗ trợ 60% các dự luật của chính phủ và ông rất khó chịu khi bị "đâm sau lưng" như vậy. Vị thủ tướng cũng đảm bảo đang nỗ lực hết mình để không tái diễn cuộc khủng hoảng năm 2005, ám chỉ cuộc xung đột khi đó giữa Tổng thống Viktor Yushchenko và Thủ tướng Yulia Tymoshenko. Ông nói: "Tôi sẽ không bao giờ phàn nàn về Tổng thống của mình... Tôi sẽ giữ miệng cho tới cùng".
Về phần mình, Tổng thống Poroshenko trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ TRT World, đã loại trừ khả năng bầu cử Quốc hội trước thời hạn. Ông cho biết sẵn sàng hợp tác với bất kỳ thủ tướng nào. Thủ lĩnh Đảng "Khối Petro Poroshenko" (BPP) trong Quốc hội, ông Yury Lutsenko thì cho rằng, cương vị thủ tướng "cần là người dám dũng cảm ngừng hợp tác với các nhà tài phiệt và doanh nghiệp của đảng", và đưa ra các nguyên tắc trong quan hệ giữa chính quyền với doanh nghiệp lớn. Ông lưu ý: "Yatsenyuk không làm điều này đã 1 năm, và trong những tuần gần đây, ông ấy đã thể hiện mối liên hệ của mình với các nhà tài phiệt qua việc bổ nhiệm người của họ vào Hội đồng giám sát các doanh nghiệp nhà nước có vai trò kinh tế quan trọng. Điều này sẽ không được Đảng chúng tôi ủng hộ".
Về những đồn đoán xung quanh người kế nhiệm ông Yatsenyuk, dự kiến có 3 người có thể thay thế: Bộ trưởng Tài chính Natalia Yaresko, Chủ tịch Quốc hội Vladimir Groisman và cựu Phó Thủ tướng, cựu Bộ trưởng Tài chính Ba Lan Leszek Balcerowicz. Trong khi ông Balcerowicz đã từ chối đề nghị, bà Yaresko được cho là đã đồng ý ngồi vào ghế thủ tướng và thậm chí đã bắt đầu hình thành êkíp của mình, đưa ra một số điều kiện, song về mặt công khai bà từ chối bình luận vấn đề này. Ông Groisman cũng từ chối đề cập tới cương vị thủ tướng của mình và cho rằng hiện không phải lúc để suy đoán.