Theo WHO, viêm phổi ảnh hưởng đến khoảng 450 triệu người mỗi năm là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở các nhóm tuổi, cướp đi sinh mạng của khoảng 4 triệu người mỗi năm (7% tổng số tử vong trên thế giới), trong đó gần một nửa là trẻ em (tức là nhiều hơn số ca tử vong do AIDS, sốt rét và sởi cộng lại).
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ước tính mỗi ngày có khoảng 4.300 trẻ tử vong do viêm phổi trên toàn thế giới, nghĩa là cứ 20 giây lại có 1 ca. Riêng Việt Nam, mỗi năm có khoảng 2,9 triệu trẻ mắc viêm phổi và khoảng 4.000 trẻ tử vong do viêm phổi, khiến Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của bệnh viêm phổi.
UNICEF và nhiều tổ chức về sức khỏe cộng đồng quốc tế gọi viêm phổi là “dịch bệnh bị lãng quên” vì đang có hàng triệu người chủ quan hoặc lầm tưởng về mức độ nguy hiểm của bệnh, dẫn tới bệnh biến chứng nặng nề, điều trị kéo dài, gây tỷ lệ tử vong cao, trong khi bệnh này có thể được phòng ngừa và chữa khỏi. Đặc biệt, sau gần 3 năm thế giới chống chọi với đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế, tại nhiều khu vực có nguy cơ mắc viêm phổi cao, các biện pháp ngăn chặn và điều trị viêm phổi đang bị xao lãng.
Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị viêm phổi, song trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền là nhóm đối tượng rủi ro cao. Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là đối tượng dưới 2 tháng tuổi với hệ hô hấp và hệ miễn dịch còn non nớt, chưa hoàn thiện, có nguy cơ mắc và tử vong do viêm phổi cao nhất. Theo UNICEF, hằng năm, ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, ước tính có khoảng 7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi phải nhập viện vì viêm phổi và cần được thở oxy khẩn cấp để sống sót. Các quốc gia có số ca tử vong vì viêm phổi ở trẻ em cao nhất tập trung ở khu vực châu Phi và châu Á, trong đó có Nigeria, Ấn Độ, CHDC Congo, Ethiopia và Pakistan. Năm quốc gia này chiếm hơn một nửa số ca tử vong do viêm phổi ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu.
UNICEF cho rằng ô nhiễm không khí có thể làm gia tăng đáng kể nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, trong đó có cả viêm phổi. Khoảng 30% số ca tử vong vì viêm phổi là do ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí ngoài trời đã là một nguy cơ đối với trẻ em, nhưng ô nhiễm không khí trong nhà do sử dụng nhiên liệu “bẩn” để nấu nướng và sưởi ấm còn gây ra một mối đe dọa toàn cầu lớn hơn. Ô nhiễm không khí trong nhà góp phần gây ra 62% số ca vong vì viêm phổi ở trẻ em do ô nhiễm không khí gây ra.
Nigeria là nước có số trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi ngày vì viêm phổi do ô nhiễm không khí gây ra (cả ô nhiễm bên ngoài lẫn ô nhiễm trong hộ gia đình) lớn nhất thế giới (hơn 180 trẻ). Tại Ấn Độ, quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng chất lượng không khí ở ngưỡng “nguy hiểm” cho sức khỏe, sau biến chứng do sinh non, viêm phổi cũng là nguyên nhân gây tử vong cao nhất đối với trẻ em dưới 5 tuổi. Theo nghiên cứu của Viện Chính sách năng lượng thuộc Đại học Chicago (EPIC - Mỹ), riêng tại các bang Uttar Pradesh và Bihar của Ấn Độ, nơi có 300 triệu người sinh sống, bệnh phổi và bệnh tim do ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 gây ra đang làm giảm 8 năm tuổi thọ của người dân, trong khi con số này ở thủ đô New Delhi là 10 năm.
Tiến sĩ Randeep Guleria, bác sĩ chuyên khoa phổi đồng thời là cựu Giám đốc Viện Khoa học y tế toàn Ấn Độ (AIIMS) ở New Delhi, cho rằng “khi chất lượng không khí kém, nó sẽ ảnh hưởng đến nhóm dân số dễ bị tổn thương như trẻ em, người già và những người có bệnh nền, bệnh hô hấp mãn tính hoặc bệnh tim. Ở trẻ em, nó cũng có thể dẫn đến giảm sự phát triển của phổi. Khi trẻ lớn lên trong môi trường như vậy, sự phát triển của phổi sẽ bị cản trở”.
Trong khi đó, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên hợp quốc cho rằng các đợt nắng nóng cực đoan với cường độ và tần suất gia tăng, cũng như các vụ cháy rừng xảy ra thường xuyên do tác động của biến đổi khí hậu, sẽ khiến chất lượng không khí giảm sút, gây tác hại đối với sức khỏe con người và hệ sinh thái. Nhà khoa học Marshall Burke thuộc Đại học Stanford (Mỹ), cũng cho rằng cháy rừng sản sinh các loại khí, hóa chất độc hại và lượng lớn bụi mịn PM2.5, tiềm ẩn nguy cơ cao đối với sức khỏe vì chúng có thể xâm nhập sâu vào phổi hoặc hệ thống tim mạch, thậm chí có thể di chuyển hàng nghìn km. Biến đổi khí hậu cũng tác động tới hệ sinh thái, làm tăng đáng kể sự lây truyền virus giữa các loài động vật, từ đó làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh từ động vật sang con người và tạo ra các bệnh truyền nhiễm chẳng hạn như virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19.
WMO cảnh báo ô nhiễm không khí kết hợp với biến đổi khí hậu sẽ tác động đến đời sống hàng trăm triệu người trong thế kỷ tới nếu cộng đồng quốc tế không hành động ngay lập tức để ngăn chặn những "kẻ giết người thầm lặng” này.
WMO kêu gọi thế giới cùng hành động, nhấn mạnh việc thực hiện mục tiêu trung hòa carbon sẽ giúp hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí có thể xảy ra trong tương lai. Chuyên gia Crista Hasenkopf thuộc EPIC nhận định việc giảm ô nhiễm không khí toàn cầu một cách bền vững sẽ giúp tuổi thọ trung bình của con người kéo dài thêm 2,2 năm.
Mới đây, khoảng 200 tổ chức, trong đó có WHO, và hơn 1.400 chuyên gia y tế đã kêu gọi chính phủ các nước đối thoại và đàm phán để xây dựng "hiệp ước không phổ biến nhiên liệu hóa thạch" - hiệp ước quốc tế mang tính ràng buộc pháp lý về loại bỏ dần các loại nhiên liệu như than đá, dầu mỏ và khí đốt, mà theo họ là "mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người". Chuyên gia Diarmid Campbell-Lendrum, người đứng đầu đơn vị sức khỏe và biến đổi khí hậu tại WHO, cho rằng "chúng ta có thể có nhiên liệu hóa thạch hoặc sức khỏe - song không thể có cả hai". Đây cũng là vấn đề được các nhà lãnh đạo thế giới và các tổ chức toàn cầu thảo luận tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra ở Ai Cập.
Giới khoa học nhấn mạnh giảm thiểu khí thải do sử dụng nhiên liệu hóa thạch là yếu tố quyết định để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Ngăn chặn biến đổi khí hậu cũng đồng nghĩa với việc giảm thiểu nguy cơ nắng nóng gây cháy rừng, khói bụi độc hại... từ đó giúp nâng cao chất lượng không khí cũng như tạo môi trường sống lành mạnh. Các nguyên nhân hàng đầu gây bệnh viêm phổi đều liên quan đến nhau và đã vượt mọi ranh giới quốc gia. Do đó, cuộc chiến mang tính toàn cầu để đem lại hơi thở cho những bệnh nhân viêm phổi và giảm tỷ lệ mắc căn bệnh này cũng chính là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí.