Giống như Ukraine, Latvia là một quốc gia bị chia rẽ, với dân tộc Nga chiếm gần 30% và gần 40% người dân ở quốc gia này nói tiếng Nga như là ngôn ngữ chính thứ 2 của mình.Ukraine là một quốc gia lớn ở khu vực Biển Đen và Latvia là một quốc gia nhỏ hơn ở khu vực vùng biển Bantic, nhưng cả hai đều có chung biên giới với Nga và có sự xung đột văn hóa nội bộ, kẹt trong những căng thẳng giữa Nga và phương Tây. Những bài học lớn có thể được rút ra từ những điểm chung và riêng của hai quốc gia này, nhưng bài học lớn nhất đó là vấn đề văn hóa. Đây chính là một nhân tố gắn liền với những lợi ích chiến lược mà không một quốc gia nào có thể xem thường.
Sự can thiệp của phương Tây vào Ukraine là một sai lầm nghiêm trọng. |
Những người theo chủ nghĩa hiện thực đã đưa ra lời cảnh báo về phương pháp tiếp cận gần đây của NATO, đặc biệt trong vấn đề Ukraine. Phương Tây đã lờ đi những khác biệt về văn hóa ở khu vực này. Thật vậy, họ đã bỏ qua những đặc trưng của các nền văn hóa khác, cho là không thích hợp ngoại trừ văn hóa phương Tây và có tham vọng mở rộng văn hóa của mình ra các quốc gia khác trên toàn thế giới. Điều này dẫn đến sự tàn phá rất lớn kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, ví dụ như ở Iraq, Afghanistan, Libya, Ai Cập, Syria và giờ đây là ở các khu vực biên giới của châu Âu.
Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi một số nhà bình luận và quan chức phương Tây không thể nhìn thấy sự khác biệt về văn hóa ở Ukraine và Latvia. Theo họ, cả hai quốc này cần phải được gia nhập vào “ngôi nhà chung” của các tổ chức phương Tây. Tuy nhiên, đi sâu phân tích về vấn đề lịch sử và dòng văn hóa của hai quốc gia này sẽ cho chúng ta một sự hiểu biết toàn diện hơn về thực tế địa chính trị trong sự phân cực giữa phương Tây và Nga, đồng thời có thể giúp Mỹ có một sự tiếp cận phù hợp trong chính sách đối ngoại trong khu vực. Hãy bắt đầu với Ukraine.
Khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) thông qua chính sách bành trướng của NATO về phía đông (hay còn gọi là Chính sách Cánh cửa mở - Open Door policy), họ đã không phân biệt những ranh giới về văn hóa, do đó đã kích động một cuộc đối đầu giữa “nền dân chủ” kiểu phương Tây do Mỹ đứng đầu và một nền văn hóa chính thống do Nga đứng đầu, đặc biệt là ở một nơi dễ bùng phát như ở Ukraine, một quốc gia vốn bị chia rẽ giữa đông và tây (những người theo chủ nghĩa dân tộc ở phía tây Ukraine hướng về phương Tây, còn những người theo dòng Chính Thống giáo ở phía đông Ukraine hướng về Nga). Đây là một quốc gia với hai nền văn hóa, hai tôn giáo, hai khái niệm di sản riêng biệt. Rõ ràng về bản chất, Ukraine là một quốc gia điểm nóng như chúng ta đang thấy trong cuộc khủng hoảng hiện tại.
Để minh họa cho vấn đề này, chúng ta hãy nhìn lại kết quả cuộc bầu cử tổng thống Ukraine năm 1994 giữa 2 ứng cử viên Leonid Kravchuk, người được cho là theo chủ nghĩa quốc gia dân tộc và Leonid Kuchma, đại diện cho người dân ở đông Ukraine. Ông Kuchma đã nhận được số phiếu bầu cụ thể ở các tỉnh phía đông: 88% ở Luhansk, 90% ở Crimea và 79% ở Donetsk. Trong khi đó, ông Kravchuk giành được số phiếu ở các tình miền tây của đất nước: 84% ở Volyn, 93% ở Lviv, 95% ở Ternopil. Khi ông Kuchma giành chiến thắng với 52% tổng số phiếu, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Mỹ, Ian Brzezinski cho biết cuộc bầu cử đã "phản ánh, thậm chí kết tinh của sự chia rẽ giữa Đông và Tây”.
Do vậy, Ukraine là những gì mà nhà khoa học, chính trị Samuel P. Huntington gọi là một “quốc gia nằm giữa vết nứt văn hóa”, nơi mà các nhóm dân tộc lớn thuộc về các nền văn hóa khác nhau. Ông Hungtington lưu ý rằng, những căng thẳng về văn hóa chắc chắn sẽ nổi lên “khi một trong số nhóm chính thuộc một nền văn hóa tìm cách khẳng định nhà nước như một công cụ chính trị và biến ngôn ngữ, tôn giáo của mình trở thành biểu tượng của quốc gia”. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh 2 nhóm tôn giáo chính ngang bằng về dân số và sự ảnh hưởng như ở Ukraine. Khi Mỹ và châu Âu tìm cách tăng cường ảnh hưởng của mình ở phía tây Ukraine, chắc chắn sẽ khiến những người ở phía đông của nước này hướng về Nga.
Bản đồ Nga và một số nước châu Âu gia nhập NATO kể từ năm 1992 (màu vàng). |
Mặt khác, Ukraine vốn có vai trò quan trọng đối với những lợi ích chiến lược của Nga, nơi mà Moskva đã thiết lập sự ảnh hưởng của mình từ giữa thế kỷ 17. Về bản chất tự nhiên, Nga cũng cần phải có một vùng đệm an toàn, đặc biệt là cần một số rào chắn để ngăn chặn sự can thiệp quân sự từ phương Tây, vốn đã gây nên bao cuộc chiến tranh và chết chóc trong vài thập kỷ qua. Ngoài ra, Ukraine còn là một thành phần cơ bản đại diện cho nền văn hóa và dân tộc Nga. Nếu thiếu Ukraine, Moskva rất khó thể hiện sức mạnh ở châu Âu và dĩ nhiên, Crimea luôn có một vị trí chiến lược đối với Moskva ở Biển Đen.
Như ông Huntington đã chỉ ra, "một quốc gia bị chia rẽ về văn hóa luôn luôn phải đối mặt với thách thức để đảm bảo tính thống nhất của họ". Đó là sự mô tả chính xác về Ukraine, một quốc gia "nằm trên biên giới giữa các nền văn minh phương Tây và Chính Thống giáo". Nó sẽ không dễ dàng để duy trì một trạng thái cân bằng ở Ukraine và sẽ là tốt nhất nếu nó nằm dưới sự bảo trợ của Nga, do có số lượng lớn người dân theo Chính Thống giáo và trong nhiều thập kỷ qua đã nằm trong phạm vi lợi ích của Nga.
Đó là lý do tại sao sự can thiệp của phương Tây vào Ukraine là một sai lầm nghiêm trọng. Mỹ được cho là đã chi 5 tỷ USD để "thúc đẩy dân chủ" ở quốc gia Đông Âu này, nhằm kéo Kiev ra khỏi vòng ảnh hưởng của Moskva. Với ý tưởng gia nhập Ukraine vào khối NATO, phương Tây đã tạo ra một vấn để hết sức nhạy cảm, động chạm đến lợi ích của Nga. Giống như Mỹ hay bất kỳ một quốc gia nào khác, Nga đã phản ứng để bảo vệ lợi ích chiến lược của mình, nhưng phái tân bảo thủ phương Tây đã lợi dụng vấn đề này, làm bùng lên ngọn lửa hiếu chiến, thổi phồng cái gọi là "sự gây hấn của Moskva" và kêu gọi Washington áp dụng các chính sách "cứng rắn" với Nga.
(Còn tiếp)
Công Thuận