Cuộc 'mặc cả' về số phận căn cứ quân sự Manas

Báo "Độc lập" (Nga) mới đây cho biết, Mỹ vừa quyết định thay chỉ huy tại sân bay quân sự Manas cách thủ đô Bishkek 23km mà nước này thuê của Kyrgyzstan. Người được bổ nhiệm là Đại tá John Millard, từng là chỉ huy đội nghiệp vụ số 60 của không quân Mỹ. Trong một phát biểu với giới báo chí ngày 13/6 ông Millard tuyên bố vấn đề Mỹ tiếp tục thuê căn cứ vận chuyển hàng hóa quân sự số 376 này đang được giải quyết ở cấp chính phủ hai nước. Trước đó, Hạ viện Mỹ cũng thông qua quyết định bãi ước thỏa thuận với Kyrgyzstan về căn cứ quân sự này.

Các máy bay Mỹ tại căn cứ quân sự Manas. Ảnh: AFP/TTXVN.


Sân bay quân sự Manas ở Kyrgyzstan được Mỹ bắt đầu sử dụng từ năm 2001 phục vụ cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan. Tính đến nay, Mỹ đã thay 17 đời chỉ huy ở Manas và dư luận đặt ra câu hỏi liệu ông Millard có phải là đời chỉ huy thứ 18 đồng thời cũng là cuối cùng trong lịch sử căn cứ quân sự này hay không? Lời giải đáp cho câu hỏi này không chỉ được chính quyền Kyrgyzstan đi tìm, mà còn được dư luận quốc tế hết sức quan tâm.

Như đã biết, chính quyền Kyrgyzstan đã nhiều lần hứa hẹn sẽ đóng cửa căn cứ trung chuyển hàng hóa quân sự và binh lính Mỹ đến Afghanistan và ngược lại vào năm 2014. Phát biểu trước các quan chức và báo chí Nga, Tổng thống Kyrgyzstan, Almazbek Atambaev không ít lần khẳng định số phận của Manas đã được quyết định và nó chỉ còn hoạt động nốt những ngày cuối. Trong khi đó phía Mỹ, vốn rất quan tâm đến việc kéo dài hợp đồng thuê căn cứ này để tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự ở Trung Á, lại nói rất mập mờ về tương lai của Manas.

Hầu như tất cả quan chức chính trị và ngoại giao Mỹ đều chỉ khẳng định một điều duy nhất rằng các cuộc đàm phán với lãnh đạo Kyrgyzstan đang được tiến hành. Trả lời phỏng vấn hãng Kloop.kg, chỉ huy mới của căn cứ Manas Millard tuyên bố vấn đề kết thúc hợp đồng và rút binh lính Mỹ khỏi Manas đang được giải quyết ở cấp chính phủ hai nước và bản thân ông cũng không rõ hai bên sẽ đi đến quyết định nào.

Việc tiếp tục duy trì sân bay Manas là mối quan tâm hàng đầu không chỉ của Lầu Năm Góc, mà còn Bộ Ngoại giao Mỹ. Có một điều rõ ràng là tại Kyrgyzstan, trong suốt khoảng thời gian kể từ khi nước này tách ra độc lập, luôn có các nhóm vận động hành lang thân Mỹ. Những người có quan điểm ủng hộ Mỹ không chỉ nằm trong số nhân viên các tổ chức phi chính phủ địa phương hay trong giới trẻ học ở Mỹ về mà một số còn là các quan chức chính phủ và nghị sỹ Quốc hội Kyrgyzstan.

Việc đóng cửa căn cứ quân sự Manas sẽ giáng một đòn mạnh vào ngân sách vốn rất eo hẹp của Kyrgyzstan. Hiện Mỹ trả cho Chính phủ tiền thuê căn cứ này là 60 triệu USD/năm. Ngoài ra, Mỹ còn cấp các khoản tiền khác nhau (từ 10 đến 40 triệu USD) cho các dự án sửa chữa và nâng cấp sân bay quân sự này, đấu tranh chống khủng bố và buôn bán ma túy hay hỗ trợ các nhà doanh nghiệp sở tại. Thậm chí, nhiều tổ chức phi chính phủ địa phương sống được cũng là nhờ vào các khoản viện trợ không hoàn lại từ Mỹ.

Bên cạnh đó cần nhấn mạnh rằng trong vòng 2 tháng trở lại đây, tình hình xung quanh căn cứ quân sự này bắt đầu được sáng tỏ. Ngày 21/5 vừa qua, Chính phủ Kyrgyzstan thông qua quy định về việc bãi bỏ thỏa thuận với Mỹ. Hiện văn kiện này đã được các đảng phái trong quốc hội và các uỷ ban liên quan ủng hộ, chờ ngày đưa ra biểu quyết. Các cuộc bàn thảo xung quanh quy định này được tiến hành dưới dạng họp kín, khiến các nhà quan sát không khỏi hoài nghi rằng quyết định sắp tới có thể cũng sẽ diễn ra dưới dạng "mặc cả" như đã từng xảy ra ở nhiều nước Trung Á khác. Và nếu xét đến tham vọng địa - chính trị ở khu vực của ba cường quốc là Nga, Mỹ và Trung Quốc thì việc "mặc cả" bằng các khoản tài chính hàng chục triệu USD là hoàn toàn có thực. Vai trò của Nga trong thương vụ này chính là lời hứa sẽ kết nạp Kyrgyzstan vào Liên minh hải quan (giữa Nga, Kyrgyzstan và Belarus) trong thời gian tới.

Căn cứ vào tình hình hiện nay, có thể dự đoán quyết định cuối cùng về số phận của căn cứ quân sự Manas sẽ được thông qua trước ngày 28/6 tới, là thời điểm quốc hội Kyrgyzstan nghỉ hè. Nếu quyết định bãi ước của Chính phủ Kyrgyzstan được thông qua thì văn kiện này sẽ được trình lên Tổng thống Atambaev và ông sẽ là người cuối cùng quyết định sự hiện diện quân sự Mỹ tại Kyrgyzstan.


TTK (Theo "Độc lập")
 Kyrgyzstan quyết đóng căn cứ không quân Mỹ
Kyrgyzstan quyết đóng căn cứ không quân Mỹ

Trong năm 2014, Kyrgyzstan sẽ đóng cửa căn cứ không quân Manas của Mỹ, cơ sở có nhiệm vụ hỗ trợ các chiến dịch quân sự tại Afghanistan.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN