Đó là nhận định của ông Anders Fogh Rasmussen, cựu Tổng thư ký NATO (2009 - 2014) và cựu Thủ tướng Đan Mạch với tạp chí Project Syndicate mới đây. Theo ông Rasmussen, kể từ tháng 12 năm ngoái, người Azerbaijan đã chặn lối vào hành lang Lachin, con đường duy nhất nối vùng dân tộc Armenia ở Nagorny-Karabakh với Armenia và thế giới bên ngoài, với lý do về môi trường. Động thái này được cho là có sự hậu thuẫn của chính quyền ở Baku.
Với việc những người biểu tình ngăn chặn mọi hoạt động giao thông dân sự hoặc thương mại vào Nagorny-Karabakh, Tổ chức Ân xá Quốc tế cảnh báo rằng khoảng 120.000 cư dân sắc tộc Armenia đang không thể tiếp cận các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, như thuốc và chăm sóc sức khỏe.
Theo thỏa thuận ngừng bắn chấm dứt xung đột Nagorny-Karabakh năm 2020 giữa Azerbaijan và Armenia, Azerbaijan cam kết đảm bảo di chuyển tự do dọc hành lang trên theo cả hai hướng. Nhận thấy rằng Azerbaijan đang vi phạm cam kết của mình khi từ chối dỡ bỏ lệnh phong tỏa, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã ban hành lệnh vào ngày 22/2 yêu cầu Azerbaijan thực hiện tất cả các bước cần thiết để khôi phục thỏa thuận. Nhưng một tháng đã trôi qua và không có gì thay đổi.
Ông Rasmussen cho rằng nếu châu Âu và cộng đồng quốc tế không gây sức ép buộc Azerbaijan dỡ bỏ lệnh phong tỏa, cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay có thể trở thành một thảm họa nhân đạo.
Nagorny-Karabakh đang bị bóp nghẹt vì cô lập và các biện pháp khác. Cư dân trong khu vực này thường bị cản trở khi về nhà, khí đốt và điện thường xuyên bị cắt mà không có thông báo hay giải thích. Trong khi đó, Azerbaijan đã phủ nhận việc phong tỏa, nhưng từ chối cho phép các quan sát viên quốc tế tiếp cận để đánh giá tình hình.
Ông Rasmussen lưu ý, chiến tranh Nagorny-Karabakh vào năm 2020 cho thấy rằng Azerbaijan có lợi thế quân sự đáng kể so với Armenia, nhờ các loại vũ khí mà họ đã mua từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Thực tế này đã được lặp lại vào tháng 9 năm ngoái, khi Azerbaijan chiếm một số khu vực của Armenia, trong đó có những vị trí chiến lược gần thành phố Jermuk - chỉ sau hai ngày giao tranh.
Với việc các cuộc đàm phán hòa bình bị đình trệ, có những dấu hiệu cho thấy Azerbaijan tin rằng họ có thể đạt được nhiều mục đích hơn thông qua các biện pháp quân sự thay vì thông qua các cuộc đàm phán hòa bình. Do đó, theo ông Rasmussen, không thể loại trừ một cuộc tấn công mới nhằm vào Armenia trong những tháng tới.
Ông Rasmussen nhấn mạnh rằng, khi nhà đảm bảo an ninh truyền thống của Armenia, Nga, không thể (hoặc không muốn) giúp đỡ, EU có lẽ phải đóng một vai trò lớn hơn để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Cả Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều công nhận điều đó và dành nguồn lực chính trị đáng kể cho vấn đề này. Sau khi xung đột bùng phát trở lại vào tháng 9 năm ngoái, EU đã cử một phái đoàn dân sự tới Armenia để giám sát biên giới với Azerbaijan.
Nhưng các bên liên quan vẫn còn nhiều việc phải làm. Nhiệm vụ của EU, hiện chỉ được triển khai trên lãnh thổ Armenia, cần được nhanh chóng mở rộng quy mô để giám sát toàn bộ chiều dài biên giới Armenia-Azerbaijan. Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng cần gây sức ép với Azerbaijan để cho phép nhân viên EU thực hiện hoạt động giám sát trên lãnh thổ nước này.
Tất nhiên, một nhiệm vụ phi vũ trang của EU sẽ không thể ngăn chặn các hành động thù địch; nhưng việc mở rộng quy mô hiện diện sẽ gây thêm áp lực buộc Azerbaijan phải lựa chọn đàm phán thay vì đối đầu quân sự.
Năm ngoái, EU đã xây dựng mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Azerbaijan, do nước này nhanh chóng chuyển hướng khỏi khí đốt và dầu mỏ của Nga. Nhưng các nhà lãnh đạo EU cần cảnh báo Azerbaijan rằng họ sẽ bị trừng phạt nếu có những hành động ảnh hưởng đến các giá trị hoặc lợi ích lâu dài của châu Âu trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Nam Kavkaz. Nếu Azerbaijan tiếp tục coi thường các cam kết quốc tế và các lệnh của tòa án có tính ràng buộc pháp lý từ ICJ, thì nước này phải đối mặt với những hậu quả chính trị và kinh tế.
Ông Rasmussen kết luận, châu Âu nên đóng một vai trò lớn hơn trong khu vực. Đây không phải là một hình thức từ thiện: Hành động ngay bây giờ để ngăn chặn một cuộc xung đột nghiêm trọng khác ở sân sau của châu Âu là lợi ích của tất cả các bên.