Đàm phán hạt nhân Iran - Chông gai vẫn ở phía trước

Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) đã lách qua khe cửa hẹp với việc đạt được thỏa thuận khung lịch sử về chương trình hạt nhân của Tehran, sau 8 ngày đàm phán nghẹt thở và đầy kịch tính tại thành phố Lausanne Thụy Sĩ.

Kết quả này mở ra triển vọng giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân kéo dài hơn một thập kỷ qua cũng như làm dịu bớt bầu không khí căng thẳng và hàng loạt điểm nóng bất ổn ở "chảo lửa" Trung Đông.

Các đại diện P5+1 và Iran sau khi kết thúc đàm phán. Ảnh: AFP/ TTXVN


Thỏa thuận khung đạt được sau khi thời hạn chót ngày 31/3 phải gia hạn ít nhất hai lần. Điều này cho thấy nỗ lực cũng như quyết tâm cao độ của các bên nhằm cứu vãn tiến trình đàm phán được khởi động cách đây 12 năm, trong đó có 18 tháng thương thảo nước rút.

Trong một tuyên bố chung, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết Tehran sẽ hạn chế hoạt động làm giàu urani tại cơ sở duy nhất ở Natanz và chuyển đổi cơ sở hạt nhân Fordow thành trung tâm nghiên cứu.

Lò phản ứng nước nặng Arak sẽ được xây dựng lại để không thể sử dụng cho việc sản xuất plutoni ở cấp độ vũ khí. Đổi lại, EU và Mỹ sẽ chấm dứt mọi biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran một khi xác minh được Iran tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận.

Trong khi đó, thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Iran đồng ý cắt giảm hơn 2/3 số lượng máy ly tâm, từ mức khoảng 19.000 hiện nay xuống còn 6.104 máy trong vòng 10 năm, trong đó chỉ 5.060 máy được phép làm giàu urani.

Tất cả các máy ly tâm được giữ lại này đều là máy thế hệ đầu chứ không phải là các máy thế hệ mới. Iran cũng nhất trí không tiến hành làm giàu urani trên mức 3,67% và không xây dựng bất kỳ cơ sở làm giàu urani mới nào trong vòng ít nhất 15 năm.

Toàn cảnh nhà máy hạt nhân nước nặng Arak. Ảnh: AFP/TTXVN


Ngoài ra, Tehran đồng ý cắt giảm kho dự trữ urani nồng độ thấp từ mức khoảng 10 tấn hiện nay xuống còn 300 kg trong vòng 15 năm.

Thời gian cần thiết để Tehran có đủ nhiên liệu sản xuất bom hạt nhân sẽ được mở rộng từ mức ước tính 2-3 tháng hiện nay lên ít nhất một năm và được duy trì tối thiểu trong 10 năm. Một số biện pháp hạn chế khác đối với chương trình hạt nhân của Iran sẽ được duy trì trong 25 năm.

Mặt khác, Iran cũng nhất trí minh bạch hóa chương trình hạt nhân của mình, theo đó cho phép các thanh sát viên quốc tế giám sát các chuỗi cung ứng, nguồn nguyên liệu và các cơ sở hạt nhân.

Các nhà phân tích cho rằng hồ sơ hạt nhân Iran là một "câu chuyện dài nhiều tập". Thỏa thuận khung Lausanne chỉ là "hành trang" cần thiết cho phép các bên tiếp tục thảo luận các chi tiết kỹ thuật trong 3 tháng tới.

Cuộc đua vượt chướng ngại vật này được dự báo sẽ rất cam go và các nhà đàm phán của Iran và Nhóm P5+1 sẽ có rất nhiều việc phải làm để đạt được thỏa thuận toàn diện trước thời hạn chót ngày 30/6 tới.

Rất nhiều trở ngại có thể ngăn cản việc triển khai thỏa thuận khung hoặc khiến các vòng đàm phán sắp tới trở nên khó đoán định. Dù thế nào chăng nữa, thỏa thuận khung sẽ phải đối mặt với sự công kích từ mọi hướng.

Phe chống đối ở cả Tehran và Washington còn rất nhiều cơ hội để "ra tay" trong khoảng thời gian từ nay đến hết tháng 6. Không có gì đảm bảo rằng 3 tháng tới là đủ để làm dịu những tiếng nói phản đối, cũng như cho phép các nhà đàm phán tìm được tiếng nói chung về hàng loạt vấn đề gai góc.

Người dân Iran xuống đường ăn mừng thành công của vòng đàm phán. Ảnh: AFP/ TTXVN


Trên thực tế, các cuộc thương thuyết, mặc cả không chỉ diễn ra giữa Iran và Nhóm P5+1, mà còn giữa 6 cường quốc có lợi ích khác biệt này, giữa chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Quốc hội lưỡng viện do phe Cộng hòa kiểm soát vốn luôn nghi ngờ về thực tâm của Tehran, cũng như giữa phe cải cách - ôn hòa với phe bảo thủ - cứng rắn tại Iran vốn luôn lo lắng bị suy giảm quyền lực trước viễn cảnh cải thiện quan hệ giữa Tehran và phương Tây.

Trước đó, các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa của Mỹ đã đe dọa gia tăng trừng phạt Iran và chỉ chấp nhận hoãn bỏ phiếu về vấn đề này dưới sức ép của Tổng thống Obama. Nếu cảm thấy thỏa thuận khung không đủ mạnh, họ sẽ quyết tâm ngăn cản tới cùng việc ký kết thỏa thuận toàn diện.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo sẽ làm tất cả để bảo vệ an ninh quốc gia vì cho rằng thỏa thuận Lausanne "mở đường" cho Iran sở hữu bom hạt nhân.

Mặt khác, một thỏa thuận "yếu" hoặc "chưa toàn diện" với Iran theo dòng Hồi giáo Shi'ite cũng sẽ đối diện với sự chỉ trích và phản đối mạnh mẽ từ các nước vùng Vịnh theo dòng Hồi giáo Sunni. Các nước này sẽ yêu cầu đồng minh phương Tây có những biện pháp đảm bảo, thậm chí lao vào cuộc đua hạt nhân đầy nguy hiểm.

Ngược lại, nếu bị cho là "quá cứng rắn", thỏa thuận khung có nguy cơ bị Đại giáo chủ Ali Khamenei - người có tiếng nói quyết định trong vấn đề hạt nhân Iran - bác bỏ hoặc bị phá từ bên trong.

Các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân Iran trong 3 tháng tới dù sẽ đi tới đâu chăng nữa chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình khu vực Trung Đông.

Nếu đạt được kết quả như kế hoạch đề ra, thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ đi vào lịch sử, trở thành hình mẫu và tiếp thêm sức mạnh cho các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng trên thế giới, thay vì giải pháp đối đầu quân sự vốn phổ biến hiện nay.


Hữu Chiến(P/v TTXVN tại Trung Đông)
Tại sao thỏa thuận với Iran lại quá quan trọng với ông Obama?
Tại sao thỏa thuận với Iran lại quá quan trọng với ông Obama?

Thỏa thuận sơ bộ giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) ký kết hôm 2/4 vừa qua chính là thuốc thử quan trọng nhất cho học thuyết đối ngoại của ông Obama.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN