Ngày 19/6, Nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) và Iran đã không thể đạt được bước đột phá tại các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran và cũng không xác định được thời gian cho các cuộc đàm phán chính trị tiếp theo bất chấp nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột mới tại Trung Đông nếu giải pháp ngoại giao thất bại.
Phát biểu với các phóng viên sau hai ngày đàm phán tại Mátxcơva, Ủy viên phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherin Ashton cho biết, hai bên vẫn còn những bất đồng lớn và chỉ nhất trí tổ chức một cuộc gặp ở cấp chuyên viên vào ngày 3/7 tới ở thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton (trái) và Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Saeed Jalili (phải) tại cuộc đàm phán ở Mátxcơva ngày 18/6. Ảnh: AFP - TTXVN |
Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran, Saeed Jalili trong một cuộc họp báo khác cho biết, ông hy vọng rằng các bên sẽ đồng ý về một cuộc đàm phán chính trị mới sau cuộc gặp cấp chuyên viên tới tại Istanbul. Theo ông, cuộc đàm phán lần này nghiêm túc hơn hai cuộc đàm phán hồi tháng 4, đồng thời lên án các nghị quyết của LHQ đã gây sức ép đòi Iran phải ngừng làm giàu urani.
Theo các chuyên gia, mặc dù hai bên chưa khai thông được bất đồng, nhưng ít nhất các cuộc đàm phán này đã không bị đổ vỡ hoàn toàn. Nếu đàm phán thất bại, các thị trường tài chính có thể bị ảnh hưởng bởi nỗi lo sợ xảy ra chiến tranh, giá dầu tăng cao bởi Ixraen đe dọa tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran và ngăn cản Têhêran chế tạo bom nguyên tử.
Nhóm P5+1 cho rằng, Iran phải làm nhiều việc hơn nữa để chứng tỏ rằng chương trình hạt nhân của nước này phục vụ mục đích hòa bình, chứ không phải để sản xuất vũ khí, ví dụ như ngừng làm giàu urani tới cấp độ giúp nước này tiến gần tới việc có được nguyên liệu chế tạo vũ khí, đóng cửa cơ sở làm giàu urani Fordow, cho phép các thanh sát viên của LHQ tiếp cận sâu hơn chương trình hạt nhân của Iran... Về phần mình, Iran muốn giảm nhẹ tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế và muốn được công nhận là nước có quyền làm giàu urani.
James Acton thuộc Viện Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment cho rằng: "Việc các cuộc đàm phán tại Mátxcơva kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào không có nghĩa là sẽ có cuộc đàm phán tiếp theo vào mùa hè này. Các nhà đàm phán Iran rất cứng rắn và nếu nhân nhượng, họ sẽ chỉ làm như vậy vào phút chót".
Việc không đạt được một thỏa thuận đã khiến Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa ở Mỹ, Mark Kirk - đồng tác giả của các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran - ra lời kêu gọi mới gây sức ép lên Iran. Ông đề xuất các lệnh trừng phạt nhằm vào khu vực năng lượng, tài chính, vận tải đường biển và bảo hiểm của Iran. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng hưởng ứng lời kêu gọi này và cho biết Pari sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp chống Têhêran.
Lệnh cấm vận của EU nhằm vào ngành dầu mỏ của Iran sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7 tới và các lệnh trừng phạt tài chính mới của Mỹ bắt đầu có hiệu lực vài ngày trước đó. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, xuất khẩu dầu thô của Iran đã giảm khoảng 40% trong năm nay. Trong khi đó, Ixraen - được cho là nước duy nhất ở Trung Đông sở hữu vũ khí hạt nhân - cho rằng không còn nhiều thời gian trước khi các cơ sở hạt nhân của Iran (một số nằm sâu trong lòng đất), thoát khỏi các cuộc không kích.
Alireza Nader, nhà phân tích cao cấp về chính sách quốc tế của Công ty Random nói: "Đôi khi không phải là đàm phán mà giống như trò chơi 'bên miệng hố chiến tranh'. Nguy cơ là rất cao, vì vậy mọi người hy vọng rằng những nghi ngờ và thất vọng về nhau sẽ không làm các cuộc đàm phán đổ bể hay dẫn tới xung đột quân sự. Nhưng vào thời điểm này, khó có thể thấy sự lạc quan đó".
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Mỹ - Iran Trita Parsi cho rằng, không ai ngạc nhiên về việc đàm phán thất bại và đánh giá đây là "sai lầm tai hại của tất cả các bên".
TTK (Theo Reuters)