Theo báo Embassy của Canada, hiện Canada và Venezuela đều chưa công nhận đại sứ của nhau, trong bối cảnh quan hệ căng thẳng chính trị giữa chính quyền đảng Bảo thủ của Thủ tướng Stephen Harper và chính phủ cánh tả tại Caracas.
Căng thẳng chính trị giữa chính quyền của Thủ tướng Canada (phải) và chính phủ của Tổng thống Maduro. |
Lãnh đạo cơ quan đại diện Canada tại Venezuela là Ben Rowswell, một nhà ngoại giao nhiều triển vọng của Canada, được chính thức bổ nhiệm làm Đại sứ tại Venezuela từ ngày 28/2/2014, và chính thức làm việc tại Caracas từ mùa hè 2014. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Venezuela vẫn chưa được trình quốc thư. Theo thông lệ, việc này thường được tiến hành ngay trong vòng hai hoặc ba tháng đầu tiên ngay khi đến.
Còn tại Ottawa, lãnh đạo cơ quan đại diện Venezuela, ông Wilmer Barrientos Omar Fernández cũng chưa trình được quốc thư, mặc dù ông đến nhậm chức từ ngày 15/1/2015.
Tình trạng trên xuất phát từ việc chính quyền Tổng thống Manduro cáo buộc Đại sứ quán của Canada đang tích cực hỗ trợ các hoạt động gây bất ổn tại Venezuela. Tháng 7/2014, cựu Bộ trưởng Ngoại giao của Venezuela, José Vicente Rangel, cho biết Đại sứ quán Canada đã giúp khoảng 30 nhân viên của một "tổ chức tình báo" xâm nhập Venezuela.
Chính quyền Venezuela cũng rất bức xúc trước việc Đại sứ quán Canada đề nghị trao giải thưởng về nhân quyền cho các tổ chức, cá nhân tại Venezuela, trong số này có luật sư Marino Alvarado. Với giải thưởng này, luật sư Marino đã được mời tới Canada tham quan, nói chuyện với các học giả, tổ chức phi chính phủ, và các quan chức chính phủ Canada trong tháng Hai vừa qua.
Tháng 2/2015, Chủ tịch Quốc hội Venezuela cho rằng Canada có thể đã biết trước về các âm mưu đảo chính nhằm lật đổ chính phủ Venezuela. Theo phía Canada, trước khi âm mưu đảo chính tại Caracas bị phát hiện, một tùy viên lực lượng Cảnh sát Kỵ binh Hoàng gia Canada (RCMP) thuộc Đại sứ quán Canada đã tới một sân bay ở thành phố Valencia, khoảng 200 km về phía tây của Caracas để hỏi về khả năng bố trí các chuyến bay trong trường hợp khẩn cấp. Đáp lại, chính phủ Canada bác bỏ những cáo buộc trên là "vô lý và hoàn toàn sai".
Theo đánh giá của Canada, tình hình chính trị, xã hội và kinh tế của Venezuela đang rất xấu. Các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra ở Venezuela liên tiếp trong bối cảnh lạm phát tăng cao và thiếu trầm trọng các mặt hàng hóa cơ bản. Các cuộc xung đột bạo lực giữa người biểu tình và lực lượng an ninh đã dẫn tới hàng chục người chết.
Căng thẳng ngoại giao giữa Canada và Venezuela diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Maduro tố cáo các thế lực cánh hữu quốc tế âm mưu phá hoại công cuộc Cách mạng Bolivar của nhân dân nước này. Ngày 11/2, lực lượng quân đội Venezuela đã phát hiện một âm mưu đảo chính nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Maduro. Hiện các cơ quan chức năng Venezuela vẫn vẫn tiếp tục điều tra những phần tử liên quan, trong đó có một số tướng lĩnh không quân và lãnh đạo phe đối lập. Chính phủ Venezuela cũng liên tục tố cáo các thế lực thù địch tại Mỹ, Colombia và Tây Ban Nha trợ giúp các hoạt động chống phá chính phủ, trong đó gồm cả một chiến dịch truyền thông khổng lồ, gây bất ổn tình hình đất nước.
Lê Hoàng (P/v TTXVN tại Canada)