Theo mạng tin "Nghiên cứu toàn cầu" (Canađa) ngày 7/7, các nguồn tài nguyên chiến lược thường được các quốc gia sở hữu chúng bảo vệ cẩn thận. Bôlivia vẫn còn 50.000 tấn bạc nguyên chất tại Cerro Rico, Potosi và giữ số bạc này để phòng một tương lai bất ổn. Mỹ có chiến lược tương tự với dầu mỏ của họ. Dù có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ 13 thế giới, nhưng Mỹ vẫn là quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Nguồn đất hiếm được phát hiện ở gần đảo Minami-Tori-Shima của Nhật Bản. Ảnh: Asahi Shimbun |
Tuy nhiên việc sở hữu các nguồn tài nguyên chiến lược cũng có thể trở thành gánh nặng, mà ví dụ rõ ràng là các kim loại đất hiếm tại Trung Quốc. Trung Quốc đang có hành vi kỳ lạ đối với nguồn tài nguyên này của họ: khai thác hết các mỏ nguyên tố đất hiếm. Một nghiên cứu mới đây của Ủy ban châu Âu ám chỉ rằng hành vi kỳ lạ của Trung Quốc có thể là phản ứng sớm để đối phó với một nỗ lực nữa của phương Tây, trong đó có Ixraen, nhằm xâm chiếm và kiểm soát các nguồn tài nguyên chiến lược.
Các nguyên tố đất hiếm không phải quá khan hiếm trên trái đất. Vấn đề là chúng quá phân tán nên khó chiết xuất. Các mỏ lớn là rất hiếm. Trước đây, các nguyên tố này chỉ được sử dụng cho những ứng dụng như chất siêu bán dẫn, lade hoặc các thiết bị hạt nhân. Nhưng trong những năm gần đây, các nguyên tố đất hiếm được sử dụng nhiều hơn, nhất là trong các màn hình màu mỏng và thẻ nhớ máy tính. Từ năm 1984, Trung Quốc là nhà cung cấp đất hiếm lớn nhất thế giới. Đa số sản lượng đất hiếm của Trung Quốc bắt nguồn từ Bayan Obo (Nội Mông).
Trung Quốc không sở hữu trữ lượng khoáng sản đất hiếm lớn nhất thế giới. Nhật Bản đang sở hữu một lượng lớn kim loại đất hiếm dưới dạng các sản phẩm điện tử cũ, nhưng họ chỉ tái chế số sản phẩm này với tốc độ rất chậm. Hơn nữa, mới đây các nhà khoa học Nhật Bản đã phát hiện ra gần 7 triệu tấn các nguyên tố kim loại đất hiếm gần đảo Minami-Tori-Shima (tây bắc Thái Bình Dương), đủ cung cấp cho mức tiêu thụ hiện nay của nước này trong 200 năm. Trong số trữ lượng đất hiếm đã được kiểm chứng của thế giới, Trung Quốc chỉ sở hữu 35%, nhưng khoảng 90% sản lượng đất hiếm của thế giới có xuất xứ từ Trung Quốc, trong đó Nhật Bản nhập khẩu 60%.
Hành vi của Trung Quốc đối với đất hiếm trái ngược hoàn toàn so với chiến lược bảo vệ tài nguyên chiến lược. Nếu Trung Quốc tiếp tục chính sách này, đến cuối thế kỷ họ hầu như không còn trữ lượng đất hiếm, trong khi khách hàng chính của họ là Nhật Bản sẽ thống trị thị trường. Hơn nữa, Mỹ đã phát hiện ra trữ lượng đất hiếm lớn, ước tính giá trị lên tới 7,4 tỷ USD tại Ápganixtan.
Nếu Mỹ và châu Âu ở vào vị trí Trung Quốc, họ có thể ban hành lệnh cấm hoàn toàn việc xuất khẩu đất hiếm. Tuy nhiên, Trung Quốc mới chỉ hạn chế xuất khẩu đất hiếm hàng năm của họ (không tính thành phẩm); hạn ngạch là trên 30.000 tấn, đủ cung cấp cho hầu hết nhu cầu của thế giới. Liệu người ta có thể giải thích được chiến lược bất thường này hay không?
Người ta khó hiểu sự háo hức của Mỹ và Ixraen khi chinh phục thiện chí của Mông Cổ, một quốc gia nghèo tài nguyên và dân cư thưa thớt nhất thế giới. Nhưng Mông Cổ lại là bàn đạp vào Nội Mông. Mông Cổ có thể đòi lại vùng đất trước đây thuộc chủ quyền của họ và có thể được Mỹ, Ixraen và châu Âu ủng hộ. Cao ủy phụ trách doanh nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) Antonio Tajani vừa công bố một báo cáo, cho biết EU đang thiếu 14 loại nguyên liệu thô quan trọng cần để sản xuất điện thoại di động và các công nghệ đang nổi lên như pin mặt trời và nhiên liệu tổng hợp. Trong số những nguyên liệu thô quan trọng đó có các nguyên tố đất hiếm. Để đảm bảo châu Âu có đủ các nguyên liệu thô để tiếp tục dẫn đầu trong các công nghệ và sáng chế mới, EU sẵn sàng ganh đua vì các nguồn tài nguyên của Trung Quốc, hoặc qua Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hoặc qua việc hỗ trợ Mông Cổ.
Ở cấp rất chiến lược, các nguyên tố đất hiếm không mấy quan trọng. Hiện Trung Quốc đang thống trị thị trường và bán đất hiếm với giá cao; nhưng một khi việc tái chế trở thành nguồn cung chính, giá sẽ giảm. Vài năm nữa, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể trù tính rằng họ sẽ không gặp khó khăn trong việc mua các nguyên tố đất hiếm từ Nhật Bản.
Thanh Hoa