Tổng thống 2 nước Belarus và Azerbaijan trong cuộc hội đàm "một-một". Nguồn: trang web của Tổng thống Azerbaijan. |
Một trong những chủ đề của chương trình nghị sự, đó là bàn việc Azerbaijan cung cấp nguồn dầu mỏ cho các nhà máy lọc dầu Belarus. Kể từ khi không đạt được thỏa thuận với Nga về việc hạ giá nguồn dầu mỏ nhập khẩu, Belarus buộc phải quay sang tìm nguồn cung mới và việc ông Lukashenko tuyên bố sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa Azerbaijan và Armenia trong cuộc xung đột ở Nagarny Karabakh, được các nhà quan sát nhìn nhận là giải pháp nhằm đổi lấy nguồn dầu từ Caspian.
Chuyến thăm chính thức tới Azerbaijan của ông Lukashenko bắt đầu ngày 29/11. Tuy nhiên việc Cơ quan báo chí của Tổng thống Lukashenka nói gì về nội dung chuyến đi, về cuộc gặp "một - một" với Tổng thống nước chủ nhà Ilham Aliyev, về các chủ đề thảo luận "thực trạng và triển vọng phát triển của quan hệ Belarus-Azerbaijan", bao gồm cả hợp tác kinh tế - thương mại, hiện thực hóa các dự án hợp tác, trước hết trong các lĩnh vực đầu tư, nông nghiệp, thể thao... , thì các nhà quan sát quốc tế, đặc biệt là giới chuyên môn tại Nga, lại quan tâm khía cạnh liệu ông Lukashenko có đạt được mục đích chính của mình- đem nguồn cung dầu mỏ về cho Belarus?
Sở dĩ chuyến thăm này được dư luận Nga quan tâm, chính bởi hồi đầu tháng 10 vừa qua, Belarus bỗng "chơi rắn" với Nga khi đột nhiên tăng gấp 1,5 lần biểu giá cước trung chuyển khí đốt của Nga tới châu Âu theo tuyến đường ống mang tên Druzba (Hữu nghị) có từ thời Xô viết. Động thái này của Belarus đã đẩy Nga vào tình thế bất lợi, nhất là khi mùa Đông khắc nghiệt ở châu Âu vừa mới bắt đầu.
Vốn là đồng minh thân cận của Nga, song dường như mối quan hệ cá nhân gắn bó của nhà lãnh đạo hai nước, cũng không giúp Nga nhẹ nhàng hơn với Belarus. Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich mới đây tuyên bố sẽ không giảm giá dầu mỏ cung cấp cho Belarus.
Giới chức Nga cho rằng các hợp đồng năng lượng ký với Belarus là thỏa thuận của cả năm, vì vậy không thể giữa chừng thay đổi. Trong khi đó, Belarus cho rằng khí đốt Nga cung cấp cho mình quá đắt. Trao đi đổi lại, không đạt được mục đích đã đẩy Minsk tới việc dùng "ngón đòn" gia tăng sứp ép lên các hợp đồng trung chuyển năng lượng của Nga tới châu Âu. Biện pháp này đã quá cũ, song hiệu quả của nó thì vẫn nguyên giá trị.
Các nhà quan sát quốc tế cũng nhận định mối quan hệ trở nên đặc biệt thân tình giữa Belarus với Trung Quốc trong thời gian 2 năm qua cũng có thể là chỗ dựa, là niềm hy vọng của Minsk khi xử rắn với Nga.
Những động thái thời gian qua giữa Nga và Belarus cho thấy cả hai bên đều không muốn đẩy vấn đề đi quá xa, song để tháo gỡ, vẫn là cả một chặng đường dài. Bởi vậy, "dõi theo" bước chân của ông Lukashenko, là điều Nga không thể không làm.