Sắc lệnh của Tổng thống Trump
Theo kênh CNN (Mỹ), phát biểu từ Phòng Bầu dục trước khi ký sắc lệnh, Tổng thống Trump nói động thái này là để bảo vệ tự do ngôn luận trước một trong những nguy hiểm nghiêm trọng nhất trong lịch sử Mỹ.
Ông nói: “Một nhóm nhỏ công ty độc quyền mạng xã hội kiểm soát phần lớn quá trình trao đổi cá nhân và công cộng ở Mỹ. Họ đã có quyền thoải mái kiểm duyệt, hạn chế, chỉnh sửa, định hình, che giấu, thay đổi gần như mọi hình thức trao đổi giữa người dân với nhau và các nhóm lớn”.
Sắc lệnh đánh dấu bước leo thang mạnh trong cuộc chiến giữa Tổng thống và các công ty công nghệ trong bối cảnh các công ty phải đối phó với vấn đề thông tin giả ngày càng tăng trên mạng xã hội.
Tổng thống thường cáo buộc các trang mạng xã hội kiểm duyệt phát ngôn của phe bảo thủ.
Sắc lệnh nhằm vào Đạo luật Điều tiết Truyền thông (Communications Decency Act). Mục 230 của luật đưa ra quyền miễn trừ rộng rãi với các trang web tổ chức, điều hòa nền tảng riêng và được các chuyên gia mô tả là “26 từ tạo ra internet”. Sắc lệnh cho rằng quyền miễn trừ này xoay quanh các nền tảng công nghệ hoạt động “có thiện chí”, trong khi các công ty mạng xã hội thì không như vậy.
Sắc lệnh có đoạn: “Trong một đất nước mà từ lâu đã trân trọng quyền tự do bày tỏ, chúng ta không thể để một số lượng nhỏ các nền tảng trực tuyến lựa chọn các phát ngôn mà người Mỹ được tiếp cận và truyền tải trên internet. Cách thức này về cơ bản là phản dân chủ và phi Mỹ. Khi các công ty mạng xã hội lớn và quyền lực kiểm duyệt ý kiến mà họ không đồng ý, họ đang thể hiện quyền lực nguy hiểm”.
Trước đó, ngày 26/5, Twitter áp dụng chế độ kiểm tra thông tin với hai dòng tweet của Tổng thống Trump, trong đó một dòng tweet nói rằng bỏ phiếu qua thư điện tử sẽ dẫn tới gian lận tràn lan. Tổng thống Trump ngay lập tức phản pháo, cáo buộc Twitter kiểm duyệt và cảnh báo nếu mạng xã hội này còn tiếp tục làm như vậy với tweet của ông, ông sẽ dùng quyền của chính phủ liên bang để kiềm chế hoặc thậm chí đóng cửa mạng này.
Ngay sau sắc lệnh, Facebook và Google cho rằng sắc lệnh của Tổng thống Trump có thể gây tổn hại tới internet và kinh tế số. Phát ngôn viên Facebook nói: “Khi các công ty công nghệ phải chịu trách nhiệm về mọi thứ mà hàng tỷ người trên khắp thế giới nói, điều này sẽ trừng phạt các công ty đi theo đường lối cho phép phát ngôn gây tranh cãi, khuyến khích các nền tảng kiểm duyệt mọi thứ có thể xúc phạm người khác”.
Twitter ngày 28/5 nói rằng sắc lệnh của Tổng thống Trump là cách tiếp cận chính trị hóa. Twitter nói: “Mục 230 bảo vệ quyền tự do bày tỏ và sáng kiến của người Mỹ và nó được các giá trị dân chủ củng cố. Nỗ lực đơn phương xóa bỏ điều này sẽ đe dọa tương lai tự do internet và ngôn luận trực tuyến”.
Hạn chế pháp lý
Ngày 28/5, Tổng thống Trump thừa nhận sẽ có thách thức pháp lý với sắc lệnh của ông. Ông nói: “Tôi đoán sắc lệnh sẽ bị đưa ra tòa. Nhưng tôi nghĩ chúng tôi sẽ làm rất tốt”. Sắc lệnh hành pháp này thử thách các giới hạn thẩm quyền của Nhà Trắng. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý ở cả hai phía có lo ngại nghiêm trọng về đề xuất đưa ra trong sắc lệnh hành pháp. Họ cho rằng sắc lệnh có nhiều hạn chế pháp lý.
Thứ nhất, sắc lệnh mang nội dung vi hiến vì có thể xâm phạm quyền của các công ty tư nhân theo Tu chính án số 1 và vì sắc lệnh tìm cách lấn át quyền của hai nhánh quyền lực khác. Ông Robert McDowell, cựu thành viên đảng Cộng hòa tại Ủy ban Truyền thông Liên bang, nhận định trên Twitter: “Kiểm soát phát ngôn kiểu này là vi hiến”.
Trong một tuyên bố, thành viên Dân chủ tại ủy ban nói trên, bà Jessica Rosenworcel cũng bày tỏ lo ngại liên quan Tu chính án số 1: “Một sắc lệnh hành pháp mà biến Ủy ban Truyền thông Liên bang thành cảnh sát ngôn luận của Tổng thống sẽ không phù hợp. Đã tới lúc những người ở Washington lên tiếng bảo vệ Tu chính án số 1”.
Thứ hai, sắc lệnh có thể vượt mặt quốc hội. Thượng nghị sĩ Dân chủ Ron Wyden ở Oregon, người thiết kế Đạo luật Điều tiết Truyền thông năm 1996, nhận định: “Tổng thống Trump đang tìm cách giành cho mình quyền của tòa án và quốc hội để viết lại luật có từ cả chục năm trước”.
Thượng nghị sĩ Ron Wyden liên tục nhấn mạnh rằng mục đích của Đạo luật Điều tiết Truyền thông là đảm bảo nền tảng công nghệ không thể bị kiện vì cách họ xử lý phần lớn nội dung của người dùng. Trong khi đó, mục tiêu của sắc lệnh là muốn công ty công nghệ phải chịu trách nhiệm và có thể bị kiện vì nội dung của người dùng.
Theo ông Andrew Schwartzman, cố vấn cấp cao tại Viện Băng thông rộng và Xã hội Benton, khi kêu gọi các cơ quan liên bang đi ngược lại ý chí của Quốc hội, chính quyền của Tổng thống Trump đang tìm cách viết lại luật mà không được quốc hội đồng ý, không khác gì loại bỏ nhánh lập pháp.
Thứ ba, sắc lệnh cản trở tính độc lập của cơ quan liên bang. Các cơ quan quản lý như Ủy ban Truyền thông Liên bang và Ủy ban Thương mại Liên bang được quốc hội thành lập để giám sát lĩnh vực tư nhân. Nhằm đảo bảo tính công bằng trong công việc, các cơ quan này báo cáo trực tiếp cho Quốc hội, không phải Nhà Trắng hay Tổng thống.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng theo luật, Tổng thống không thể ra lệnh Ủy ban Truyền thông Liên bang hay Ủy ban Thương mại Liên bang làm bất kỳ điều gì. Chính quyền của Tổng thống Trump có thể đề xuất hoặc đề nghị và việc quyết định có theo hay không là tùy vào các cơ quan này. Ngay cả suy nghĩ cho rằng các cơ quan này có thể chịu nhún trước áp lực từ Nhà Trắng cũng có thể làm tổn hại tính độc lập của các cơ quan quản lý này. Điều đó có thể gây hậu quả nguy hiểm khi họ ra những quyết định ảnh hưởng tới lĩnh vực lớn của nền kinh tế.
Ngay cả nếu Ủy ban Truyền thông Liên bang làm theo đề nghị của Tổng thống và ra quy định mới về các mạng xã hội, cơ quan này sẽ phải tham khảo phản hồi của người dân. Quy định nào cũng có thể bị kiện ra tòa.
Tính toán của Tổng thống Trump
Theo các chuyên gia, cho dù sắc lệnh không có hiệu quả hoặc bất khả thi về pháp lý thì nó vẫn phục vụ mục đích chính trị. Đây sẽ là thứ khiến các bên buộc phải bàn về quyền lực của các nền tảng công nghệ, gây sức ép để quốc hội thay đổi luật.
Ông Jeff Kosseff, giáo sư luật an ninh mạng tại Viện hàn lâm Hải quân Mỹ, nhận định: “Tôi nhìn sắc lệnh hành pháp này là nền tảng để đề xuất thay đổi ở quốc hội”.
Trong thực tế, nỗ lực pháp lý đang diễn ra. Nhiều tháng qua, Bộ Tư pháp và nghị sĩ Cộng hòa đã thúc đẩy thay đổi Đạo luật Điều tiết Truyền thông theo hướng khiến các nền tảng công nghệ chịu nhiều rủi ro pháp lý hơn. Ông Kosseff cho rằng việc quốc hội có thể bãi bỏ một phần quan trọng trong luật như Mục 230 là điều có thể xảy ra.