Vậy là chính phủ Mỹ đã chính thức “đóng cửa” khi thời điểm kết thúc ngân sách tài khóa 2013 đã đến và Quốc hội lưỡng viện không đạt được thỏa thuận về dự thảo ngân sách mới. Theo báo "Telegraph" (Anh) ngày 1/10, nước Mỹ đang trải qua một cuộc khủng hoảng về bản ngã, loay hoay với câu hỏi có nên tăng thuế và nhà nước đóng vai trò lớn hơn hay không, và miễn cưỡng với vai trò “sen đầm thế giới”.
Việc đóng cửa kéo dài sẽ gây thiệt hại tới 1% GDP của nền kinh tế lớn nhất toàn cầu. |
Các nghị sỹ Cộng hòa đã từ chối bản ngân sách hoạt động mới chừng nào nó vẫn bao gồm “Obamacare” - Luật Cải cách y tế đã được Tổng thống Barack Obama thông qua. Nhà Trắng thì khăng khăng rằng mấy thành phần cấp tiến to mồm của đảng Trà đang biến quốc gia thành con tin và các cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy phần đông dân chúng có quan điểm tương tự. Chừng nào mà hai bên vẫn chưa thể thỏa hiệp về vấn đề ngân sách, gần như tất cả các công chức liên bang sẽ phải chịu cảnh không lương. Sự đóng cửa không hẳn đã là thảm họa nhưng nó sẽ có ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ mà một số ước tính rằng việc đóng cửa kéo dài sẽ gây thiệt hại tới 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất toàn cầu này.
Tuy nhiên, ý nghĩa thực sự của cuộc khủng hoảng chính là triệu chứng “vô chính phủ” - theo nhiều cách - đang hình thành trong lòng nước Mỹ. Sự phân chia khu vực bầu cử có chủ ý nặng nề cộng với sự phân cực xã hội ngày càng lớn và kéo dài hàng thập kỷ đã sản sinh ra một hệ thống bầu cử mà ở đó, quốc hội được nhồi nhét bởi các phe phái không hề có động cơ thỏa hiệp với nhau trong bất cứ vấn đề gì. Thêm nữa, cho dù thế bế tắc hiện nay có được giải quyết thì đám mây xám xịt hơn vẫn hiện hữu phía chân trời: Cuối tháng này nước Mỹ cũng sẽ chạm trần nợ công.
Nước Mỹ đang trải qua một cuộc khủng hoảng về bản ngã, loay hoay với câu hỏi có nên tăng thuế và nhà nước đóng vai trò lớn hơn hay không. |
Điều này sẽ khơi ngòi cùng lúc hai cuộc khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng hiến pháp. Trong một kịch bản tồi tệ nhất, nước Mỹ sẽ buộc phải tuyên bố vỡ nợ, kéo hệ thống tài chính toàn cầu vào mớ hỗn loạn như đã từng xảy ra năm 2008. Dường như các chính khách của Đồi Capitol sẽ không cho phép một thảm họa như vậy xảy ra nhưng không thể loại trừ khả năng nào, nhất là trong bối cảnh các bên đều cho thấy sự cứng rắn không lay chuyển như hiện nay.
Vậy nên, những gì đang xảy ra còn hơn cả sự tê liệt chính quyền, nó phản ánh một căn bệnh trầm kha hơn. Đó là nước Mỹ đang trải qua một cuộc khủng hoảng về bản ngã, không chắc chắn lắm về việc có nên đi theo mô hình xã hội châu Âu đánh thuế mạnh hơn và nhà nước có vai trò lớn hơn hay không. Nước Mỹ cũng không còn hăng hái với vai trò “sen đầm”, chuyên đi can thiệp vào các vấn đề của thế giới nữa. Cũng có hy vọng rằng việc đóng cửa hiện nay sẽ buộc các đảng phải có những nỗ lực nghiêm túc để đưa nền tài chính Mỹ trở lại nền tảng ổn định hơn. Nhưng trong bối cảnh tê liệt và thiếu đường hướng tại Washington hiện nay thì có lẽ cách khôn ngoan nhất là chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.
Đỗ Sinh