Theo kênh CNN, bốn tổng giám đốc điều hành (CEO) của Amazon, Apple, Facebook và Google có màn thể hiện khác nhau trong những giờ đầu điều trần.
Ông Jeff Bezos, CEO của Amazon, thừa nhận rằng Amazon có thể đã sử dụng không phù hợp dữ liệu người bán bên thứ ba. Đây là điều gây quan ngại về Amazon trong vấn đề cạnh tranh.
CEO của Apple, ông Tim Cook, bị các nghị sĩ “quay” ít hơn. Lúc đầu, chỉ có vài câu hỏi về việc liệu Apple có thiên vị một số nhà phát triển nhất định trên kho ứng dụng App Store hay không. Không có mấy câu hỏi về hướng dẫn App Store dành cho các nhà phát triển – vấn đề chủ yếu khiến nhiều người chỉ trích Apple.
Trong hơn 1 năm qua, các nghị sĩ hàng đầu ở Quốc hội Mỹ đã điều tra bốn tập đoàn công nghệ khổng lồ để xác định xem các tập đoàn này có lạm dụng quyền lực và vị thế thống trị trên thị trường trực tuyến không. Cuộc điều trần trước Quốc hội ngày 29/7 là sự kiện nổi bật nhất trong quá trình điều tra và là phiên điều trần lớn nhất trong giới công nghệ kể từ khi Bill Gates, CEO của Microsoft khi đó ra điều trần năm 1998.
Lần xuất hiện đầu tiên của CEO Amazon
Trong số bốn CEO tại phiên điều trần, dư luận trông đợi nhất phần xuất hiện của ông Bezos vì người giàu nhất thế giới này chưa bao giờ đứng trước Quốc hội Mỹ.
Sau khi không bị hỏi trong hai giờ đầu điều trần, ông Bezos bị chất vấn bằng nhiều câu hỏi sắc bén về cách tiếp cận của Amazon với vấn đề định giá, sáp nhập và cách sử dụng dữ liệu của người bán bên thứ ba.
Ông Bezos thừa nhận có chính sách cấm sử dụng dữ liệu người bán bên thứ ba để phục vụ mục đích kinh doanh riêng của Amazon, nhưng ông nói: “Tôi không thể đảm bảo rằng chính sách này chưa từng bị vi phạm”.
Về sau, tại nhiều thời điểm trong phiên điều trần, ông Bezos lúc thì nói không thể trả lời câu hỏi hoặc không thể nhớ sự kiện mà ông đang bị chất vấn.
Facebook bị “soi” vụ sáp nhập Instagram
CEO của Facebook, ông Mark Zuckerberg, bị chất vấn về các thư điện tử nội bộ công ty mà ông đã gửi năm 2012 liên quan vụ mua Instagram. Các thư này đã bị Ủy ban Tư pháp Hạ viện thu để điều tra chống độc quyền.
Trong một bức thư, ông Zuckerberg nói rằng Instagram có thể rất rắc rối với Facebook. Một bức thư khác từ giám đốc tài chính Facebook đã đề cập tới việc vô hiệu hóa đối thủ cạnh tranh tiềm năng Instagram. Khi trả lời thư này, Zuckerberg nói rằng đó là một phần động cơ sáp nhập Instagram.
Nghị sĩ Jerry Nadler cho biết những thư điện tử nói trên cho thấy Facebook coi Instagram là mối đe dọa và thay vì cạnh tranh, công ty này đã mua đứt đối thủ.
Đáp lại, Zuckerberg không phủ nhận mình coi Instagram là mối đe dọa nhưng chỉ ra rằng thỏa thuận sáp nhập đã được Ủy ban Thương mại Liên bang khi đó chấp nhận.
Các CEO viện dẫn lòng yêu nước
Cả bốn CEO công nghệ đều tìm cách nhấn mạnh công ty của họ là công ty của người Mỹ, vì người Mỹ.
Ông Bezos nhắc tới lòng tin mà người Mỹ đặt vào Amazon. Ông phát biểu: “Chúng tôi cần người lao động Mỹ để đưa sản phẩm tới người tiêu dùng Mỹ”.
Ông Tim Cook thì nói: “Apple là công ty Mỹ độc nhất mà thành công chỉ có thể xảy ra ở Mỹ”. Ông cũng tự hào vì số lượng việc làm đã tạo ra ở Mỹ.
Trong khi đó, lý luận của ông Zuckerberg lại nhắc tới cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc trong giành thế thượng phong công nghệ. Ông nói: “Nếu các ngài nhìn vào quốc gia sinh ra các công ty công nghệ hàng đầu, cách đây một thập kỷ, phần lớn là ở Mỹ. Ngày nay, gần một nửa là ở Trung Quốc”.
Chia rẽ đảng phái trong cách đối chất các CEO
Trong khi các thành viên Dân chủ truy xét các CEO công nghệ về cách sử dụng dữ liệu và hành vi với đối thủ cạnh tranh, thì các thành viên Cộng hòa lại liên tục nói về việc các công ty công nghệ có xu hướng chống tiếng nói bảo thủ.
Chiến lược của nghị sĩ Cộng hòa dường như rõ ràng: khuyến khích truyền thông đưa tin cả về sự thiên lệch trong hệ tư tưởng cũng như vấn đề độc quyền. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không có đủ bằng chứng cho thấy các nền tảng công nghệ này thiên lệch trong hệ tư tưởng.
Có thời điểm, nghị sĩ Cộng hòa Gregory Steube đã đối chất CEO Google Sundar Pichai, coi Google là ví dụ về thiên vị hệ tư tưởng. Ông nói rằng các thư điện tử trong chiến dịch tranh cử vào quốc hội của ông gửi cho người ủng hộ (kể cả bố mẹ) đều bị chặn hoặc đưa vào thư mục thư rác của Gmail.
Đáp lại, ông Pichai nói: “Thuật toán không có gì liên quan tới hệ tư tưởng chính trị. Chúng tôi bị phàn nàn như vậy từ cả hai bên”.
Mặc dù cũng có sự hợp tác giữa thành viên Dân chủ và Cộng hòa trong đối chất CEO công nghệ, nhưng nhìn chung, cuộc điều trần bị hạn chế do một số câu hỏi mang tính kỹ thuật cao. Nhiều người tiêu dùng sẽ không hiểu bối cảnh và không hiểu tại sao vấn đề được hỏi lại quan trọng.
Nói như vậy không có nghĩa là phiên điều trần thất bại. Ảnh hưởng lớn nhất của phiên điều trần sẽ phụ thuộc vào các bước mà Quốc hội sẽ thực hiện hoặc khuyến nghị sau điều trần để giải quyết lo ngại liên quan độc quyền – vấn đề dẫn tới phiên điều trần này.