Trung Quốc, nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, đã ngừng mua đậu tương của Mỹ để đáp trả lại những biện pháp tăng thuế của Chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm vào số hàng hóa trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc. Theo tạp chí National Interest, đây là thông tin rất xấu đối với người nông dân Mỹ.
Đa số người Mỹ ngạc nhiên khi Trung Quốc dùng đậu tương để đối phó với Mỹ trong chiến tranh thương mại. Thế nhưng, đối với một giáo sư về kinh tế nông nghiệp kiêm nghiên cứu về thị trường hàng hóa quốc tế, điều này không phải hoàn toàn bất ngờ.
Thậm chí, trước cả khi có kết quả kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, giới phân tích thương mại đã cân nhắc khả năng Trung Quốc có thể áp đặt lệnh cấm vận lên sản phẩm đậu nành nhập khẩu từ Mỹ dựa trên những lập luận mang tính bảo hộ từ hai ứng cử viên Donald Trump và Hillary Clinton.
Kết quả, với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang đỉnh điểm, người nông dân trồng đậu tương của Mỹ hiện nằm trong số những người thiệt hại nặng nề nhất. Dưới đây là một số chi tiết cho thấy lý do tại sao hạt đậu nhỏ bé lại trở nên quan trọng đến vậy:
Đậu tương qua những con số
Đậu tương là một mắt xích quan trọng trong chuỗi lương thực toàn cầu, đặc biệt là nguồn protein trong sản xuất thịt lợn và gia cầm.
Hạt đậu tương của Trung Quốc càng có vai trò quan trọng và mức cầu với mặt hàng nông sản này tăng bùng nổ khi người tiêu dùng chuyển từ chế độ ăn chủ yếu là tinh bột sang thịt lợn, thịt bò và gia cầm.
Hoạt động sản xuất ba loại thịt trên tại Trung Quốc đã tăng trưởng 250% trong giai đoạn năm 1986 đến năm 2012 và dự kiến sẽ tăng thêm 30% nữa vào cuối thập kỷ này. Tuy vậy, Trung Quốc không thể tự sản xuất đủ lượng thức ăn chăn nuôi mà phải cần đến đậu tương nhập khẩu từ Mỹ và Brazil.
Năm 2017, hoạt động xuất khẩu đậu tương của Mỹ chiếm đến 21,4 tỷ USD giá trị xuất khẩu toàn cầu, xếp thứ hai sau Brazil đạt 25,7 tỷ USD. Trong khi đó, năm 2017 Trung Quốc nhập khẩu 39,6 tỷ USD đậu tương, hay 2/3 sản lượng toàn cầu.
Tại thời điểm đó, đây là tin tốt đối với nông dân Mỹ khi xuất khẩu của Mỹ chiếm 1/3 lượng mua của Trung Quốc, tương đương với 13,9 tỷ USD. Đậu tương đã trở thành mặt hàng xuất khẩu giá trị lớn thứ hai của Mỹ sang Trung Quốc, sau máy bay Boeing.
Trên thực tế, hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm đáng kể từ khi Bắc Kinh áp mức thuế 25% lên đậu tương của Mỹ hồi cuối tháng 4 – một phần trong màn đáp trả ban đầu đối với cuộc chiến thương mại với Tổng thống Trump.
Trong vụ mùa năm nay bắt đầu từ ngày 1/9, nông dân Mỹ chỉ xuất khẩu 5,9 triệu tấn đậu tương sang Trung Quốc, so với trung bình 29 triệu tấn cùng kỳ suốt ba năm liền trước đó, tức sụt giảm 80%.
Đây chính là nguyên nhân vì sao các biện pháp tăng thuế tác động khủng khiếp đến nông dân bang Ohio của Mỹ, nơi đậu tương xếp đầu bảng xuất khẩu nông nghiệp năm 2017 với 1,3 tỷ USD. Trung Quốc chính là thị trường xuất khẩu lớn nhất của bang này.
Tuy nhiên, tại nước Mỹ, Ohio chỉ là nhà xuất khẩu đậu tương lớn thứ bảy sau Illinois, Iowa, Minnesota, Nebraska, Indiana và Missouri. Tất cả các bang này đều phải chịu thuế của Trung Quốc.
Không chỉ nông dân Mỹ bị thua thiệt vì phải chia sẻ thị trường với nông dân Brazil, giá đậu tương tại cảng New Orleans hiện nay đã hạ xuống 9,35 USD/bushel từ mức 10,82 USD/bushel của năm ngoái. Tình trạng này gây ảnh hưởng đến thu nhập, đồng thời tạo ra một cú đòn kép đối với các trang trại ở vùng Trung Tây nước Mỹ.
Tất nhiên, đây là lý do tại sao người Trung Quốc lại chọn áp thuế đối với đậu nành của Mỹ ngay từ đầu. Nông dân sẽ bị tổn hại rất nhiều, trong khi đậu nành được trồng ở nhiều bang nơi cử tri đã bỏ phiếu cho ông Donald Trump. Trung Quốc hy vọng sẽ thúc đẩy nông dân vận động chính quyền thoái lui khỏi leo thang chiến tranh thương mại.
Thế nhưng, hy vọng trên dường như không thể dễ dàng đạt được. Mỹ đã viện trợ 28 tỷ USD cho nông dân để xoa dịu cú đánh từ Trung Quốc. Mỹ cũng có thể đánh thuế cao hơn đối với hàng nhập khẩu của cường quốc châu Á trị giá hơn 325 tỷ USD còn lại. Tại thời điểm này, có vẻ như cả hai bên đang ấp ủ cho một cuộc chiến thương mại dài lâu.