Nếu được thực hiện đầy đủ, Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu mới được thông qua sẽ định hướng các nỗ lực bảo tồn cho đến cuối thập niên này, với mục đích chứng kiến các loài và hệ sinh thái phục hồi ở tất cả các khu vực vào năm 2050.
Sau khi Bộ trưởng Môi trường và Sinh thái Trung Quốc Hoàng Nhuận Thu tuyên bố thông qua thỏa thuận, cả hội nghị đã bùng nổ những tràng pháo tay không ngớt trong phiên họp toàn thể lúc 3h sáng (giờ địa phương). Hội nghị COP15 ở Montreal, khai mạc ngày 6/12, được coi là cơ hội "nghìn năm có một" để các bên ký Công ước LHQ về đa dạng sinh học đạt được đồng thuận về cách bảo vệ thế giới tự nhiên khỏi các mối đe dọa như phá hủy môi trường sống, khai thác quá mức, ô nhiễm và biến đổi khí hậu.
Hội nghị ban đầu dự kiến diễn ra ở Côn Minh, Trung Quốc và đã bị trì hoãn 2 năm do đại dịch COVID-19. Địa điểm đã được đổi thành Montreal và Canada đóng vai trò là nước chủ nhà, Trung Quốc vẫn giữ chức chủ tịch hội nghị. Thỏa thuận mới được đặt tên là Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal theo tên hai thành phố chủ nhà. Văn bản này yêu cầu các quốc gia nỗ lực bảo tồn 30% hành tinh vào năm 2030. Mục tiêu “30 x 30” là mục tiêu mà Canada, cùng với một số quốc gia khác, thúc đẩy. Các nhà khoa học đánh giá mục tiêu này là mức tối thiểu cần thiết để duy trì phần lớn các loài trên Trái Đất. Toàn bộ khuôn khổ bao gồm 23 mục tiêu nhằm bảo tồn những gì còn lại của đa dạng sinh học thế giới, đảm bảo sử dụng bền vững và cung cấp các phương tiện một cách công bằng, trong đó có phương tiện tài chính, để thực hiện những mục tiêu đó.
Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal đã thông qua "Mục tiêu 30 x 30", áp dụng cho “các khu vực trên cạn, vùng nội thủy, ven biển và biển”, đặc biệt là các khu vực có tầm quan trọng lớn đối với đa dạng sinh học toàn cầu. Khuôn khổ đề ra mục tiêu tăng nguồn tài chính của các nước giàu dành cho các nước đang phát triển để hỗ trợ những nỗ lực bảo tồn từ 10 tỷ USD lên ít nhất 20 tỷ USD/năm vào năm 2025 và ít nhất 30 tỷ USD vào năm 2030; công nhận quyền và vai trò của người dân bản địa trong việc bảo vệ thiên nhiên trên toàn cầu; kêu gọi các biện pháp pháp lý và chính sách để đảm bảo chia sẻ công bằng và hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gene. Các mục tiêu này rất quan trọng đối với hoạt động nghiên cứu và thương mại hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế công cộng, dược phẩm, nhân giống cây trồng và vật nuôi...
Một số đại biểu đánh giá Khuôn khổ Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal là điểm khởi đầu, nếu được thực hiện, sẽ tạo ra sự bảo vệ vững chắc hơn cho đa dạng sinh học toàn cầu so với bất kỳ văn bản nào trước đó, mặc dù chưa đạt đến mức để trở thành một yếu tố thay đổi cuộc chơi. Ông Brian O'Donnell, Giám đốc tổ chức Campaign for Nature (có trụ sở tại Mỹ) nhận định: “Chưa bao giờ có một mục tiêu bảo tồn nào trên toàn cầu ở quy mô như vậy. Điều này đem đến cho chúng ta cơ hội bảo vệ đa dạng sinh học khỏi sự sụp đổ”. Trong khi đó, ông Eddy Perez, một quan chức thuộc Mạng lưới Hành động khí hậu Canada (Climate Action Network Canada), đánh giá ở một mức độ nhất định, thỏa thuận này đã đạt được tham vọng tập thể ở mức tốt nhất có thể.
Ông Mark Opel, phụ trách mảng tài chính của Campaign for Nature - một liên minh môi trường toàn cầu - cho biết các mục tiêu trị giá 20 tỷ USD và 30 tỷ USD là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của thỏa thuận. Ông nhấn mạnh: “Bây giờ chúng ta đã có những con số thực tế”, đồng thời cho biết số tiền hằng năm mà các chuyên gia cho rằng các nước đang phát triển cần là ít nhất 60 tỷ USD.
Tuy nhiên, một số quốc gia châu Phi cho rằng những vấn đề của châu lục này đã không được quan tâm đúng mức. Theo ông Pierre Du Plessis, đại diện Namibia, cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học ở "Lục địa Đen" là một phần di sản của hành vi lạm dụng lâu dài có thể bắt nguồn từ quá trình thuộc địa hóa, khai thác tài nguyên và hình thức nông nghiệp đồn điền.
Cũng có nhiều ý kiến đánh giá thỏa thuận không đủ bao trùm và để lại quá nhiều khoảng trống để các quốc gia trì hoãn hành động mạnh mẽ trong công tác bảo tồn. Việc hủy hoại thiên nhiên gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và sự thịnh vượng của con người, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, từ không khí, nguồn nước đến an ninh lương thực và tăng trưởng kinh tế. Việc con người phá hủy và xâm lấn các hệ sinh thái hoang dã cũng làm tăng rủi ro sức khỏe do virus lây truyền từ động vật, một vấn đề đang được nhận thức ngày một sâu sắc hơn.
Thực tế cho thấy, đa dạng sinh học, sự đa dạng của mọi sự sống trên Trái Đất đang bị mất đi với tốc độ đáng báo động. Các hệ sinh thái, từ rừng và sa mạc đến nước ngọt và đại dương, đang suy giảm nghiêm trọng. Một triệu loài thực vật và động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng. Sự đa dạng di truyền đang biến mất. Đa dạng sinh học cung cấp nguồn tài nguyên thiết yếu và các chức năng của hệ sinh thái để duy trì sự sống của con người, bao gồm sản xuất lương thực, lọc không khí và nước, và ổn định khí hậu. Các hệ thống hỗ trợ sự sống của Trái Đất đang bị đe dọa.
Khi nhìn lại, khuôn khổ đa dạng sinh học được thống nhất tại Nhật Bản hồi năm 2010 đã không đạt được hầu hết các mục tiêu đề ra, chủ yếu là do thiếu tài chính và thiếu các mục tiêu có thể đo lường để theo dõi tiến độ. Phát biểu tại COP15, ông Csaba Krsi, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, nhấn mạnh: “Đây không phải là một cuộc tụ họp để cứu Trái Đất, chúng ta ở đây để cứu chính mình".
Tại phiên họp cấp cao với chủ đề “Nền văn minh sinh thái - Xây dựng tương lai chung cho mọi sự sống trên Trái Đất” trong khuôn khổ COP15, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào những nỗ lực chung nhằm bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu. Việt Nam luôn sẵn sàng huy động mọi nguồn lực để triển khai hiệu quả Chiến lược Quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Với tư cách là thành viên tích cực của Công ước LHQ về đa dạng sinh học, Việt Nam kiến nghị cần nhanh chóng thiết lập các cơ chế hỗ trợ thực hiện, bao gồm cơ chế tài chính mới, huy động nguồn lực, xây dựng và phát triển năng lực, kỹ thuật, hợp tác khoa học và chuyển giao công nghệ; tăng cường hợp tác giữa các bên để thực hiện thành công các mục tiêu tham vọng của Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu; tạo cơ hội để mỗi người dân, tổ chức, quốc gia phát huy tối đa vai trò và trách nhiệm của mình trong việc hiện thực hóa Tầm nhìn 2050 về “Sống hòa hợp với thiên nhiên".