Theo biên bản cuộc họp tháng 7 vừa công bố ngày 17/8, các thống đốc của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tỏ ý lo ngại về việc đồng euro mạnh lên, trong bối cảnh ECB dự kiến sẽ thu hẹp chương trình kích thích kinh tế, mà không làm ảnh hưởng đến đà phục hồi của nền kinh tế khu vực Eurozone.
Đồng euro và đồng USD tại Lille, miền bắc Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN |
Giới quan sát cho rằng đồng euro mạnh kéo lạm phát giảm theo, điều này sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu duy trì lạm phát ở mức 2% của ECB, đồng thời cũng khiến các biện pháp siết chặt tiền tệ bị chậm trễ.
Điểm sáng euroĐồng tiền chung châu Âu được lợi bởi đà tăng trưởng kinh tế, trong khi các nguy cơ về bất ổn chính trị đã giảm tại châu Âu. Nhà kinh tế của Natixis, ông Patrick Artus đã đưa ra một cách giải thích khác về xu hướng tăng giá của đồng tiền chung châu Âu.
Ông Artus cho rằng, tình trạng "sức khỏe" tốt của thị trường chứng khoán châu Âu so với Phố Wall đã thu hút các nhà đầu tư từ bên ngoài đổ xô tới “lục địa già” để tìm cơ hội làm ăn.
Theo nhà kinh tế học Sophie Haincourt của Ngân hàng trung ương Pháp, đồng euro đã trên đà tăng từ giữa năm 2015 và điều này làm giảm tăng trưởng của các nước Eurozone. Trước đó, việc đồng euro yếu đi trong khoảng thời gian từ giữa năm 2014 đến 2015 đã giúp kinh tế khu vực đồng euro tăng thêm 0,5 điểm phần trăm.
Theo IMF, trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 diễn ra, có tới 40% số công dân đặt niềm tin vào đồng euro và ECB. Tuy vậy, tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 28% vào năm 2016. Tuy sự tin tưởng của các công dân đối với ECB giảm nhưng sự ủng hộ của người dân đối với đồng euro vào năm 2017 lại khá ổn định, với 45% số người được hỏi có phản hồi tích cực.
Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) hồi đầu tháng 8/2017 công bố số liệu cho thấy kinh tế Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) tăng trưởng nhẹ trong quý II/2017. Theo số liệu của Eurostat, GDP của Eurozone tăng 0,6% trong các tháng 4-6/2017, so với mức tăng 0,5% được ghi nhận trong ba tháng trước đó. Con số này trùng với dự đoán mà công ty nghiên cứu Factset (Mỹ) từng công bố.
Đà tăng này có được là nhờ kinh tế toàn cầu đi lên, tâm lý của người tiêu dùng và các doanh nghiệp khởi sắc và kết quả tích cực từ chương trình kích thích tiền tệ khổng lồ của ECB. Đây là dấu hiệu cho thấy Eurozone đang dần thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ năm 2008.
Xu hướng của các đồng tiền khácKhảo sát mới nhất của Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cho thấy đồng bảng yếu đi đang làm gia tăng nhu cầu của thế giới đối với hàng hóa chế tạo của nước Anh. Đồng bảng đã giảm khoảng 14% kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của nước Anh trong Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 23/6/2016.
Với sự hậu thuẫn từ sự xuống giá của đồng bảng kể từ sau quyết định rời EU cùng với nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Anh đi lên, nhu cầu về hàng hóa chế tạo của nước Anh gia tăng đã khuyến khích các nhà máy của nước này đầu tư để cải thiện hiệu quả và công suất sản xuất.
Báo cáo của BoE vừa công bố cũng cho thấy các nhà máy chế tạo nước này vẫn giữ vững kế hoạch đầu tư trong 12 tháng tới, tuy rằng những bất ổn bắt nguồn từ Brexit chắc sẽ tiếp tục gây sức ép lên kế hoạch chi tiêu trong dài hạn của một số doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có xu hướng dễ bị tác động bởi những thay đổi về mối quan hệ thương mại giữa Vương quốc Anh và EU trong tương lai.
Trong khi đó, chiến lược gia về ngoại hối Kengo Suzuki thuộc Mizuho Securities Co. cho biết những người tham gia thị trường hiện vẫn “nêu cao cảnh giác” trước khả năng các nguy cơ địa chính trị gia tăng liên quan tới Triều Tiên - điều sẽ tác động tới tỷ giá đồng yen/USD. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đang dõi theo số liệu bán lẻ của Mỹ trong tháng 7/2017 (được công bố ngày 14/8) để tìm thêm các mạnh mối về các triển vọng chính sách tiền tệ của Mỹ.
Ngày 25/8, tỷ giá giữa đồng NDT và USD là 6,6559 NDT/USD. Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 10/8, đồng NDT đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 10 tháng so với đồng USD. Theo Hệ thống Trao đổi Ngoại hối Trung Quốc, đồng NDT đã tăng lên 6,6770 NDT/USD, sau khi tăng 109 điểm cơ bản trong phiên 9/8.
Các nhà phân tích nhận định sự tăng giá của đồng NDT chủ yếu do sự yếu đi của đồng bạc xanh. Với xu hướng này, doanh nghiệp đầu tư hàng đầu Trung Quốc China International Capital Corp (CICC) dự báo đồng NDT có thể tiếp tục tăng nhẹ trong năm nay.
Bên cạnh đó, đồng NDT cũng nhận được hỗ trợ từ số liệu kinh tế cho thấy dấu hiệu ổn định của kinh tế Trung Quốc. Trong sáu tháng đầu năm, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 6,9%, khi tiêu dùng, dịch vụ và các lĩnh vực kinh tế mới đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế.
Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, Ngân hàng trung ương), dự trữ ngoại tệ của nước này tính đến cuối tháng 7/2017 đạt 3.081 tỷ USD, tăng 23,9 tỷ USD so với tháng Sáu. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 6/2014 dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tăng 6 tháng liên tiếp.