“Điềm xấu” cho Abenomics

Nhật Bản vừa công bố các số liệu cho thấy tăng trưởng trong quý II/2015 của nước này giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2014. Đây được coi là “điềm xấu” cho nỗ lực thực hiện gói chính sách “Abenomics” của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát khỏi thời kỳ giảm phát và suy thoái kéo dài hai thập kỷ.

Thực tế không phải màu hồng

Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, trong quý II/2015, tiêu dùng cá nhân - lĩnh vực chiếm khoảng 60% hoạt động kinh tế Nhật - đã giảm 0,8%, mức giảm cao gấp đôi dự báo của các nhà phân tích. Đây là lần đầu tiên con số này giảm kể từ quý II/2014, thời điểm việc tăng thuế tiêu thụ gây tác động bất lợi. Trong khi đó, xuất khẩu cũng giảm 0,3% bất chấp đồng Yên đã giảm giá mạnh. Tuy nhiên, mức suy giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 1,6% vẫn “khả quan” hơn con số dự báo giảm 1,9% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Bộ trưởng Bộ Kinh tế Akira Amari cho rằng sự suy giảm của nền kinh tế trong quý II chỉ là kết quả của những yếu tố nhất thời như thời tiết xấu, khiến người tiêu dùng ở trong nhà nhiều hơn và không đi mua sắm.

Cửa hàng treo biển giảm giá tại thủ đô Tokyo ngày 17/8. Ảnh: AFP/TTXVN


Một số nhà kinh tế học dự báo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ nới lỏng tiền tệ hơn nữa trong những tháng tới và cuối năm, Nhật Bản có thể thoát khỏi suy thoái. Tuy nhiên, xét ở một góc độ khác, khối lượng thâm hụt tài khóa khổng lồ và khoản nợ lũy kế đang ghìm lại mọi nỗ lực tăng chi tiêu chính phủ. Nợ công Nhật Bản hiện ở mức 240% tổng GDP, lớn hơn nhiều so với Hy Lạp và lớn nhất trong số những nền kinh tế OECD.

Những con số “biết nói” trên là một tín hiệu nữa cho thấy nền kinh tế Nhật Bản vẫn đang trong tình trạng trì trệ, đồng thời khiến các chuyên gia đặt dấu hỏi về khả năng thành công của gói chính sách kinh tế Abenomics của chính quyền Thủ tướng Abe.

Yếu tố ngoại bất thuận…

Thủ tướng Abe lên nắm quyền từ năm 2012 với cam kết khôi phục nền kinh tế bằng một loạt biện pháp tổng hợp, mang tên Abenomics, bao gồm nới lỏng tiền tệ, cải cách chi tiêu công và cải cách cơ cấu. Mũi tên thứ nhất nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nền kinh tế, mũi tên thứ hai nhằm phá vỡ tình trạng giảm phát tồn tại hai thập kỷ qua, và mũi tên thứ ba nhằm giải phóng các lực lượng giúp duy trì tăng trưởng trong dài hạn. Đến nay, hai trong số ba mũi tên của chính sách kinh tế này đã đạt hiệu quả tốt. Giá đồng Yên đã giảm đáng kể, xuống mức thấp nhất so với USD trong 7 năm qua. Trong khi đó, thị trường chứng khoán đạt độ ổn định cao, và các gói kích thích tài chính đã tạo ra một lực đẩy kinh tế kịp thời. Tuy nhiên, biện pháp này cũng đang bộc lộ một số hạn chế sau gần ba năm áp dụng. Thật không may, vừa thoát khỏi “căn bệnh trầm kha” mang tên giảm phát, kinh tế Nhật Bản lại rơi vào suy thoái.

Theo giới chuyên gia, sở dĩ các chính sách cải tổ kinh tế của Thủ tướng Abe chưa đạt thành công như mong muốn một phần là vì bối cảnh nền kinh tế thế giới không thật sự thuận lợi cho cuộc cải cách kinh tế của Nhật Bản. Sự tăng trưởng kinh tế chóng mặt của Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai, mà thế giới gọi là điều thần kỳ, phần lớn là do nền kinh tế thế giới hồi phục mạnh mẽ sau khi chiến tranh kết thúc, điển hình là ở các nước châu Âu và Mỹ. Giờ đây, khi hầu hết các nền kinh tế lớn từ EU cho đến Trung Quốc đều đang rơi vào suy thoái, mọi chuyện trở nên khó khăn cho kinh tế Nhật hơn rất nhiều. Giới phân tích nhận định sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc sẽ làm tăng nguy cơ kinh tế Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng yếu ớt trong quý III và chỉ được hy vọng đạt tăng trưởng với tốc độ 1% trong cả năm nay.

… và nội tại khó khăn

Theo các nhà kinh tế, có ba nguyên nhân chính khiến “phép màu” của Thủ tướng chưa thực sự hiệu nghiệm. Trước hết, các cải cách cơ cấu - mũi tên thứ ba - để giải phóng tăng trưởng có phần còn rụt rè. Chính phủ quyết định giải phóng một số lĩnh vực và phát triển việc làm cho phụ nữ, nhưng đất nước này lại không mở cửa cho lao động nhập cư - cách hiệu quả để bù đắp cho tình trạng dân số trong độ tuổi lao động sụt giảm (giảm 0,5% hàng năm). Ngoài ra, Thủ tướng Abe ủng hộ các doanh nghiệp tăng lương, đổi lại được hưởng ưu đãi thuế, nhưng các công ty này lại thổi phồng khoản tiền thưởng thay vì tăng lương cố định và điều này không khiến các gia đình tăng sức mua.

Cuối cùng, việc hạ giá đồng Yên không giúp xuất khẩu tăng nhiều như chính phủ mong muốn trong bối cảnh nhu cầu của thế giới vẫn còn thấp. Hơn nữa, sản phẩm của Nhật Bản là hàng chất lượng cao, ít chịu ảnh hưởng của những biến động tỷ giá. Trong khi đó, đồng Yên giảm giá khiến nguyên vật liệu nhập khẩu tăng giá, đặc biệt là năng lượng. Và các tác động tiêu cực của chính sách Abenomics cuối cùng đã “vượt” các tác động tích cực.

Không thể nói “Abenomis” đã thất bại, nhưng phải thừa nhận rằng các biện pháp tiền tệ và ngân sách chỉ có thể tạo tăng trưởng trong ngắn hạn và hiệu quả phần nào chưa được như kỳ vọng. Nếu không “bắn” đi mạnh mẽ mũi tên thứ ba, thậm chí “Abenomis” có thể có hại khi làm tăng nợ công vốn đã rất cao và gây ra mối đe dọa bong bóng tài chính. Các nhà đầu tư hiện trông chờ liệu ông Abe có thể tận dụng nhiệm kỳ của mình để bắn được mũi tên khó khăn nhất này hay không.

Trong báo cáo hồi tháng 7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tán thưởng chính sách Abenomics đã đưa Nhật Bản thoát khỏi tình cảnh ảm đạm. Chương trình này là cơ hội “duy nhất” để kết thúc một tư duy giảm phát cổ hủ và phục hồi sự ổn định của nợ công và chính sách tài khóa.

Chính phủ của Thủ tướng Abe đã dấn thân vào một cuộc chơi lớn để đưa đất nước thoát khỏi quỹ đạo của sự tăng trưởng èo uột và giảm phát. Nếu công thức Abenomics này thành công, nước Nhật với cương vị là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ xuất hiện trở lại với tư cách một đầu tàu tăng trưởng lớn trong bối cảnh kinh tế châu Âu đình trệ và kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Ngược lại, nếu chính sách này thất bại, khối nợ công khổng lồ được ví như núi Phú Sĩ hiện nay có thể đổ ập xuống, kéo theo những cơn chấn động lớn trong nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta chỉ có thể vạch ra một giải pháp, chứ không thể chắc chắn về sự thành công. Chính vì vậy, Nhật Bản cần kiên trì theo đuổi chiến lược cải cách nền kinh tế đầy tham vọng của mình một cách thông minh và thận trọng.

Bạch Dương
Nhật Bản không thể nói không với năng lượng hạt nhân
Nhật Bản không thể nói không với năng lượng hạt nhân

Bất chấp thảm họa hạt nhân "Fukushima" năm 2011, Nhật Bản đã không thể nói không với nguồn điện hạt nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN