Điều gì sẽ đến sau khi ông Morsi bị phế truất?

Khó có khả năng xảy ra nội chiến, Anh em Hồi giáo mất uy tín và một phần sức mạnh, quân đội là lực lượng duy nhất lúc này có thể bảo đảm cho Ai Cập có được ổn định. Đó là nhận xét của nhà địa chính trị học nổi tiếng Alexandre del Valle, giảng dạy quan hệ quốc tế tại Trường đại học Metz, khi nói về cuộc đảo chính quân sự phế truất Tổng thống Morsi ở Ai Cập vừa qua.

Dưới đây là ý kiến của ông Alexandre del Valle, đồng thời là nhà nghiên cứu thuộc Viện Choiseul và tác giả nhiều cuốn sách về các nền dân chủ, vùng Balkan, Thổ Nhĩ kỳ và khủng bố Hồi giáo, khi trả lời phỏng vấn tạp chí "Đại Tây Dương" .

Người dân Ai cập đổ ra các đường phố ở Cairo sau khi quân đội phế truất Tổng thống Morsi. Ảnh: AFP/TTXVN


Hỏi: Điều gì sẽ xảy ra ở Ai Cập khi quân đội phế truất Tổng thống Morsi?


Trả lời: Cuộc đảo chính này là có thể lường trước được. Lúc này quân đội Ai Cập là lực lượng duy nhất có khả năng ổn định tình hình trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Ai Cập. Giả thiết về một cuộc nội chiến thực sự ít có khả năng xảy ra, cho dù có thể có đụng độ nghiêm trọng vì chỉ một vài phong trào Thánh chiến được vũ trang rất ít ỏi và một số người ủng hộ các tổ chức thuộc Anh em Hồi giáo cực đoan nhất là có khả năng chuyển sang hành động. Nhưng họ không thể chống lại được quân đội Ai Cập vốn rất mạnh và, trái ngược với Libya hay Syria, vẫn kiểm soát toàn bộ lãnh thổ và được dân chúng ủng hộ. Quân đội lúc này có tính hợp pháp vì đã biết cách tận dụng được nỗi bất bình của hàng triệu người biểu tình chống Morsi.


Hỏi: Liệu có nguy cơ xảy ra nội chiến và quân đội Ai Cập liệu có tránh được kịch bản kiểu Algeria, khi can thiệp vào thời điểm Anh em Hồi giáo bị mất uy tín, không?


Trả lời: Nguy cơ nội chiến, giống như ở Algeria trong những năm 1990, là thấp, hơn nữa vì khi nổ ra cuộc đảo chính quân sự, Tổng thống Morsi kêu gọi chống lại bằng biện pháp hòa bình. Khác với quân đội
Algeria là người hủy bỏ thắng lợi trong bầu cử của Mặt trận Hồi giáo cứu thế từ đó gây ra cuộc nội chiến kéo dài gần 15 năm, quân đội Ai Cập khôn khéo để mặc Anh em Hồi giáo mà không ngăn cản thắng lợi của phong trào này.

Như vậy, quân đội Ai Cập biết cách can thiệp vào thời điểm "thích hợp", nghĩa là một khi Anh em Hồi giáo và Morsi không còn chút thiện cảm nào của dân chúng, trái lại làm một bộ phận lớn trong số họ thất vọng. Quân đội Ai Cập ngay từ đầu nói sẽ không tính chuyện lãnh đạo đất nước mà chỉ lập ra một "Hội đồng tổng thống chuyển tiếp" rồi tổ chức bầu cử càng sớm càng tốt. Không những hàng triệu người biểu tình chống Morsi mà cả các thủ lĩnh của phe đối lập như El Baradei hay Amr Moussa, đều nhất trí với cách làm này của quân đội.


Hỏi: Điều gì đã thúc đẩy Hội đồng quân sự tối cao và tướng al Sissi can thiệp?


Trả lời: Lý do chính là để lập lại trật tự, đáp ứng nguyện vọng của người biểu tình và ngăn chặn hành động quá đà của Morsi. Nhưng thực ra quân đội là một Nhà nước trong lòng Nhà nước, có quyền hành rộng rãi về chính trị và kinh tế, còn Anh em Hồi giáo muốn nhân danh dân chủ kìm chân quân đội. Ngay từ đầu, sau khi Moubarak ra đi và Morsi giành thắng lợi trong bầu cử, giữa quân đội và Anh em Hồi giáo có "ăn dơ" với nhau, nhưng thỏa thuận ngầm đó -để cho quân đội được tự do và không đụng chạm đến đặc quyền của quân đội để đổi lấy việc quân đội chấp nhận thành lập một chính phủ của Anh em Hồi giáo- đã bị Morsi phá vỡ vì ông muốn đi xa hơn và định giảm đáng kể quyền lực của quân đội theo kiểu chiến lược của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan. Cuộc đảo chính là cách duy nhất để quân đội duy trì quyền lực và đặc quyền của mình.

Mặt khác, quân đội tiến hành đảo chính vì các tướng lĩnh Ai Cập có thỏa thuận với Mỹ, hơn nữa Sissi là người gần gũi với Mỹ, còn Ai Cập lệ thuộc vào thỏa thuận đó vì nước này sống bằng viện trợ của Mỹ, dù đó là lĩnh vực tài chính, lương thực hay vũ khí.


Hỏi: Hậu quả của cuộc đảo chính này đối với tình hình chính trị ở Ai Cập là gì?


Trả lời: Cuộc đảo chính này là có thể lường trước được vì Ai Cập không thể hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Hồi giáo chính trị theo khuynh hướng quốc tế chủ nghĩa (chống dân tộc chủ nghĩa), chống Israel và, về cơ bản, chống Mỹ. Người đứng đầu Hội đồng quân sự tối cao, Al-Sissi, đã nói rõ rằng nếu không có giải pháp có thể chấp nhận được đối với tất cả các bên và nếu tổng thống từ chối tuân thủ sau 48 tiếng đồng hồ, quân đội sẽ thiết lập lại trật tự và tổ chức bầu cử lại. Quân đội đã thúc đẩy nhanh điều gì đó rất có thể lường trước được từ đầu: đó là việc Hồi giáo chính trị đánh mất lòng tin dần dần, ngày càng nhiều và được dự tính trước trong cuộc thử thách điều hành công việc đất nước.


Anh em Hồi giáo quả thực khiến người dân Ai Cập phải mơ với lời hứa hẹn mang lại điều tốt lành, dân chủ, nhưng cũng rất nhanh khiến người dân thất vọng vì bất tài, không có khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, thường xuyên vi phạm dân chủ và không giữ lời hứa.

Như vậy, đây là "giai đoạn ba" của cuộc cách mạng Arập, được định trước với việc phê phán Hồi giáo chính trị không có khả năng làm được hơn người khác. Giai đoạn này -sau giai đoạn một (khởi đầu "Mùa xuân Arập" do phái thế tục và tự do khởi xướng) và giai đoạn hai (Hồi giáo chính trị chiếm đoạt cuộc cách mạng với thắng lợi trong bầu cử)- đáng lẽ diễn ra muộn hơn, nhưng lại được quân đội thúc đẩy nhanh hơn vì họ đoán trước được ý nguyện và sự bất bình của dân chúng và giới tinh hoa chống Hồi giáo chính trị không chấp nhận để bị các phần tử "râu xồm" ngày càng tỏ ra ngạo mạn đánh cắp cuộc cách mạng.


Hỏi: Các kịch bản có thể có để đưa Ai Cập thoát khỏi khủng hoảng chính trị là gì? Có thể có giải pháp chính trị thay thế nào không?


Trả lời: Xã hội Ai Cập hiện nay bị chia thành hai. Một bên là xã hội Hồi giáo hóa mơ đến luật Hồi giáo và Dân tộc và muốn xóa bỏ quá khứ và xã hội này là mạnh. Nhưng người ta nhận thấy dân chúng ngày càng chối bỏ Hồi giáo hóa xã hội về mặt chính trị, hơn nữa vì Hồi giáo chính trị đáng lẽ phải là "giải pháp của các giải pháp", song lại hoàn toàn không cho thấy họ có khả năng giải quyết các vấn đề chính trị, kinh tế mà ngược lại. Và nhiều người Arập đáng thương đã bỏ phiếu lần đầu cho Anh em Hồi giáo, không muốn đạo Hồi bị đánh đồng với chính trị nữa và cáo buộc Anh em Hồi giáo đã đàn áp giống như, nếu không muốn nói là hơn, những người tiền nhiệm của họ.


Những gương mặt có thể thay thế ông Morsi đứng đầu Nhà nước Ai Cập thì nhiều. Mohammed El Baradei, người được phái thế tục và tự do ủng hộ, là một trong những ứng cử viên sáng giá để thay thế Morsi. Ông có thể là ứng cử viên tạo được sự đồng thuận trong thời kỳ chuyển tiếp vừa bắt đầu. Cũng có một số gương mặt khác như Amr Moussa, người gắn bó với quân đội, hay một số nhân vật của chế độ cũ. Nhưng phái thế tục cực đoan, như Tarek Heggi, không thể có cơ may nào vì Ai Cập là một nước rất Hồi giáo về phương diện xã hội.

Nếu bầu cử được tổ chức trong vài tháng tới, Anh em Hồi giáo và một số nhân vật Hồi giáo chính trị chắc chắn sẽ không thắng, cho dù họ vẫn còn mạnh về mặt bầu cử ở Ai Cập. Và các lực lượng chống Hồi giáo chính trị, trước đây bị chia rẽ (nên bị thất bại thảm hại trong bầu cử) chưa bao giờ thống nhất trong nội bộ và ăn ý với quân đội như hiện nay.

Như vậy, Anh em Hồi giáo đã mất đi một phần cử tri và khả năng thuyết phục của mình. Giờ đây họ chỉ có thể trông cậy vào lực lượng nòng cốt chủ lực nhất trong số cử tri và những người ủng hộ. Nhưng nếu những người này kịch liệt chống lại quân đội chắc chắn sẽ rơi vào bẫy liên minh chết người và tai tiếng với phái Hồi giáo cực đoan. Tuy nhiên, đối với quân đội, phái này chỉ là những con ngoáo ộp hoàn hảo mà thôi.


Trần Mạch


Vì sao Tổng thống Ai Cập bị phế truất?
Vì sao Tổng thống Ai Cập bị phế truất?

Điều gì đã khiến 17 triệu người Ai Cập chiếm lĩnh các quảng trường trong cả nước? Tại sao phong trào nòng cốt của làn sóng phản kháng ở Ai Cập yêu cầu Tổng thống Morsi phải từ bỏ quyền lực? Và tại sao quân đội Ai Cập ra tối hậu thư đối với Tổng thống Morsi?

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN