Vì sao Tổng thống Ai Cập bị phế truất?

Điều gì đã khiến 17 triệu người Ai Cập chiếm lĩnh các quảng trường trong cả nước và kích động 22 triệu người trong số đó lên tiếng phê phán Tổng thống Morsi? Tại sao mạng của Tamarrod (Nổi dậy), phong trào nòng cốt của làn sóng phản kháng ở Ai Cập, "yêu cầu Tổng thống Morsi phải rời khỏi quyền lực vào ngày thứ ba 2/7 vào lúc 17 giờ" và cho phép tổ chức bầu cử trước thời hạn, nếu không ông sẽ phải đối mặt với tình trạng "toàn dân bất tuân"? Và tại sao quân đội Ai Cập ra tối hậu thư đối với Tổng thống Morsi: hoặc giải quyết cuộc khủng hoảng trong vòng 48 tiếng đồng hồ, hoặc quân đội sẽ ra tay làm việc đó?  

Biểu tình phản đối Tổng thống Morsi tại Cairo. Ảnh: AFP/TTXVN


Theo tạp chí "Afrique", cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ những thất bại về kinh tế và chính trị của chính quyền Morsi, những thất bại do không tôn trọng đầy đủ quyền tự do cá nhân, kể cả quyền tự do kinh tế, vốn là cơ sở mang lại thịnh vượng. 

55 người Ai Cập chết và 700 người khác bị thương trong các cuộc biểu tình với mức độ bạo lực có thể quá mức cần thiết do thiếu xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu khác. Tình hình đó dẫn đến cảnh người tiêu dùng giận dữ xếp hàng dài chờ mua hàng. Tình trạng thiếu thốn và những hàng người dài dằng dặc như vậy là bằng chứng cho thấy các chính sách của Tổng thống Morsi xung đột với cách tiếp cận thiên về thị trường và quyền tự do vốn là những yếu tố thuận cho việc nâng cao mức sống của người dân.  
       
Nền kinh tế Ai Cập xấu đi nghiêm trọng. Sau cuộc cách mạng lật đổ cựu Tổng thống Hosni Moubarak, tăng trưởng kinh tế của nước này giảm xuống chỉ còn 2,2% trong năm 2012, thấp hơn nhiều so với mức 5,1% trong thời kỳ 2009 - 2010. Theo dự báo, tăng trưởng có thể sẽ còn giảm tiếp và chỉ còn 2% trong nửa đầu năm 2013. Hơn nữa, đồng livre Ai Cập mất 12,5% giá trị so với đồng USD. 

Tăng trưởng kinh tế giảm làm trầm trọng thêm nạn thất nghiệp và tình trạng nghèo khổ ở Ai Cập, nước có tới 82,5 triệu dân. Hơn 3,3 triệu người, tức 13% số dân Ai Cập trong độ tuổi lao động (và con số này sẽ còn tiếp tục tăng) bị thất nghiệp và 46,4% số dân trong độ tuổi 20 - 24 tuổi không thể tìm được việc làm. Trong khi đó, 43% số dân Ai Cập sống dưới mức nghèo khổ với 2 USD/ngày.  
       
Tình hình lại trầm trọng thêm nữa do thâm hụt ngân sách bùng nổ, tăng tới mức 10,8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Thiếu tiền nên chính phủ Ai Cập càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc hỗ trợ người nghèo trong lúc khó khăn. Nền kinh tế chững lại nay lại trì trệ thêm do đầu tư nước ngoài giảm sút, du lịch giảm mạnh, còn bất ổn chính trị lan rộng.  
       
Không khó để giải thích vì sao Ai Cập lại đi đến thảm họa kinh tế đó: Chính sách kinh tế tồi, nạn tham nhũng trắng trợn và thiếu sức cạnh tranh. Trong Báo cáo về sức cạnh tranh trên thế giới, Ai Cập đứng thứ 94 trong tổng số 142 nước. Một ví dụ là các khoản trợ giá khổng lồ sản sinh ra một hệ thống không có hiệu quả đối với việc vận chuyển bánh mỳ và xăng dầu trên quy mô toàn quốc, dẫn đến tình trạng thiếu thốn hai mặt hàng chiến lược thiết yếu này, từ đó khiến dân chúng bất bình quay sang chống chính phủ. Tổng thống Morsi từng cam kết sẽ giải quyết vấn đề này trong vòng 100 ngày sau khi ông nhậm chức, nhưng ông đã không thực hiện lời hứa của mình.  
       
Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở góc độ kinh tế. Những thất bại liên tiếp về chính trị của chính phủ Morsi là một lý do khác đẩy Ai Cập vào tình thế mong manh. Gần như tất cả những người được Tổng thống Morsi bổ nhiệm làm Bộ trưởng, tỉnh trưởng và vào các chức vụ cao cấp khác, đều là người của phong trào Anh em Hồi giáo, từ đó "chặt chân tay" những người vốn đã không tin vào luật Hồi giáo. Ông cũng đơn phương gia tăng quyền lực cho riêng mình, chẳng hạn khi quyết định hạn chế quyền tự do ngôn luận của báo chí.  
       
Tất cả những điều đó, cộng với những hành vi lạm dụng và áp bức về chính trị và kinh tế khiến người dân Ai Cập mất lòng tin vào chính quyền Morsi. Khó có thể lường trước được sự việc sẽ tiếp diễn như thế nào. Nhưng nếu chính phủ mới không xóa bỏ những hạn chế đối với quyền tự do cá nhân và kinh doanh, nghĩa là nếu không hủy bỏ quy định và không cải cách hệ thống trợ giá, chính phủ đó cũng sẽ thất bại.


Trần Mạch

(Còn tiếp)





Tướng Sisi nổi lên thành người hùng Ai Cập
Tướng Sisi nổi lên thành người hùng Ai Cập

Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập - Tướng Abdel Fattah al-Sisi, nhân vật đã nổi lên như một người hùng trong bối cảnh tình trạng bạo động đang quét nước này, đang tuyệt vọng tìm cách chấm dứt cuộc khủng hoảng mà không đưa đất nước trở lại thời kỳ quân đội nắm quyền hồi năm 2011 - 2012.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN