Đoàn kết - Bài toán khó của Eurozone

Về sự kiện Tây Ban Nha bị hãng thẩm định tài chính Standard & Poor’s hạ mức xếp hạng tín nhiệm từ AA xuống AA-, báo Le Figaro (Pháp) nhận định, cường quốc kinh tế lớn thứ tư châu Âu này chưa thoát khỏi vũng lầy, còn báo Le Monde (Pháp) đã tìm hiểu vì sao những nước “ích kỷ” của khu vực đồng euro lại không muốn cứu giúp "những mắt xích yếu" trong khối.

Trong bài phân tích “Khoảng cách ngày càng sâu rộng hơn giữa một phương Nam đi tìm tăng trưởng và một phương Bắc xuất khẩu”, báo Le Figaro nêu bật tình hình hầu như bế tắc hiện nay của các quốc gia miền nam châu Âu, từ Hy Lạp, Tây Ban Nha đến Bồ Đào Nha. Le Figaro còn so sánh với Ailen, nước đã từng khốn đốn với khủng hoảng ngân hàng, phải chịu 3 năm suy thoái và thâm thủng ngân sách tăng vọt, tương đương 32% GDP vào năm ngoái, nhưng đã vực dậy được nền tài chính của mình và được S&P vừa qua dự kiến tăng điểm tín nhiệm.

Theo Le Figaro, hai sự kiện nói trên phản ánh một châu Âu nhiều vận tốc, với những mô hình tăng trưởng khác biệt, giữa một phương Bắc xuất khẩu và một phương Nam thiếu sức cạnh tranh. Le Figaro ghi nhận là cho dù cùng được châu Âu hỗ trợ nhưng Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha chưa bao giờ có được nhịp độ phát triển như Ailen. Nền kinh tế hai quốc gia này chủ yếu dựa vào nhu cầu nội địa, tức là nhu cầu của chính phủ và tư nhân. Nhưng từ mấy tháng qua, các kế hoạch thắt lưng buộc bụng đã gây tác động tiêu cực nặng nề. Chính phủ không còn tiền để chi tiêu, các hộ gia đình vốn mang nợ nhiều phải dè xẻn, tiết kiệm. Các công ty khó tìm được tín dụng, không thấy viễn cảnh sáng sủa và không đầu tư nữa.

Giới kinh tế cũng nêu bật việc các quốc gia đó thiếu cải tổ cơ cấu về giáo dục, thị trường lao động, y tế, những điều mà chính phủ các nước này đã không thực hiện trong khi còn hưng thịnh.

Theo Le Figaro, bài toán hiện nay không dễ giải quyết. Làm sao các nước Nam Âu có thể vực dậy cỗ máy kinh tế khi mà họ bị ép buộc phải có những chính sách ngày càng khắc khổ hơn. Cho dù Bồ Đào Nha muốn dựa trên xuất khẩu, nhưng những ngành xuất khẩu truyền thống như vải sợi của họ lại bị sự cạnh tranh của các quốc gia đang vươn lên. Nhìn lên phía Bắc Âu, những nước giàu tài nguyên, giàu năng lượng như Hà Lan, Na Uy, hoặc giàu về công nghệ như Ailen, Phần Lan, Thụy Điển thì rõ ràng đang bỏ xa các nước phương Nam. Nếu muốn bắt kịp, các nước phương Nam chỉ còn con đường cải tổ nhanh chóng. Nhưng không thể nào làm được việc này nếu không lấy lại được sự tin tưởng và có phương tiện tài chính cần thiết. Le Figaro nhận thấy, châu Âu phải đoàn kết hơn nữa và phải phối hợp chặt chẽ hơn về kinh tế để bảo vệ quyền lợi chung của châu Âu.

Tuy nhiên, theo Le Monde, tại Eurozone có bốn nước không muốn giúp đỡ "những mắt xích yếu", đó là: Xlôvakia không muốn phải chi trả cho những nước giàu hơn mình, một thái độ mà Le Monde cho là dễ hiểu của người dân Xlôvakia. Nước Đông Âu này mới bước vào khu vực đồng euro năm 2009, nhưng vẫn là một quốc gia nghèo, còn nghèo hơn cả Hy Lạp và những quốc gia đang khó khăn hiện nay mà Xlôvakia cho là phải cứu giúp.

Hai là Hà Lan, nổi tiếng chặt chẽ trong chi tiêu. Thâm thủng ngân sách Hà Lan là 3,8% GDP năm 2011 và xuống 2,8% năm 2012, còn thấp hơn ngưỡng quy ước 3%. Vì vậy, người Hà Lan không hiểu tại sao họ cứ phải liên tục giúp một nước như Hy Lạp mà theo giới kinh tế Hà Lan, trong suốt 50 năm qua không hề đưa ra được một ngân sách cân đối.

Thứ ba là Phần Lan, quốc gia có nền tài chính rất lành mạnh. Trong năm 2012, ngân sách Phần Lan không thâm hụt mà thậm chí sẽ thặng dư. Cho nên nước này không thấy lý do phải giúp Hy Lạp, vốn đã không tôn trọng luật chơi. Thật ra, Phần Lan cũng đang co cụm và là quốc gia có thái độ hoài nghi ở châu Âu.

Thứ tư là Đức, vốn vẫn bị gánh nặng thống nhất ám ảnh. Vùng Tây Đức đã phải trả 1.300 tỷ euro trong vòng 20 năm cho việc gánh vác Đông Đức sau khi thống nhất. Người Đức cho là họ đã chịu khổ để vực dậy tài chính của họ. Thâm thủng ngân sách của nước Đức là 0,9% GDP trong năm nay. Giới kinh tế Đức lo ngại là những khoản tiền tung ra để trợ giúp các quốc gia khó khăn như Hy Lạp “sẽ không ngừng tăng lên”. Le Monde cho là Đức không hẳn đã ích kỷ, nhưng là quốc gia rất nghiêm khắc, rất có kỷ luật trong chi tiêu. Họ chỉ muốn đồng tiền trợ giúp bỏ ra phải đi kèm với những bảo đảm chắc chắn.

TKT

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN