Theo đài Sputnik, ngày 19/6, chương trình truyền hình The National Pulse đã gây chấn động khi tiết lộ việc Google tham gia tài trợ cho nghiên cứu và thí nghiệm virus của tổ chức phi lợi nhuận Liên minh EcoHealth. Sáng lập viên công ty là nhà động vật học người Anh Peter Daszak, người gây chú ý vì cộng tác với Viện Virus học Vũ Hán.
Google đầu tư vào nghiên cứu virus học
Trong suốt chục năm qua, Google.org, bộ phận từ thiện của Google, đã tài trợ cho nghiên cứu của EcoHealth về chi virus Flavi, sự lây lan của henipavirus, bệnh mụn giộp cũng như mối đe dọa lây mầm bệnh từ động vật sang người. Một số nghiên cứu này cũng được Bộ Quốc phòng Mỹ và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ hỗ trợ.
Mặc dù tài trợ nghiên cứu khoa học rõ ràng không có gì bất hợp pháp, nhưng sự tham gia của Google khiến người ta đặt ra hai câu hỏi. Thứ nhất: Có phải việc Google kiểm duyệt giả thuyết và tin tức liên quan COVID-19 là do tập đoàn này liên quan tới nghiên cứu virus học của EcoHealth? Thứ hai: Tại sao Google.org bỏ qua thực tế là EcoHealth của ông Daszak không được tổ chức một cách phù hợp (hồ sơ thuế có nhiều lỗi và EcoHealth hoạt động quá xa mục đích được miễn thuế ban đầu là bảo vệ thế giới hoang dã trước nguy cơ tuyệt chủng)?
Nhà báo điều tra Charles Ortel lưu ý: “Liên minh EcoHealth là tổ chức được miễn thuế và chính phủ rót tiền vào đây để bảo vệ các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng. Tổ chức này chắc chắn không được phép điều chỉnh các virus tự nhiên để làm chúng nguy hiểm hơn với con người hay các sinh vật sống khác”. Ông lưu ý điều trên khi ông Daszak liên tục công khai thảo luận nhiều ví dụ về nghiên cứu “tăng cường chức năng”.
Nhà báo Ortel cảnh báo rằng hồ sơ không chuẩn đôi khi là dấu hiệu cho thấy quản lý tài chính kém và có các hoạt động mờ ám.
Google tài trợ thu thập dữ liệu gien
Ngoài nghiên cứu virus học, Google dường như quan tâm tới các nghiên cứu công nghệ sinh học khác nữa. Hồi tháng 5/2007, Google đã mua cổ phần trong công ty công nghệ sinh học ở California có tên 23andMe và đầu tư 3,9 triệu USD vào đây. Đầu tháng, Sergey Brin, người khi đó là Chủ tịch công ty mẹ của Google là Alphabet Inc đã kết hôn với Anne Wojcicki, đồng sáng lập của 23andMe.
23andMe cung cấp dịch vụ xét nghiệm gien trực tiếp cho khách hàng và tuyên bố mục đích của công ty là giúp mọi người hiểu cấu tạo gien cũng như các đặc điểm di truyền của mình. Tuy nhiên, năm 2013, tạp chí khoa học lâu đời hàng đầu Mỹ là Scientific American đã có giả định rằng 23andMe không làm gì khác ngoài thu thập thông tin diện rộng mà dư luận không hay biết.
Tạp chí này dẫn lời Patrick Chung, thành viên ban quản trị 23andMe và là người công khai nói rằng mục tiêu lâu dài của công ty không phải là kiếm tiền bằng bán bộ xét nghiệm, mà là thu thập dữ liệu cá nhân. Ông Chung nói hồi tháng 10/2013: “Sau khi có dữ liệu, công ty thực sự trở thành Google trong ngành chăm sóc sức khỏe cá nhân hóa”.
Công ty này không chỉ cung cấp thông tin về đặc điểm di truyền và tổ tiên mà còn phân tích dữ liệu về bẩm chất gien với các loại bệnh, điều làm nảy sinh xung đột giữa 23andMe và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ năm 2013.
Trong khi thị trường xét nghiệm ADN đang bùng nổ khi hàng triệu người chia sẻ dữ liệu gien nhạy cảm với các công ty tư nhân, năm 2018, Ủy ban Thương mại Liên bang đã điều tra 23andMe vì cách xử lý thông tin cá nhân và chia sẻ với bên thứ ba. Ngoài ra, có mối lo ngại ngày càng lớn về tình trạng bảo mật của dữ liệu ADN cá nhân.
Nhà báo Ortel nói: “23and Me rất hấp dẫn với ai nghiên cứu lịch sử gia đình. Nhưng không bảo mật các kết quả xét nghiệm ADN mà họ thực hiện hoặc khai thác kết quả vì mục đích kiếm lời là mối nguy hiểm cần điều tra”.
Trong khi đó, năm 2019, lãnh đạo Lầu Năm Góc đã cảnh báo quân đội không thực hiện xét nghiệm ADN do lo ngại hậu quả tiêu cực về chuyên môn, hậu quả an ninh ngoài ý muốn cũng như rủi ro với các lực lượng và sứ mệnh.
Tháng 1/2020, CNBC cho biết dịch vụ xét nghiệm ADN của 23andMe đã giảm bất ngờ.
Lo ngại về vũ khí sinh học
Dư luận có thể đặt ra câu hỏi tại sao Google lại quan tâm tới virus học và thu thập mẫu ADN khi mà không phải là công ty dược hay công ty công nghệ sinh học.
Nhà báo Orte nói: “Mục tiêu ban đầu của Google là sắp xếp thông tin của Trái Đất. Có nhiều loại virus và người ta có thể hình dung rằng các nhà nghiên cứu Google tò mò muốn phân loại virus và theo dõi quá trình virus phát triển trong dân số thế giới. Về mặt lý thuyết mà nói, nếu Google muốn thâu tóm quyền lực và khi các virus mới hoành hành, công ty này có thể quyết định phân phối nguồn lực chống virus cho đồng minh và không chuyển cho kẻ thù”.
Những dữ liệu này cũng có thể được sử dụng trong khía cạnh chính trị. Theo dữ liệu thư tín mật bị WikiLeaks rò rỉ, năm 2009, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton đặc biệt yêu cầu các nhà ngoại giao Mỹ thu thập thông tin sinh trắc học như ADN từ các nguyên thủ quốc gia nước ngoài và quan chức cao cấp Liên hợp quốc.
Một tập đoàn đa quốc gia tư nhân như Google sở hữu một lượng lớn thông tin sinh học nhạy cảm như vậy mà lại không chịu sự giám sát của chính phủ và các nhà quản lý, khiến người ta lo ngại về cách xử lý những dữ liệu này và điều sẽ xảy ra nếu dữ liệu rơi vào tay kẻ xấu.
Theo nhà sinh học người Đức Jan van Aken và nhà hoạt động an toàn sinh học Mỹ Edward Hammond viết năm 2003, có khả năng bên sở hữu sẽ phát triển các loại vũ khí mới hoàn toàn dựa trên kiến thức thu được khi nghiên cứu y sinh học. Các nhà nghiên cứu này cảnh báo: “Được thiết kế cho các hình thái mới của xung đột, chiến tranh, chiến dịch bí mật, hoạt động phá hoại, vũ khí như vậy không chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng mà ngày càng trở thành thực tế mà chúng ta phải đối mặt”.
Một lo ngại nữa là vũ khí sinh học gien mà về lý thuyết có thể nhằm vào các nhóm sắc tộc khi tìm kiếm khác biệt phân tử trong ADN của họ.
Gần đây, các thí nghiệm với virus, ADN và tăng cường chức năng (tác động khiến mầm bệnh trở nên nguy hiểm hơn, dễ lây hơn) đã khiến thế giới tranh cãi và kêu gọi minh bạch trong bối cảnh đại dịch COVID-19.