Động lực cho tương lai bền vững

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), công bằng xã hội có nghĩa là đối xử công bằng và bình đẳng với mọi người, bao gồm khả năng tiếp cận bình đẳng với các cơ hội, quyền con người và lợi ích của sự phát triển bất kể dân tộc, giới tính, tôn giáo, tuổi tác, khuyết tật hoặc vị trí kinh tế xã hội…

Chú thích ảnh
Người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 xếp hàng chờ nhận lương thực cứu trợ ở ngoại ô thủ đô Lima, Peru ngày 28/5/2020. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Công bằng xã hội dựa trên các giá trị của công bằng, bình đẳng, tôn trọng sự đa dạng, tiếp cận bảo trợ xã hội và áp dụng quyền con người trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, kể cả tại nơi làm việc. ILO đã đưa ra những định nghĩa về công bằng xã hội từ năm 1919, qua đó đề cao những ý nghĩa, giá trị của công bằng xã hội trong quá trình xây dựng một thế giới hòa bình, thịnh vượng và bền vững cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, hơn 100 năm sau, thế giới vẫn đang vật lộn để đạt được công bằng xã hội.

Bất bình đẳng và nghèo đói tiếp tục gia tăng ở hầu hết các khu vực trên thế giới. Đại dịch COVID-19, kết hợp cùng bất ổn kinh tế và địa chính trị đã kéo lùi công bằng xã hội ở nhiều quốc gia. Đại dịch đã gây ra tình trạng cắt giảm việc làm lớn và làm gián đoạn giáo dục của hàng tỷ trẻ em. Năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu là 6,5%, cao hơn 1,1% so với năm 2019. Thanh niên và phụ nữ có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất, lần lượt là 8,7% và 5%.

Công bằng xã hội cũng không thể tồn tại nếu không có việc làm bền vững, song xu hướng của thị trường lao động hiện nay rất ảm đạm. Theo báo cáo thường niên của ILO về Triển vọng Việc làm và xã hội thế giới công bố trung tuần tháng 1 vừa qua, trong năm 2023, tăng trưởng việc làm toàn cầu sẽ chỉ ở mức 1%, bằng một nửa mức tăng trưởng của năm ngoái. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp trên toàn cầu sẽ là 5,8%, tương đương 208 triệu người, cao hơn mức dự báo 205 triệu người đưa ra trước đó.

Kinh tế đi xuống đồng nghĩa nhiều lao động sẽ buộc phải chấp nhận các công việc chất lượng thấp, thu nhập kém, trong khi lạm phát khiến tiền lương thực tế giảm đi. Khi giá cả tăng nhanh hơn thu nhập, khủng hoảng chi phí sinh hoạt sẽ đẩy nhiều người vào nghèo đói. Tình trạng suy giảm công việc chất lượng còn trở nên trầm trọng hơn do nhiều cuộc khủng hoảng cùng lúc bao gồm xung đột tại Ukraine, căng thẳng địa chính trị, phục hồi không đồng đều sau đại dịch COVID-19 và tắc nghẽn chuỗi cung ứng.

Trước những dự báo bi quan này, Tổng Giám đốc ILO, ông Gilbert F.Houngbo đã khẳng định, nhu cầu có thêm việc làm tử tế và công bằng xã hội là rất rõ ràng và cấp bách. Ngày Công bằng xã hội thế giới 20/2 năm nay, LHQ tập trung vào những khuyến nghị của báo cáo “Chương trình nghị sự chung của chúng ta”, nhằm tăng cường đoàn kết toàn cầu và xây dựng lại niềm tin vào chính phủ bằng cách “vượt qua các rào cản và tạo cơ hội cho công bằng xã hội”.

Các rào cản đối với công bằng xã hội liên quan đến sự thiếu công bằng, dù khó xác định nhưng lại trở nên rõ ràng khi quyền con người bị giảm sút, khi sự đa dạng bị coi thường, khi công dân bị đối xử khác biệt hoặc không được tham gia vào xã hội vì bất kỳ lý do nào. Hiện nay, phần lớn người lao động vẫn chưa phục hồi thu nhập như thời điểm trước đại dịch COVID-19, trong khi khoảng cách giới trong số giờ làm việc vẫn tiếp tục gia tăng. Giá lương thực và hàng hóa tăng cao cũng tác động không cân xứng tới các hộ gia đình nghèo và các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là với những người trong nền kinh tế phi chính thức. Trong khi đó, khoảng 1/2 dân số thế giới vẫn không được tiếp cận với bảo trợ xã hội. Ở rất nhiều khu vực, có việc làm không đảm bảo khả năng thoát nghèo. Khoảng cách kỹ thuật số và sự gián đoạn thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu cũng có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và nghèo đói. Việc thiếu các cơ hội việc làm bền vững, thiếu đầu tư vào chính sách xã hội và tiêu thụ quá mức tài nguyên thiên nhiên đã dẫn tới sự xói mòn lòng tin vào chính phủ ở nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, theo ILO, bất chấp các cuộc khủng hoảng đan xen hiện nay, vẫn có những cơ hội để xây dựng một liên minh vì công bằng xã hội và giải phóng các khoản đầu tư lớn hơn vào việc làm bền vững, đặc biệt trong nền kinh tế xanh, kỹ thuật số và chăm sóc. Trong báo cáo “Chương trình nghị sự chung của chúng ta”, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng nhấn mạnh rằng, công bằng xã hội phải trở thành một trong những nền tảng của chủ nghĩa đa phương đổi mới, hiệu quả hơn, đảm bảo sự gắn kết trong một loạt các lĩnh vực chính sách. Để đạt được sự bình đẳng và công bằng, các chính phủ, doanh nghiệp và mọi người đều phải hành động. Các chính phủ cần bảo vệ quyền và cơ hội của người dân, bằng cách ban hành và thực thi các luật bình đẳng, cũng như đầu tư vào giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng phải thực hiện chính sách việc làm và hệ thống lương công bằng, đảm bảo mọi người lao động nhận được mức lương và phúc lợi hợp lý. Các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến vấn đề môi trường, giảm thiểu tác động tới môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Đối với các cá nhân, mỗi người cần trau dồi nhận thức và thực hiện các hành động thúc đẩy công bằng xã hội. Những hành động như giảm chất thải, tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải carbon đều góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phân phối tài nguyên một cách công bằng.

Nhân Ngày Công bằng xã hội thế giới năm nay, Tổng Giám đốc ILO Houngbo đã khẳng định, điều thế giới cần hiện nay là một liều thuốc công bằng xã hội mạnh mẽ và bền vững, vốn là chìa khóa cho các xã hội công bằng và hòa bình. Công bằng xã hội và phát triển thịnh vượng cũng chính là động lực cho tương lai bền vững. Để đạt được mục tiêu trên và thúc đẩy việc làm bền vững, ILO đặt mục tiêu trong năm 2023 khởi động một Liên minh toàn cầu vì Công bằng xã hội. Tổng Giám đốc ILO khẳng định: “Chúng tôi muốn tạo một động lực toàn cầu để góp phần giảm thiểu và ngăn ngừa bất bình đẳng, để đảm bảo rằng công bằng xã hội được ưu tiên ở các hoạt động và hoạch định chính sách ở các quốc gia và trên toàn cầu, trong hợp tác phát triển và trong các thỏa thuận tài chính, thương mại và đầu tư, để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau. Trong bối cảnh khủng hoảng, vẫn có lý do để hy vọng, nếu chúng ta cùng nhau theo đuổi công bằng xã hội”.

Phương Thịnh (TTXVN)
WHO: Các cuộc khủng hoảng chồng chéo làm tăng bất bình đẳng về y tế
WHO: Các cuộc khủng hoảng chồng chéo làm tăng bất bình đẳng về y tế

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 1/8 cho biết các cuộc khủng hoảng chồng chéo liên quan đến đại dịch COVID-19, lạm phát và việc các nước giàu cắt giảm viện trợ đang làm gia tăng bất bình đẳng về y tế và rối loạn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN