Bất bình đẳng là nguyên nhân gây tỷ lệ tử vong cao do COVID-19 ở Mỹ Latinh

Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) ngày 27/4 công bố báo cáo cho thấy tình trạng bất bình đẳng và thiếu đầu tư cho bảo trợ xã hội và y tế cộng đồng là nguyên nhân khiến Mỹ Latinh có tỷ lệ tử vong cao do COVID-19 và biến khu vực này trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch gây ra.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Cordoba, Argentina. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, báo cáo nghiên cứu do AI và Trung tâm về Quyền kinh tế xã hội (CESR) thực hiện đánh giá rằng mặc dù Mỹ Latinh chỉ chiếm 8,4% dân số thế giới, nhưng lại là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về kinh tế và sức khỏe, với 56,4 triệu ca mắc COVID-19 và 1,2 triệu người không qua khỏi, chiếm 28% tổng số ca tử vong toàn cầu. Báo cáo khẳng định những quốc gia có chỉ số bất bình đẳng cao nhất và dành chi tiêu công thấp nhất cho y tế và bảo trợ xã hội là những nước phải gánh chịu thiệt hại nhiều nhất.

Cụ thể, những quốc gia bất bình đẳng nhất trong khu vực như Mexico, Brazil và Peru -nơi 1% dân số giàu có nhất tích lũy hơn 30% tài sản quốc gia- có tỷ lệ ca tử vong trên tổng số dân cao nhất ở Mỹ Latinh. Tình trạng tương tự diễn ra ở Chile, nơi 20% dân số giàu nhất có thu nhập gấp 10 lần so với 20% tổng số người nghèo nhất.

Theo báo cáo, trong thời kỳ đại dịch, gần như không quốc gia Mỹ Latinh nào mở rộng bảo hiểm y tế hoặc thực hiện những biện pháp cần thiết để triển khai các cơ chế an sinh xã hội toàn dân. Quyền giám đốc điều hành CESR Kate Donald nhận định nếu các quốc gia trong khu vực hành động từ những thập kỷ trước đại dịch, Mỹ Latinh đã có thể tránh được đáng kể thiệt hại về người. Mặc dù vậy, các chính phủ trong khu vực vẫn còn cơ hội ngăn chặn thảm họa tiếp theo do bất bình đẳng gây ra và chuyển sang nền kinh tế dựa vào huy động các nguồn lực một cách chủ động.

Giám đốc khu vực của AI - bà Érika Guevara - cho biết mặc dù Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) khuyến nghị phân bổ tối thiểu 6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho y tế, nhưng hầu hết các quốc gia trong khu vực đều chi tiêu ít hơn mức đề xuất đó, nghĩa là các nước này không có đủ chuyên gia hay giường bệnh. Đơn cử như ở Peru, trong thập kỷ trước đại dịch, chi tiêu công cho y tế không tăng mặc dù nền kinh tế đang bùng nổ ở thời điểm đó, và Lima chỉ đầu tư 3% GDP cho y tế.

Còn ở Mexico, trong vòng 2 năm trước đại dịch, hơn 15 triệu người đã mất khả năng tiếp cận với bảo hiểm y tế. Trong khi đó, chi tiêu công bình quân đầu người cho y tế ở Chile chỉ bằng 1/3 mức trung bình của các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), và người bệnh phải tự bỏ ra một nửa tổng chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe tại quốc gia này.

Cũng theo AI, một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên là do thu ngân sách từ thuế thấp. Số liệu của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (ECLAC) cho thấy trong năm 2019, mức thu thuế trung bình của khu vực chỉ tương đương 22% GDP, thấp hơn nhiều so với con số 33% ở nước thuộc OECD.

Do đó, báo cáo khuyến nghị các quốc gia cần cải thiện hệ thống thuế theo hướng tăng thu của người giàu, để hạn chế tình trạng bất bình đẳng và phân phối lại của cải. Ngoài ra, các nước trong khu vực cần tập trung nguồn lực để giải quyết bất bình đẳng, quan tâm nhiều hơn đến các nhóm yếu thế như người bản địa, người da màu, phụ nữ và trẻ em gái sống trong hoàn cảnh nghèo đói, những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19.

Hồng Hạnh (TTXVN)
UNICEF: ​​Tiêm chủng vaccine cho trẻ em Mỹ Latinh sụt giảm ở mức đáng báo động
UNICEF: ​​Tiêm chủng vaccine cho trẻ em Mỹ Latinh sụt giảm ở mức đáng báo động

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 25/4, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo về sự sụt giảm đáng báo động về số lượng trẻ em được tiêm vaccine phòng bệnh tại các quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN