Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong bối cảnh EU đối mặt với nhiều vấn đề lớn và phức tạp chưa từng có, thách thức đến sự tồn tại và hội nhập của khối.
Người di cư vượt qua biên giới Hy Lạp- Macedonia tới gần làng Idomeni, phía bắc Hy Lạp. Ảnh: AFP/TTXVN |
Về vấn đề Brexit, trước sức ép của dư luận trong nước, Thủ tướng Anh David Cameron tham dự hội nghị với mục tiêu giành được sự nhượng bộ tối đa của các nước EU đối với những đề xuất cải cách mà Anh đưa ra về vấn đề di cư - lao động, thương mại - tài chính, chủ quyền quốc gia và mối quan hệ giữa các Eurozone với nước ngoài Eurozone.
Tư thế đàm phán của Anh ở thế cao hơn so với các nước EU bởi tại Anh, việc chuẩn bị cho cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 6/2016 về việc Anh đi hay ở lại EU đã sẵn sàng và điều này tạo sức ép lớn lên các nước EU. Nếu EU bác các cải cách mà Anh yêu cầu, đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho người dân Anh nói không với việc ở lại trong EU.
Đối với EU, giữa lúc các khó khăn và thách thức nghiêm trọng do vấn đề khủng hoảng di cư, vấn đề Syria, vấn đề chống khủng bố đặt ra, EU cần sự ở lại của Anh trong khối. Để Anh rời khỏi EU sẽ không khác gì việc chứng minh rằng tiến trình hội nhập EU đã thất bại. Nguy hiểm hơn, nó sẽ tạo tiền đề cho các nước khác nối bước Anh tính toán đến việc đi hay ở lại trong EU.
Ngoài ra, những đề xuất cải cách của Anh cũng được xem là xác đáng và phù hợp ở nhiều nội dung bởi đối với những vấn đề về di cư, lao động, thương mại và các mối quan hệ nội khối, EU đã áp dụng những khuôn khổ đã có từ rất lâu, không có đổi mới và do đó, đã đến lúc cần phải có những cải cách thực sự về những chủ đề này.
Chính bản thân Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng xác nhận rằng một số đề nghị cải cách của Anh, ví dụ như liên quan đến chính sách trợ cấp xã hội, là đáng học tập và tham khảo đối với chính nước Đức. Nhìn chung, việc các nước EU đã đồng ý nhượng bộ gần hết các nội dung ở cả 4 chủ đề mà Anh đề xuất cải cách cho thấy Anh đã dành được chiến thắng ngoại giao quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh lần này.
Thủ tướng Anh David Cameron sẽ có cơ sở để thuyết phục cử tri Anh nhìn nhận lại việc sẽ lựa chọn lá phiếu đi hay ở lại EU. Một số thăm dò dư luận tại Anh sau Hội nghị thượng đỉnh cũng cho thấy là tỷ lệ cử tri Anh ủng hộ việc Anh ở lại EU đã tăng lên đáng kể.
Về vấn đề khủng hoảng di cư và tị nạn, những bất đồng vẫn tiếp tục được thể hiện rõ tại Hội nghị và chưa cho thấy chiều hướng các bên có thể tìm được sự đồng thuận trong ngắn hạn. Mâu thuẫn lớn nhất xoay quanh giữa một bên là chính sách mở cửa cho người di cư của chính phủ Thủ tướng Angela Merkel với bên còn lại là gần như tất cả các nước Đông Âu thuộc EU muốn duy trì chính sách cứng rắn hơn để ngăn chặn dòng người di cư tới châu Âu.
Không chỉ phản đối đề xuất phân bổ người nhập cư và tị nạn mà Đức đề xuất suốt nhiều tháng qua, hàng loạt nước như Thuỵ Điển, Đan Mạch, Áo và nhóm 4 nước Visegrad (CH Séc, Ba Lan, Hungary, Slovakia) còn triển khai thêm nhiều biện pháp hết sức cứng rắn để hạn chế và ngăn chặn dòng người di cư.
Áo chính thức cho xây dựng thêm rào chắn tại 12 cửa khẩu biên giới với Italia và Slovenia. Nhóm Visegrad ngoài việc đã dựng các hàng rào vô hình hoặc hữu hình để không tiếp nhận người di cư, còn đang thuyết phục các nước Macedonia và Bulgaria tính toán khả năng dựng hàng rào biên giới trên toàn tuyến với Hy Lạp, một kế hoạch nhằm ngăn chặn hoàn toàn các tuyến đường di cư trên bộ ở Tây Nam Âu.
Đáng chú ý, ngay trước thềm hội nghị lần này, Pháp cũng lần đầu tiên lên tiếng tuyên bố phản đối chính sách tiếp nhận người di cư của Đức. Sự không ủng hộ của Pháp sẽ có tác động nhất định tới bà Angela Merkel bởi trục Đức – Pháp từ trước đến nay vẫn được xem là luôn đồng thuận trong cách tiếp cận xử lý các vấn đề nóng của châu Âu.
Có thể nói, Đức đang ngày càng bị cô lập hơn ở châu Âu trong vấn đề người di cư và Thủ tướng Đức cũng đứng trước một thực tế là rất khó thuyết phục các nước trong khối ủng hộ chính sách của Đức vào thời điểm này. Tuy nhiên, Thủ tướng Angela Merkel vẫn tin tưởng vào sự đúng đắn của con đường mà bà đã chọn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng.
Thay vì hướng tới các nước EU, một điều đến nay được xem là gần như thất bại hoàn toàn, Đức sẽ đặt cược vào việc tìm được một kế hoạch phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ, đối tác mà Đức xem là quan trọng nhất ngoài EU khi Thổ Nhĩ Kỳ là nước tiếp nhận tới 3 triệu người tị nạn Syria và là điểm xuất phát quan trọng nhất của dòng người di cư hiện nay.