"Phát súng" đầu tiên đã được khai hỏa trong cuộc đua để đảm bảo đủ khí đốt vào mùa Đông này và câu hỏi đặt ra là liệu EU có thể tự "giải phóng" khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga hay không.
Điểm mấu chốt là liệu EU có đủ khí đốt để vượt qua áp lực từ Nga không và đó là lý do tại sao EU muốn các nước thành viên lấp đầy kho chứa khí đốt của họ đến 80% công suất trước ngày 1/11 tới. Nghị viện châu Âu tuần trước đã ủng hộ kế hoạch này.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans nói: “Nguy cơ xảy ra sự cố cắt toàn bộ khí đốt đang trở nên thực tế hơn bao giờ hết. Đó là lý do tại sao việc thông qua quy định tích trữ khí đốt là rất quan trọng vào thời điểm hiện nay".
Rõ ràng, Điện Kremlin nhận thấy khả năng EU đạt được mục tiêu. Vì vậy, các dòng cung cấp khí đốt cho châu Âu đang giảm nhanh chóng, với 12 quốc gia EU ghi nhận việc ngừng cung cấp hoàn toàn hoặc một phần khí đốt từ Nga.
EU đang đẩy nhanh kế hoạch nạp khí dự trữ so với bình thường, với việc các quốc gia thành viên bắt đầu tăng lượng lưu trữ trước một tháng so với kế hoạch. Tổng kho chứa khí đốt trên toàn khối hiện đã được lấp đầy khoảng 55% công suất.
Nhưng điều này đang đối mặt với thách thức. Gần đây, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã giảm lượng khí đốt xuống 40% công suất dọc theo đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1), với lý do không đảm bảo thiết bị bảo trì do các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra, ảnh hưởng đến việc giao hàng tới Pháp, Italy, Áo và Đức.
Moskva khẳng định việc giảm nguồn cung là một vấn đề công nghệ thuần túy, khi người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết "không có chương trình nghị sự bí ẩn nào" đằng sau động thái này. Do đó, dòng khí đốt sẽ giảm hơn nữa vào tháng tới khi Nga đóng Nord Stream 1 vì điều Moskva thông báo là bảo trì thường xuyên.
Trong bối cảnh này, Berlin đã kích hoạt giai đoạn hai của hệ thống cảnh báo khí khẩn cấp gồm ba giai đoạn, tiến gần hơn đến việc phải phân phối khí đốt. Đức cũng đã cam kết sẽ tạm thời tăng hoạt động của các nhà máy than, cũng như Áo và Hà Lan, bất chấp các vấn đề về môi trường.
"Cắt nguồn cung cấp khí đốt là một đòn tấn công kinh tế đối với EU. Chúng ta đang đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt", Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck thừa nhận, đồng thời cảnh báo về thời kỳ khó khăn phía trước với châu Âu.
Simone Tagliapietra, nhà nghiên cứu năng lượng cấp cao tại Bruegel, cho biết nếu Nga tiếp tục vận chuyển khí đốt, EU có thể đạt được mục tiêu lưu trữ vào tháng 10 này. Nhưng nếu Moskva cắt giảm nguồn cung, việc đạt được mục tiêu sẽ là "thách thức rất lớn".
Trong khi đó, Thomas Rodgers, nhà phân tích năng lượng tại công ty tư vấn ICIS, lập luận rằng đó là bởi vì nguồn cung cấp thay thế không thể bù đắp cho lượng thiếu hụt từ Nga. Ông nói: “Bất kỳ nguồn cung cấp khí đốt bổ sung nào sẽ không đến châu Âu trong thời gian ngắn trước mắt”.
Nếu nhập khẩu từ Nga bị chặn lại, ông Rodgers cho rằng các quốc gia châu Âu sẽ buộc phải phân phối khí đốt, bắt đầu từ ngành công nghiệp và tiếp theo là sản xuất điện và sử dụng trong các khu dân cư.
Về phần mình, Alexander Gabuev, thành viên cấp cao của tổ chức tư vấn Carnegie nhận xét nếu Moskva có thể làm tổn hại nền kinh tế của EU bằng cách cắt nguồn cung cấp khí đốt, thì điều này có thể làm mất đi sự ủng hộ của công chúng châu Âu đối với Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Nếu EU không đạt được mục tiêu dự trữ khí đốt, các nước EU khó có thể tiếp tục gửi tiền và vũ khí tới Kiev.
Đồng quan điểm trên, Mikhail Krutikhin, người đồng sáng lập cơ quan tư vấn độc lập RusEnergy và là chuyên gia hàng đầu về độc quyền xuất khẩu khí đốt của Gazprom cho biết: “Xác suất rất cao - gần như 100%. Nga muốn sử dụng Gazprom như một vũ khí ngay bây giờ, trước nguy cơ EU lấp đầy kho chứa của mình".
Ông Krutikhin dự báo một đợt ngừng cung cấp quy mô lớn có thể xảy ra vào tháng 7 hoặc tháng 8 tới, cho phép Nga gây áp lực tối đa lên EU trong khi cho phép Moskva có đủ thời gian để đánh giá về các cuộc đụng độ mang tính quyết định đang diễn ra như thế nào ở miền Đông Ukraine.
Nếu mùa Đông sắp tới thời tiết lạnh giá hơn, chuyên gia Rodgers của ICIS kết luận rằng điều đó sẽ khiến các nước EU không đảm bảo sưởi ấm ngay cả khi họ đã đạt mục tiêu lưu trữ 80%.