Gã khổng lồ không thân thiện

“Trung Quốc là một gã khổng lồ không thân thiện hơn là một nước láng giềng thân thiện” là nhận định của David Koh, nhà tư vấn độc lập và là cựu thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), người đã nghiên cứu Việt Nam trong hơn 20 năm qua.

Không phải ngẫu nhiên ông David Koh đưa ra lời nhận định trên. Thực tế cho thấy đầu tháng 5/2014, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou - 981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Để bảo vệ và hỗ trợ giàn khoan trái phép này, Trung Quốc đã điều gần 100 tàu các loại trong đó có cả tàu chiến, máy bay chiến đấu.

Tàu cảnh sát biển Trung Quốc số hiệu 3411 cắt mũi tàu cảnh sát biển Việt Nam số hiệu 8003 ngày 16/5. Ảnh: Công Định-Hữu Trung/TTXVN


Những động thái này có thể là bước đi củng cố các tuyên bố chủ quyền mơ hồ ở Biển Đông, nhưng lại không phủ hợp với tham vọng củng cố và xây dựng lòng tin trong khu vực và trên thế giới của Bắc Kinh. Trung Quốc được xem như là đang sẵn sàng giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông theo cách của riêng mình.

Hành động trên của Trung Quốc cũng đặt ra câu hỏi nghiêm túc về những mục tiêu lớn hơn trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng. Đây có thể là một minh chứng cho thấy giữa lời nói và hành động của nước này là một khoảng cách rất xa. Kết quả là, nó đã khiến niềm tin của các nước láng giềng đối với Trung Quốc suy giảm một cách nghiêm trọng, dẫn đến triển vọng hợp tác và nỗ lực xây dựng một hình ảnh một Trung Quốc tích cực và có trách nhiệm bị thụt lùi.

Hành động mới đây của Bắc Kinh tại Biển Đông đang đi ngược lại những nỗ lực mới trong việc mở rộng “cành ô liu” đối với các nước ASEAN. Tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc tại Brunei và kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc. Về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), ông Lý Khắc Cường nói: “Trung Quốc sẽ làm việc với các nước ASEAN để thúc đẩy tiến trình hình thành COC một cách chủ động và thận trọng trên nguyên tắc đồng thuận. Giữa lúc chờ đợi một cơ chế giải quyết ổn thỏa, các bên liên quan trọng tranh chấp cần tích cực hợp tác theo hướng đồng khai thác”.

Cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới biểu tình phản đối hành động của Trung Quốc. Ảnh: TTXVN


Ngoài ra, ông Lý Khắc Cường còn đưa ra đề án hợp tác 7 điểm với ASEAN, cụ thể là: "Đầu tiên là hai bên xem xét khả năng ký hiệp ước láng giềng tốt, hữu nghị và hợp tác. Nếu đồng thuận và ký kết, hiệp ước này sẽ cung cấp sự bảo đảm pháp lý cho hợp tác chiến lược song phương". Bên cạnh đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã kêu gọi “hòa bình và hữu nghị” tại Biển Đông. Ông Lý Khắc Cường tuyên bố: “Chúng ta cần phải đồng lòng làm việc để biến Biển Đông thành một vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác”.

Tưởng rằng những tuyên bố trên của Thủ tướng Trung Quốc về “Bạn bè tốt, láng giềng tốt và đối tác tốt” có thể được các nhà lãnh đạo ASEAN bàn thảo và thúc đẩy tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar mới đây, nhưng hành vi của Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã đi ngược lại xu thế này, gây căng thẳng trong khu vực và khiến niềm tin đối với Bắc Kinh bị xói mòn.

Ngoài ra, việc ASEAN xem xét sáng kiến được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong tháng 10/2013 nhằm xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” cũng có thể bị cản trở.  Một vấn đề nữa là hành vi khó chịu của Trung Quốc ở Biển Đông lần này sẽ như một lời nhắc nhở mới đối với các quốc gia khác có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh về sự khó khăn như thế nào trong việc đối phó với cách thức tiếp cận của Trung Quốc ở Biển Đông.

Một số thành viên của ASEAN đã tìm cách giải quyết căng thẳng trên biển với Trung Quốc theo từng cách khách nhau, nhưng chỉ thấy Bắc Kinh ngày càng bất hợp tác và khiêu khích hơn. Philippines đã đề nghị trọng tài quốc tế để xác định tư cách pháp lý của “đường chín đoạn” mà Trung Quốc tuyên bố một cách mơ hồ ở Biển Đông. Việt Nam đã sử dụng các khuôn khổ song phương, bao gồm cả việc thiết lập đường dây nóng giữa lãnh đạo cấp cao và ký kết thỏa thuận nguyên tắc với Bắc Kinh.

Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng công xuất lớn phun vào tàu chấp pháp của Việt Nam.


Trung Quốc đang đi ngược lại dòng chủ lưu trong quan hệ với Việt Nam. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì phản đối hành động của Trung Quốc và khẳng định rằng Việt Nam sẽ "áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết và phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp" ở Biển Đông.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Bắc Kinh lại khuấy động bất ổn ở Biển Đông? Theo chuyên gia Grigory Lokshin tại Viện nghiên cứu Viễn Đông (Nga), Trung Quốc đang cố gắng khẳng định chủ quyền vô lý của họ đối với các đảo và vùng biển trên Biển Đông để giải quyết nhiệm vụ quân sự và chiến lược là đẩy Mỹ ra khỏi khu vực. Nhưng điều đó đang dẫn đến sự gia tăng căng thẳng và nguy cơ một cuộc đối đầu quân sự trong khu vực. Đó là điều không cần thiết cho bất cứ ai.


Công Thuận


Sự ‘ngạo mạn’ nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông
Sự ‘ngạo mạn’ nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông

Hành động hiện nay của Trung Quốc tại Biển Đông trước các nước láng giềng là hiếu chiến, ngạo mạn, mang tư tưởng Đại Hán và thuyết vị chủng. Những người yêu nước ở Hong Kong cần phải nhận thấy rằng: Đó là một âm mưu nguy hiểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN