Giấc mơ 'Ngân hàng BRICS' bao giờ thành hiện thực?

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước mới nổi (BRICS) diễn ra trong hai ngày 26 - 27/3 tại Nam Phi cuối cùng cũng đã “nhất trí trên nguyên tắc” thành lập một ngân hàng chung, với kỳ vọng có thể làm đối trọng với các thể chế tài chính quốc tế được cho là chịu nhiều ảnh hưởng của các nước phương Tây. Không ai phủ nhận tính khả thi của kế hoạch này, tuy nhiên, những thách thức là không nhỏ.


 

Các nhà lãnh đạo BRICS còn có những khác biệt về việc thành lập ngân hàng chung của khối. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi hội nghị kết thúc, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, Chủ tịch luân phiên của BRICS - gồm các nền kinh tế đang nổi là Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - nói rằng BRICS đã “nhất trí thành lập Ngân hàng Phát triển mới của BRICS, với số vốn ban đầu đủ để tài trợ hiệu quả cho các dự án hạ tầng”. BRICS cũng quyết định sẽ khởi động các cuộc đàm phán chính thức để có thể sớm đưa ngân hàng này vào hoạt động.

Theo kế hoạch, ngân hàng mới này sẽ được cấp vốn khoảng 50 tỷ USD, trong đó mỗi nước đóng góp 10 tỷ USD, và sau 5 năm hoạt động, ngân hàng sẽ nâng mức tổng vốn lên 4.500 tỷ USD. Việc thành lập ngân hàng mới này được xem là một cách để BRICS giành ảnh hưởng lớn hơn trên trường quốc tế, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế ngày càng nghiêm trọng ở châu Âu.


Giới chuyên gia cho rằng việc Ngân hàng Phát triển BRICS ra đời là một bước đi cụ thể nhằm hướng tới mục tiêu thiết lập một trật tự toàn cầu công bằng hơn. Một ngân hàng chung sẽ cho phép các nước BRICS có nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng và công cụ tín dụng để đối phó với các cuộc khủng hoảng như châu Âu hiện đang phải đối mặt.

 

Chặng đường dài phía trước


Tham vọng của BRICS về việc sớm thành lập một ngân hàng riêng của khối nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào các cơ quan tiền tệ phương Tây quả thực là một ý tưởng đột phá, song nó không hoàn toàn đơn giản khi vẫn còn quá nhiều việc cần giải quyết.


Bộ Tài chính của 5 nước thành viên BRICS từ tháng 3/2012 đã được giao nhiệm vụ đánh giá về tính khả thi của việc thiết lập một ngân hàng phát triển chung của khối. Tuy nhiên, kết thúc hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo khối BRICS vẫn không thể đưa ra được tuyên bố chính thức thành lập thể chế tài chính này do còn nhiều bất đồng về các vấn đề cơ bản.


Hãng tin AP (Mỹ) dẫn lời Ngoại trưởng Nam Phi Pravin Gordhan cho biết vẫn còn những “quan điểm khác biệt” về việc một ngân hàng như vậy sẽ cần bao nhiêu vốn thì đủ và các nước có nên đóng góp dựa theo khả năng tài chính của mình hay chia đều cho từng thành viên? Điều này là bởi có những quan ngại rằng nếu Trung Quốc đóng góp nhiều thì nước này sẽ “thống trị” ngân hàng mới này giống như cách mà Mỹ và EU thống trị Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF.


Ngay từ trước khi hội nghị diễn ra, Kinh tế trưởng tại WB Kauchik Basu đã cảnh báo về "một nhiệm vụ hết sức nặng nề" phía trước đối với BRICS. Còn hãng tin AFP (Pháp) dẫn lời chuyên gia nghiên cứu Peter Attard Montalto, thuộc Ngân hàng Nomura, cho rằng “phải mất ít nhất 5 năm nữa thì ngân hàng này mới có thể đi vào hoạt động”.


Trong khi đó, bà Trương Hải Băng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Thế giới thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thượng Hải, nhận định “còn rất nhiều việc cần phải làm”, chẳng hạn như việc lựa chọn địa điểm đặt trụ sở, xác định chức năng và ai đứng ra quản lý ngân hàng này.


Chỉ riêng việc lựa chọn địa điểm đặt trụ sở ngân hàng này tại nước nào cũng đã là một thách thức không nhỏ. Bà Trương Hải Băng cho rằng Trung Quốc đương nhiên muốn ngân hàng này có trụ sở chính tại Thượng Hải bởi Trung Quốc đã là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.


Tuy nhiên, phía Nga và Ấn Độ cũng có thể có suy nghĩ và nhu cầu như vậy. Do đó, địa điểm xây dựng Ngân hàng Phát triển BRICS nhiều khả năng được chấp nhận hơn cả là Nam Phi, song như vậy lại xảy ra các vấn đề liên quan tới sức ảnh hưởng và tỷ lệ vốn. Chính vì thế mà hiện vẫn chưa có đáp án trong vấn đề lựa chọn địa điểm đặt trụ sở.



Lê Hải (Tổng hợp)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN