“Thay đổi" là thông điệp mà người dân Grudia gửi đi khi bỏ phiếu cho liên minh đối lập "Giấc mơ Grudia" của tỷ phú Bidzina Ivanishvili trong cuộc bầu cử quốc hội Grudia diễn ra hôm 1/10.
Lãnh đạo liên minh đối lập Ivanishvili (thứ hai, trái) và những người ủng hộ sau khi biết kết quả ban đầu cuộc bầu cử. |
Việc cử tri bầu chọn cho phe đối lập ở Grudia cho thấy những quyết định và hành động của Tổng thống Mikheil Saakashvili và đảng cầm quyền thời gian qua không được người dân ủng hộ.
Trong cương lĩnh tranh cử, ông Ivanishvili đã tuyên bố phe đối lập Grudia chủ trương tiếp tục đường lối liên kết với Liên minh châu Âu (EU) và có quan hệ tốt đẹp hơn với nước Nga láng giềng.
Ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, ông Ivanishvili khẳng định: “Chúng ta phải bình thường hóa quan hệ với Nga". Giới phân tích cho rằng diễn biến mới trên chính trường Grudia sẽ giúp đưa hai quốc gia láng giềng này xích lại gần nhau hơn, khi điều đó đáp ứng lợi ích lâu dài của cả Nga và Grudia.
Kể từ khi Tổng thống Grudia Mikheil Saakashvili lên nắm quyền đầu năm 2004 sau sự kiện gọi là "Cách mạng nhung", quan hệ giữa quốc gia này với Nga luôn trong tình trạng "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt". Đỉnh điểm của căng thẳng là cuộc xung đột vũ trang giữa hai bên hồi tháng 8/2008, với việc Mátxcơva công nhận nền độc lập của Nam Ôxêtia và Ápkhadia, hai thực thể ly khai của Grudia, và Tbilixi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mátxcơva. Kể từ đó, quan hệ giữa Nga và Grudia đã rơi vào tình trạng gần như "đóng băng".
Tuy nhiên, thực tế cho thấy chính sách quá ngả về phương Tây nhằm "mở đường" để Grudia hội nhập sâu hơn với châu Âu, mà quay lưng thù địch với nước Nga "láng giềng gần" mà Tổng thống Saakashvili thực thi đã tỏ rõ tính "lợi bất cập hại". Là một quốc gia vùng Cápcadơ, Grudia có mối quan hệ gần gũi với Nga không chỉ về mặt địa lý, mà hai nước còn có quan hệ lịch sử và văn hóa truyền thống. Người dân hai nước từng trong thành phần Liên bang Xôviết cũng có sự gắn bó lâu đời.
Ngay cả Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen hồi đầu năm nay cũng bày tỏ mong muốn quan hệ Nga và Grudia được cải thiện hơn nữa, vì theo ông, tiến triển trong quan hệ giữa Nga và Grudia sẽ tạo thuân lợi cho việc phát triển quan hệ giữa Nga và NATO, cũng như quan hệ giữa Grudia với NATO. Quan hệ giữa Nga và NATO trên thực tế đã xấu đi sau cuộc xung đột giữa Mátxcơva với Tbilixi tháng 8/2008. Cũng từ đó, tiến trình gia nhập NATO của Grudia liên tục gặp trắc trở. Cho tới nay, bất chấp nhiều nỗ lực, Grudia vẫn chưa được tham gia kế hoạch hành động thành viên, bước khởi đầu để gia nhập NATO.
Liên minh châu Âu (EU) cũng chỉ chấp thuận bắt đầu đàm phán về một hiệp định thương mại tự do sâu rộng với Grudia sau khi nước này đồng ý không phủ quyết chống lại việc Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trước cuộc tổng tuyển cử, giới chức cấp cao Grudia đã có những tuyên bố thể hiện sự thay đổi rõ rệt, đó là duy trì sự cân bằng trong chính sách đối ngoại của mình trên cơ sở thực dụng. Đặc biệt, nhiều quan chức Grudia tỏ rõ mong muốn xây dựng mối quan hệ thân thiện với các nước láng giềng, trong đó có Nga, bởi vì mối quan hệ tốt đẹp với những quốc gia này mang lại lợi ích cho chính Tbilixi.
Quan hệ Nga - Grudia cũng đã bước đầu có những tiến triển rõ rệt. Cuối năm ngoái, hai nước đã đạt được thỏa thuận quan trọng, xóa bỏ rào cản cuối cùng trong nỗ lực gia nhập WTO của Nga suốt gần 20 năm. Hồi đầu năm nay, Tbilixi bãi bỏ các thủ tục buộc công dân Nga muốn nhập cảnh Grudia phải có thị thực, và ngay sau đó, Mátxcơva lần đầu tiên đề xuất khôi phục quan hệ ngoại giao với Grudia.
Kết quả cuộc tổng tuyển cử tại Grudia một lần nữa cho thấy xu thế xích lại gần nhau giữa Nga và Grudia là tất yếu. Thủ tướng Nga kiêm Chủ tịch đảng cầm quyền "Nước Nga thống nhất" (UR), ông Dmitry Medvedev cũng cho rằng kết quả bầu cử trên là "tín hiệu đáng mừng" vì tại cơ quan lập pháp Grudia khóa mới sẽ có "những đại diện xây dựng hơn và trách nhiệm hơn", đồng thời khẳng định UR sẵn sàng đối thoại với chính đảng cầm quyền mới ở Grudia về tương lai quan hệ giữa hai nước.
Người dân Grudia đã chọn sự thay đổi nhằm biến "giấc mơ" của họ thành hiện thực, đó là giấc mơ được sống trong thịnh vượng và yên bình tại khu vực Cápcadơ vốn đã quá nhiều bất ổn và căng thẳng. Rõ ràng là dù chính đảng nào lên nắm quyền, Tbilixi vẫn sẽ ưu tiên định hướng châu Âu, trước hết là hội nhập dần dần với EU và xác định mối quan hệ với Nga theo hướng thân thiện hơn. Có như thế, "giấc mơ" của người Grudia mới có cơ hội trở thành hiện thực.
Thanh Mai