Giai đoạn mới trong quan hệ giữa EU và Trung Á

Đối với các nước Trung Á, việc tăng cường quan hệ với EU có nguy cơ gây ra phản ứng từ Nga và Trung Quốc. Tham vọng ngày càng tăng của EU trong khu vực được Nga và Trung Quốc coi là một thách thức.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel trong cuộc họp báo bên lề Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Á lần thứ 2 ở Bosteri, Kyrgyzstan ngày 2/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo nhận định của chuyên gia Marcin Popławski tại Viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan (PISM), cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm thay đổi cách tiếp cận của EU với Trung Á (Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan). Hai năm qua, khu vực này đã trở nên quan trọng hơn đối với Brussels trong việc khai thác tiềm năng về năng lượng và giao thông. Trong thời gian này, mô hình liên lạc chính trị thường xuyên ở cấp cao nhất đã phát triển, chiến lược hợp tác được cập nhật và các dự án kinh tế mới được triển khai. Những động thái này được củng cố bởi hành động bổ sung từ các quốc gia thành viên, chủ yếu là Đức và Pháp. 

Việc làm sâu sắc thêm các mối quan hệ với EU đã trở thành cơ hội để các nước Trung Á tránh bị cô lập do cuộc xung đột ở Ukraine. Đây còn được coi là một sáng kiến ​​hấp dẫn về mặt kinh tế và ở một mức độ nào đó cũng là một sự củng cố chính trị của khu vực. Hợp tác với EU bổ sung nhưng không thay thế hoặc làm suy yếu mối quan hệ bền chặt của các nước này với Moskva và Bắc Kinh. 

Trong điều kiện hiện tại, vẫn còn chỗ cho sự hợp tác sâu sắc hơn nữa giữa EU và các nước Trung Á. Nhưng điều này sẽ phụ thuộc vào diễn biến của tình hình quốc tế, bao gồm cả kết quả của cuộc xung đột Nga - Ukraine, quyết tâm tiếp tục thúc đẩy quan hệ của EU và các nước trong khu vực, cũng như thái độ của Nga và Trung Quốc.

Thực tế là, việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine dẫn đến sự gia tăng đáng kể hoạt động của EU ở khu vực hậu Xô Viết. Trong số các quốc gia Trung Á, cuộc xung đột làm dấy lên những lo ngại về tác động và mở ra “cơ hội” để xích lại gần Brussels. Ngược lại, EU cũng đang nỗ lực mở rộng hợp tác về nguyên liệu và năng lượng với các nước trong khu vực, nỗ lực tìm kiếm nhà cung cấp thay thế Nga.

Những kế hoạch này được thể hiện trong nhiều cuộc đối thoại chính trị chuyên sâu (ví dụ: các chuyến thăm của các chính trị gia cấp cao của EU), tìm kiếm các hình thức hợp tác tối ưu và khởi xướng các dự án kinh doanh mới. Theo thời gian, mục tiêu quan trọng của EU là thuyết phục các nước trong khu vực tuân thủ chế độ trừng phạt nhằm vào Nga (Trung Á là một kênh mà phương Tây cho rằng có lợi cho Nga để lách các lệnh trừng phạt). Brussels cũng đang phát triển các sáng kiến ​​​​giao thông vận tải không có sự tham gia của Nga.

Gần hai năm tìm kiếm cách tiếp cận mới đối với khu vực đã đạt được kết quả khi Hội đồng EU thông qua Kế hoạch hành động chung vào tháng 10/2023 nhằm tăng cường mối quan hệ giữa EU và Trung Á. Trên thực tế, đây là bản cập nhật của chiến lược năm 2019, với sự phát triển được bắt đầu bằng việc nâng cấp cuộc đối thoại chính trị giữa họ lên một tầm cao hơn. Ví dụ, hai "cuộc họp cấp cao" đã được tổ chức - một điều mới lạ - với sự tham gia của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và hầu hết các nhà lãnh đạo trong khu vực.

Các vấn đề kinh tế liên quan chặt chẽ đến hợp tác năng lượng, khí hậu, môi trường và giao thông, chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong kế hoạch hành động chung mới. Chúng có thể được coi là những “kênh” hợp tác quan trọng nhất cũng như trong tương lai giữa EU và Trung Á.

Một bước quan trọng khác là cam kết của Brussels vào cuối tháng 1/2024 sẽ phân bổ 10 tỷ Euro thông qua các công cụ tài chính khác nhau để phát triển Tuyến vận tải quốc tế xuyên Caspi (TITR - còn gọi là Hành lang giữa), nối châu Âu với Trung Quốc, bỏ qua Nga qua Trung Á. Một thỏa thuận hợp tác chiến lược cũng đã được ký kết trong lĩnh vực khoáng sản quan trọng, pin và năng lượng tái tạo với Kazakhstan (tháng 11/2022) và gần đây nhất - vào tháng 4/2024 - trong lĩnh vực khoáng sản quan trọng với Uzbekistan. 

Mục tiêu của EU đối với khu vực Trung Á phù hợp với lợi ích và chính sách của các thành viên quan trọng, chủ yếu là Đức và Pháp. Đối với họ, tầm quan trọng của Kazakhstan và Uzbekistan nói riêng đã tăng lên - với tư cách là nguồn cung cấp nguyên liệu thô. Quá trình vận chuyển dầu từ Kazakhstan đến Đức qua đường ống dẫn dầu Druzhba đã bắt đầu (hợp đồng được ký kết vào tháng 6/2023) đi vào hoạt động.

Kazakhstan cũng đã củng cố vị thế là một trong ba nhà xuất khẩu dầu lớn nhất sang Pháp (năm ngoái nước này đã xuất khẩu 5,47 triệu tấn sang Pháp). Paris cũng đang nhập khẩu ngày càng nhiều uranium từ Trung Á (Kazakhstan và Uzbekistan vào năm 2022 đã cung cấp hơn 50% nguồn cung cho thị trường Pháp).

Một yếu tố quan trọng trong quan hệ song phương là các khoản đầu tư của phương Tây vào các nguồn năng lượng tái tạo, ví dụ như của tập đoàn Svevind Energy Group của Đức-Thụy Điển trong một nhà máy điện gió và mặt trời ở Kazakhstan (50 tỷ USD) hoặc của TotalEnergies SE của Pháp trong một tổ hợp tua bin gió ở nước này (1,4 tỷ USD).

Đối với các nước Trung Á, việc tăng cường quan hệ với EU có nguy cơ gây ra phản ứng từ Nga và Trung Quốc. Tham vọng ngày càng tăng của EU trong khu vực được Nga và Trung Quốc coi là một thách thức. Việc Brussels kích hoạt mối quan hệ cả chính trị và kinh tế (đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng) có khả năng ảnh hưởng đến lợi ích của họ. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Trung Á và EU sẽ không làm suy yếu vị thế của Nga và Trung Quốc trong khu vực (đặc biệt là về mặt an ninh) trong tương lai gần.

Tóm lại, do cuộc xung đột ở Ukraine, tầm quan trọng của Trung Á đối với EU đã tăng lên. Sự "xoay trục" tới khu vực có thể thấy rõ dưới góc độ tham vấn chính trị và các sáng kiến ​​mới. Đây là một phần trong hoạt động mở rộng hơn của Brussels trong khu vực hậu Xô Viết.

Việc tăng cường quan hệ của các nước trong khu vực với EU mang lại cho họ cơ hội hiện đại hóa. Điều này không chỉ quan trọng đối với Kazakhstan mà còn đối với các quốc gia khác, bao gồm cả Uzbekistan, những quốc gia đang ở giai đoạn đầu của cải cách kinh tế. Họ tập trung vào việc tận dụng lợi thế cả về mặt kinh tế (giao dich thương mại) và chiến lược (đa dạng hóa thị trường và tuyến đường vận chuyển, tiếp cận công nghệ). 

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo pism.pl/en)
Nỗi lo của Nga từ việc Trung Á tìm cách thu hút thương mại và đầu tư phương Tây
Nỗi lo của Nga từ việc Trung Á tìm cách thu hút thương mại và đầu tư phương Tây

Các quốc gia Trung Á đang đơn giản hóa thủ tục hải quan để thu hút nhiều thương mại và đầu tư từ phương Tây hơn. Nhưng Moskva lo ngại rằng thương mại tự do hơn ở Trung Á sẽ tạo điều kiện cho việc mở rộng mạng lưới kinh doanh “bỏ qua” Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN