Giải pháp nào cho khủng hoảng Ukraine?

Bất chấp các cuộc giao tranh tại miền Đông Ukraine đang leo thang với việc các tay súng ly khai giành quyền kiểm soát nhiều khu vực gần biên giới với Nga và một số căn cứ quân sự tại Lugansk, người ta vẫn hy vọng về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này.

 

Xung đột vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu tại miền Đông Ukraine.

Tại lễ kỉ niệm D - Day (ngày quân đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandy - Pháp), Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin đã có những lời lẽ cảnh báo lẫn nhau. Dù vậy, dư luận vẫn có thể hy vọng một thỏa thuận cuối cùng có thể giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Các bên tham gia thỏa thuận, gồm Ukraine, Nga, Mỹ, Đức và Pháp, cần nhận thức đầy đủ tình hình thực tế đang diễn ra tại Ukraine. Hai mươi năm kể từ khi trở thành một quốc gia độc lập, sau sự sụp đổ của Liên Xô, Ukraine đang ngày một suy kiệt. Từ chỗ có thu nhập đầu người bằng với Belarus, hiện nay con số này của Ukraine tụt xuống chỉ bằng 1/2 so với quốc gia láng giềng.


Trong lịch sử, Ukraine từng là một phần lãnh thổ của Nga. Về địa lý, Ukraine có chung đường biên giới rất dài với Moskva. Cộng đồng người Nga là cộng đồng thiểu số lớn nhất tại Ukraine. Về kinh tế, Nga là đối tác lớn nhất của Ukraine, cung cấp đến 60% nhu cầu khí đốt và 1/2 nguyên liệu thô cho nước này và cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Ukraine. Tất cả các biện pháp hỗ trợ mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dành cho Ukraine khó có thể được thực hiện nếu không được sự đồng ý của Nga. Nói cách khác, để trở thành một đất nước theo mô hình hiện đại, Ukraine cần có sự chấp thuận và hợp tác của cả Nga lẫn các nước láng giềng thân phương Tây.


Để giải quyết cuộc xung đột hiện nay tại miền Đông, ổn định tình hình chính trị cũng như cải thiện nền kinh tế suy kiệt hiện nay của Ukraine, cần đến một nhóm các giải pháp sau đây:


Thứ nhất, Ukraine cần thực hiện nghiêm túc cam kết đã được nhắc đến trong Tuyên bố Độc lập của mình, đó là giữ vững tình trạng trung lập, không tham gia vào bất kỳ liên minh quân sự nào. Khi đó, với tư cách là một quốc gia độc lập và trung lập về chính trị cũng như quân sự, Ukraine sẽ không trở thành thành viên NATO và cũng không tham gia vào liên minh nào do Nga lãnh đạo.


Thứ hai, Ukraine có thể tự do tham gia những hiệp ước kinh tế với cả EU và Nga, nhưng phải dựa trên nguyên tắc không phân biệt đối xử. Điều quan trọng là các hiệp định này phải cấm hoàn toàn việc buôn bán chênh lệch giá, nghĩa là Ukraine mua khí đốt hoặc nguyên liệu thô từ Nga với giá thấp hơn giá thị trường rồi tái xuất sang EU với giá cao hơn.


Thứ ba, chính quyền trung ương Ukraine có thể chia sẻ thêm quyền lực với các chính quyền địa phương, cho phép họ tổ chức bầu thống đốc (giống như nhiều nước khác vẫn làm), và đưa ra những lựa chọn về chính trị sát với mong muốn của người dân, những người thực sự nắm quyền lực chính trị.


Thứ tư, Ukraine phải đáp ứng được những tiêu chuẩn cao nhất của châu Âu về quyền lợi của các nhóm dân tộc thiểu số, kể cả quyền sử dụng tiếng Nga như ngôn ngữ thứ hai tại các trường học cũng như công việc chính thức ở một số khu vực.


Thứ năm, với sự hợp tác của một số quốc gia và Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE), giải giáp các nhóm vũ trang và "tự vệ" không hợp pháp tại cả miền Đông và Tây Ukraine. Ân xá cho những người phạm pháp, trừ những trường hợp đã bị buộc tội giết người.


Thứ sáu, như đề nghị của tân Tổng thống Petro Poroshenko, các nước phương Tây cần ký một thỏa thuận mới công nhận những lo ngại về an ninh của Ukraine, cũng như tôn trọng sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước này.


Tuy nhiên, việc thực hiện các nhóm giải pháp trên không phải dễ dàng, cần có sự thỏa hiệp, thậm chí sẽ là những thỏa hiệp khó khăn. Mặc dù cả tân Tổng thống Poroshenko và các nhà lãnh đạo phương Tây đều không chấp nhận việc Nga sáp nhập Crimea song thực tế này là khó có thể bị đảo ngược trong tương lai gần.

 

Phạm Phú Phúc (Theo The National Interest)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN