Theo trang Asia Times, sự thay đổi trong chiến lược của Hàn Quốc đã được giới chức chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân giới thiệu trong cuộc hội thảo với các phóng viên nước ngoài tại Seoul hôm 15/10.
Những bức tranh lớn mà Hàn Quốc đang nỗ lực vẽ lên nằm trong hai lĩnh vực chính sách chính, gồm: Gói kích thích hậu đại dịch "Korean New Deal" (Chính sách Kinh tế Mới phiên bản Hàn Quốc) cải tiến, đã được tăng ngân sách và chẻ làm ba trụ cột; và kích thích đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Hàn Quốc thế kỷ 21 giống như một tập đoàn kinh tế đa dạng và linh hoạt, với các sức mạnh cốt lõi ở nhiều lĩnh vực lấy tương lai là trọng tâm.
Trong Chỉ số Đổi mới 2021 của Bloomberg, Hàn Quốc đã giảnh vị trí số 1 tổng thể, và là lần thứ bảy giành vị trí này trong 9 năm qua. Bloomberg cho rằng Hàn Quốc là quốc gia có hoạt động cấp bằng sáng chế sôi nổi nhất thế giới, đứng thứ hai về cường độ nghiên cứu - phát triển (R&D) và là quốc gia nổi bật thứ tư về các cụm công nghệ cao. Họ cũng là người chơi xuất sắc thứ hai trên toàn cầu về sản xuất gia tăng giá trị. Hàn Quốc sản xuất 78,1% màn hình OLED dẻo của thế giới, 71,6% bộ nhớ DRAM và 34,7% pin ô tô điện.
“Đừng bao giờ để khủng hoảng trôi qua một cách lãng phí”
Đó là câu thần chú khắc sâu trong tim các nhà lãnh đạo cao cấp của Hàn Quốc. Với phương châm đó, giữa năm 2020 (ngay giữa giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19), Tổng thống Moon Jae-in đã công bố kế hoạch “Korean New Deal”, với mục đích coi đại dịch như một bàn đạp để hồi phục và phát triển mạnh hơn.
Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Lee Boe-ine, Tổng giám đốc phụ trách “Korean New Deal” cho biết, kế hoạch này là phản ứng của Seoul đối với những thách thức từ trước và trong đại dịch. Kế hoạch này ban đầu đặt mục tiêu chi 160 nghìn tỷ won (135 tỷ USD) tiền mặt cho đến năm 2025, nhằm tạo ra 1,9 triệu việc làm.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Lee, “Korean New Deal” sau đó đã được điều chỉnh khi các thực tế mới xuất hiện.
“Korean New Deal 2.0” được hình thành vào tháng 7 năm nay, chia gói kích thích này vào ba trụ cột, gồm: “Kế hoạch Kỹ thuật số Mới” (Digital New Deal), “Kế hoạch Xanh Mới” (Green New Deal) và “Kế hoạch Con người Mới” (Human New Deal). Gói kích thích đã được mở rộng lên 220 ngàn tỉ won (186 tỉ USD) và hy vọng tạo ra 2,5 triệu việc làm.
Kế hoạch Kỹ thuật số Mới
“Kế hoạch Kỹ thuật số Mới” nhằm mục đích đẩy mạnh hệ sinh thái cho “DNA”, gồm Dữ liệu (Data), Mạng (Networks) và AI (trí tuệ nhân tạo). Trụ cột này bao gồm phát hành 140.000 bộ dữ liệu và mở rộng tích hợp AI và 5G vào tất cả các ngành công nghiệp.
Các chính sách mới sẽ hỗ trợ các công ty tích hợp công nghệ thông tin, bao gồm cả các robot siêu tốc và thông minh cũng như thúc đẩy các công nghệ số cơ bản gồm điện toán đám mây, chuỗi khối và Internet Vạn vật.
Giáo dục trực tuyến và đào tạo việc làm sẽ nhận được sự hỗ trợ của chính phủ và một chương trình lớn về số hóa cơ sở hạ tầng quốc gia - đường cao tốc, cảng và các khu liên hợp công nghiệp - sẽ được thực hiện.
Kế hoạch Xanh Mới
“Kế hoạch Xanh Mới” sẽ thiết lập một nền tảng trung hòa carbon để đánh giá và hỗ trợ ngành công nghiệp cũng như thúc đẩy quá trình hấp thụ carbon. Một lưới điện thông minh sẽ nâng cấp trình độ quản lý năng lượng quốc gia và thúc đẩy năng lượng tái tạo - những lĩnh vực mà Hàn Quốc thường bị tụt hậu. Ngoài ra, một chương trình toàn quốc về cải tạo các tòa nhà cũ nhằm thúc đẩy hiệu quả hóa năng lượng sẽ được thực hiện và các sáng kiến xanh, thông minh sẽ được ứng dụng vào các trường học.
Kế hoạch Con người Mới
Trụ cột thứ ba “Kế hoạch Con người Mới” nhằm giải quyết những bức xúc lan rộng trong xã hội Hàn Quốc về bất bình đẳng giàu nghèo. Tình trạng này đã được phản ánh sâu sắc thông qua bộ phim đoạt giải Oscar “Ký sinh trùng” cũng như series phim sinh tồn của Netflix “Squid Game”.
Hoạt động đào tạo về AI, phần mềm và công nghệ xanh sẽ được cung cấp cho 120.000 cá nhân. Kế hoạch về con người cũng cung cấp hỗ trợ tài chính cho tầng lớp thanh niên trong những chi phí “đáng sợ” hiện nay như nhà ở và giáo dục. Một hệ thống bảo hiểm việc làm toàn dân sẽ được thiết lập và các chính sách mới sẽ được ban hành để giảm thiểu khoảng cách về giáo dục và chăm sóc y tế trong xã hội.
Thu hút FDI
Hàn Quốc không chỉ dựa vào thương mại trong nước, họ cũng đang tìm kiếm vốn nước ngoài. Sau khi đạt được mức FDI cao nhất trong 10 năm là 17,5 tỉ USD vào năm 2018, con số này đã giảm xuống 13,4 tỉ USD trong năm 2019 và 11,4 tỉ năm 2020, đầu tư nước ngoài vào Hàn Quốc đã đi vào quỹ đạo tăng trở lại, với 11,7 tỉ USD chỉ trong 3 quý đầu năm 2021.
Hàn Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích FDI, như hỗ trợ tiền mặt, tiền thuê nhà, miễn giảm thuế và thanh tra đầu tư, hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết khiếu nại...
Một chiến lược khác nhằm thu hút FDI mà Hàn Quốc áp dụng là Khu Kinh tế Tự do (FEZ), nơi các quy định được nới lỏng kèm theo các biện pháp khuyến khích đầu tư và kinh doanh. CHương trình này thành hình từ năm 2003, và hiện có 9 FEZ trên toàn Hàn Quốc. Trong số đó, có lẽ nổi tiếng nhất là FEZ Incheon, một phần của thành phố Incheon, chuyên về dược phẩm sinh học, dịch vụ hậu cần.
FEZ Busan Jinhae ở đông nam Hàn Quốc nổi tiếng với cảng hàng đầu của đất nước và chuyên về hậu cần, vận tải và các thành phần máy móc tích hợp. Khu sinh thái tự do Ulsan, với “thị trấn Hyundai” là nơi đặt nhiều nhà máy ô tô và phụ tùng ô tô của Hyundai Motor, cũng như nhà máy đóng tàu khổng lồ của Hyundai Heavy. FEZ Ulsan được lên kế hoạch trở thành trung tâm năng lượng hydro của Hàn Quốc.