Theo hãng tin AFP, gần hai tháng sau khi dịch bệnh bùng phát, mức độ lo lắng của xã hội Hàn Quốc nói chung đã giảm bớt vì số ca mắc COVID-19 mới trong những ngày gần đây chỉ nằm trong khoảng 80 - 90, thấp hơn nhiều so với hàng trăm ca nhiễm mới được báo cáo mỗi ngày trong hầu hết tháng 2. Tại thời điểm đáng sợ nhất của trận dịch, Hàn Quốc đã ghi nhận 909 ca lây nhiễm mới vào ngày 29/2. Lúc này cảnh giác vẫn là rất cần thiết, nhưng không cần phải hoảng sợ.
Seoul dần trở lại cuộc sống bình thường
Tại Seoul, thủ đô vốn luôn sầm uất, một cảm giác bình thường một cách thận trọng đã trở lại. Tiếng trẻ em chơi đùa vang lên trong công viên sau những ngày im ắng. Trên các kệ xà phòng rửa tay ở siêu thị, hàng hóa không chỉ đầy đủ, mà xà phòng diệt khuẩn thậm chí còn được giảm giá đặc biệt.
Nhiều cửa hàng cà phê trong khu vực thương mại của Seoul đã có lượng khách hàng ổn định, thậm chí có một số người không đeo khẩu trang khi ra ngoài đi bộ.
Những cảnh báo điện thoại di động chói tai từ chính quyền địa phương, nhắc công chúng thông tin chi tiết các ca nhiễm bệnh mới trong khu vực, đã thưa thớt hơn nhiều.
Hàn Quốc, đất nước vốn được truyền thông nước ngoài nhắc đến chủ yếu về xuất khẩu văn hóa hay các thông tin liên quan đến nước láng giềng Triều Tiên, giờ lại thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế về một vấn đề hoàn toàn khác.
Các nhà quan sát quốc tế bắt đầu quan tâm: Làm thế nào Hàn Quốc, từ một đất nước trong tình trạng báo động cao về dịch COVID-19, trở thành “hình mẫu” đáng học hỏi trong kiểm soát dịch bệnh. Vậy đâu là lý do?
Quyết liệt "làm phẳng đường cong dịch bệnh"
Như nhiều nhà quan sát quốc tế nhận định, Hàn Quốc đã rất quyết liệt trong tổ chức xét nghiệm đại trà virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19. Quốc gia 51 triệu dân này đã tiến hành gần 20.000 xét nghiệm mỗi ngày, với 3.692 xét nghiệm/1 triệu dân, cho đến nay là tỉ lệ cao nhất trên thế giới.
Công chúng Hàn Quốc cơ bản đã phản ứng với dịch COVID-19 một cách kỷ luật và kiềm chế, tuân thủ các hướng dẫn về giữ gìn vệ sinh và tránh tụ tập đông người. Gần như toàn bộ các sự kiện công cộng ở Hàn Quốc bị hoãn, hủy, mọi người làm việc ở nhà nếu có thể.
Trong khi đó, giới chức y tế duy trì liên lạc chặt chẽ với cộng đồng, liên tục công bố diễn biến dịch bệnh và chia sẻ các hướng dẫn để người dân giữ gìn sức khỏe.
Hàn Quốc cũng có thuận lợi là có nền dân số học vấn cao, cộng với một số lượng lớn các nhân viên y tế. Văn hóa biết hy sinh, chịu đựng trong những thời kỳ khó khăn đã giúp họ duy trì được những giờ lao động chiến đấu với dịch bệnh kéo dài.
Cuộc chiến chưa kết thúc
Dù được đánh giá là thành công, cuộc chiến chống đại dịch của Hàn Quốc vẫn chưa kết thúc. Từ khi trường hợp đầu tiên được ghi nhận hồi tháng 1/2020 cho tới nay, phần lớn số ca mắc bệnh đều tập trung ở thành phố Daegu, cách Seoul vài giờ lái xe, tuy nhiên vẫn có những “cụm lây nhiễm” được phát hiện ở khu vực thủ đô Seoul.
Một "cụm lây nhiễm" như vậy đã xảy ra ngay tại tổng đài chăm sóc khách hàng của một công ty bảo hiểm ở trung tâm giao thông quan trọng phía Tây Nam thành phố, và một cụm khác tại một nhà thờ ở ngoại ô Nam Seoul.
Giới chức Hàn Quốc vẫn lo ngại nếu những ca lây nhiễm ở những khu vực có mật độ dân cư cao của Seoul không được kiềm chế, dịch COVID có thể lây lan vượt tầm kiểm soát và sẽ áp đảo các cơ sở y tế công cộng ở nước này.
Tới nay, cách phản ứng đặc trưng của chính phủ Hàn Quốc, bao gồm ngăn ngừa, phát hiện, khoanh vùng và dập dịch đã giúp họ đảm bảo các “cụm lây nhiễm” này đều trong tầm giám sát.
Phương Tây học hỏi được gì
Nhìn chung, trong hoạt động kiềm chế sự lây lan của COVID-19, Hàn Quốc đã làm tốt.
Bên cạnh các nỗ lực của chính quyền, thành công của Hàn Quốc còn có được dựa trên một yếu tố là văn hóa tập thể. Bất cứ ai đã có thời gian sống ở Hàn Quốc đều có thể nhận thấy văn hóa tập thể tại đây đôi khi trở nên ngột ngạt, bởi nó có thể khiến nhiều người chịu áp lực phải làm việc theo cách nào đó để không làm đảo lộn sự hòa hợp của tập thể.
Nhưng cách suy nghĩ như vậy lại rất hữu ích trong thời kỳ khủng hoảng, khi cá nhân biết tuân thủ một cách tự nhiên các quy tắc ứng xử để bảo vệ lợi ích chung. Nếu bất cứ ai ở Hàn Quốc khoe khoang trên truyền thông xã hội về việc bất chấp quy định giãn cách xã hội, họ sẽ không chỉ bị chế giễu mà còn bị coi là một mối đe dọa tới sức khỏe cộng đồng.
Các nước phương Tây đang thắc mắc rằng liệu họ có thể “sao chép” sự thành công của Hàn Quốc hay không. Theo AFP, điều này sẽ đòi hỏi một sự thay đổi về các giá trị và quy tắc cư xử xã hội.
Việc nhiều nước phương Tây bị cho là chủ quan trong phản ứng ban đầu với thông tin về sự lây lan dịch bệnh không phải là điều gây ngạc nhiên. Các xã hội phương Tây đề cao chủ nghĩa cá nhân, dẫn tới việc nhiều người cho rằng họ - với tư cách là các cá nhân – bằng cách nào đó vẫn an toàn trước rủi ro chung, rằng dịch bệnh có thể tấn công những người già, người có bệnh lý nền, còn họ sẽ không bị ảnh hưởng.
Nhiều người Hàn Quốc ít nhất đã có trải nghiệm (kể cả gián tiếp) về chiến tranh và suy thoái kinh tế; họ hiểu diễn biến tình hình có thể vượt khỏi tầm kiểm soát bất chấp những nỗ lực tốt nhất. Nhưng nhiều nơi trong thế giới các nước phát triển lại không có những kinh nghiệm như vậy.
Một yếu tố khác là dịch COVID-19 có nguồn gốc từ Đông Á. Trong khi thế giới vẫn có những định kiến về tình trạng tiêu thụ động vật hoang dã và vệ sinh không sạch sẽ ở khu vực này, một số người có tư duy sai lầm rằng bạn không có khả năng lây virus nếu không tham gia vào những hoạt động như vậy. Tư duy này, cùng với các lệnh cấm du lịch và khoảng cách địa lý, ban đầu đã củng cố một cảm giác an toàn sai lầm trong thế giới phương Tây.
Lúc này, khi Trung Quốc, tâm chấn ban đầu của dịch, đang ghi nhận một chuỗi ngày gần đây không có ca nhiễm COVID-19 mới ở nội địa (mà chủ yếu là các ca trở về từ nước ngoài), thì Mỹ và châu Âu đang trở thành những chiến trường chính của cuộc chiến chống đại dịch.
Vì vậy, trong khi người Hàn Quốc có thể muốn thư giãn và tự chúc mừng, thì các quan chức hiểu rằng điều đó là quá sớm. Các biện pháp phòng ngừa vẫn được áp dụng và các ca nhiễm mới vẫn đang được báo cáo.