Đối đầu ngoại giao giữa Nga và Mỹ "được" nâng lên cấp độ mới khi ngày 31/8 Washington yêu cầu Moskva đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại thành phố San Francisco thuộc tiểu bang California cùng 2 cơ sở Thương vụ tại thủ đô Washington và thành phố New York.
Văn phòng thị thực tại Tổng lãnh sự quán Nga ở San Francisco, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN |
Đây không phải là hành động bất ngờ đối với Nga, mà trái lại Moskva biết chắc Washington nhất định có biện pháp "trả đũa" quyết định trước đó của Điện Kremlin cắt giảm số nhân viên ngoại giao Mỹ tại nước này. Phản ứng trước động thái trên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bày tỏ lấy làm tiếc về tình trạng "căng thẳng leo thang không phải do lỗi của Nga", đồng thời khẳng định sau khi phân tích kỹ lưỡng Moskva sẽ đưa ra “câu trả lời”.
Trong khi đó, giới tinh hoa chính trị ở Nga đều bày tỏ sự bất bình trước động thái mới này của Mỹ. Chủ tịch đảng Cộng sản LB Nga (KPRF) Gennady Zyuganov tuyên bố rằng việc yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán của Nga tại Mỹ cho thấy cuộc “Chiến tranh Lạnh” giữa hai nước đã bước vào giai đoạn gay gắt mới, mà hậu quả của nó có thể sẽ thảm khốc hơn nhiều.
Theo ông Zyuganov, chính sách của chính quyền Mỹ hiện nay nhằm đối đầu với Nga, do đó, Moskva cần phải chuẩn bị các biện pháp đáp trả “thích đáng”. Chia sẽ quan điểm này, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Đuma quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky nhận định “đòn tấn công” mới của Mỹ là “giai đoạn nóng của cuộc chiến tranh ngoại giao”.
Trên thực tế, khơi mào cho những hành động ngoại giao mang tính chất "ăn miếng trả miếng" hiện nay trong quan hệ giữa Nga và Mỹ là các chính sách của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Vào cuối năm 2016, khi nhiệm kỳ tổng thống chỉ còn tính từng ngày, ông Obama đã quyết định trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và tịch thu một số tài sản ngoại giao của nước này ở Mỹ.
Những động thái này đã "làm khó” Tổng thống Donald Trump, người không ít lần công khai tuyên bố mong muốn cải thiện quan hệ với Moskva. Hy vọng khi ông Trump lên nắm quyền mối quan hệ Nga – Mỹ thoát được tình trạng bế tắc nên lúc đó Moskva không đáp trả “nỗ lực cuối cùng” của ông Obama.
Tuy nhiên, sau hơn nửa năm chờ đợi, bế tắc trong quan hệ với Mỹ không những không được khai thông, mà còn lún sâu vào vòng xoáy khủng hoảng, nên buộc Nga phải hành động. Nga yêu cầu Mỹ giảm số lượng nhân viên ngoại giao đang hoạt động tại Nga, đồng thời tịch thu một số tài sản ngoại giao của Mỹ ở Moskva. Ngay sau đó, hai viện Quốc hội Mỹ thông qua các biện pháp phạt Nga và được Tổng thống Trump ký ban hành.
Logic phát triển mới trong quan hệ Nga – Mỹ đã được hình thành: “Không đáp trả - đồng nghĩa đánh mất thể diện”, mỗi động thái mới của bên này sẽ dẫn đến biện pháp đáp trả không kém phần gay gắt bên còn lại. Nếu theo “quy trình” này, thì việc Nga sẽ không khoanh tay đứng nhìn trước việc lãnh sứ quán nước này ở Mỹ bị đóng cửa, cũng là điều dễ hiểu.
Điều này đồng nghĩa với cuộc “chiến tranh ngoại giao” giữa Nga và Mỹ chưa biết đến khi nào mới thấy được “ánh sáng cuối đường hầm”.
Giới phân tích cho rằng với việc Quốc hội Mỹ “luật hóa” các biện pháp trừng phạt Nga, cũng như sự giới hạn của Tổng thống Trump trong thực thi chính sách đối ngoại, hy vọng bình thường hóa quan hệ Nga – Mỹ trên thực tế đã trở nên khá xa vời. Thay vào đó, sự đối đầu giữa Moskva và Washington đang có xu hướng mở rộng và gia tăng.
Từ điểm nóng Bán đảo Triều Tiên, đến tình hình ở Lybia, Syria, Afghanistan hay cuộc xung đột Israel – Palestin…Nga và Mỹ vẫn “đường ai nấy đi”. Hiện, lập trường của hai bên về hầu hết các vấn đề khu vực và quốc tế đang trong tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
Leo thang căng thẳng trong quan hệ Nga – Mỹ không chỉ làm gia tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa hai nước tại các điểm nóng như Syria, Lybia, Afghanistan… mà còn tác động tiêu cực tới tình hình an ninh khu vực và thế giới. Là hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới, Nga và Mỹ được coi là “lá chắn” đảm bảo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) thực thi nghiêm túc.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh gần đây vấn đề hạt nhân của Triều Tiên khiến cộng đồng thế giới phải theo dõi với sự quan ngại sâu sắc.
Nếu không được kiềm chế kịp thời nhờ sự nỗ lực chung của các nước lớn, trong đó có Nga và Mỹ, những hành động của Triều Tiên rất dễ kích động một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trong khu vực. Hơn nữa, thiếu đi sự hợp tác kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ sẽ làm tăng rủi ro vũ khí giết người hàng loạt này rơi vào tay những kẻ khủng bố quốc tế.
Bên cạnh đó, thế giới đang phải đối mặt với không ít mối đe dọa như chủ nghĩa khủng bố và cực đoan, tấn công mạng, tội phạm có tổ chức xuyên biên giới, biến đổi khí hậu … cũng như những thách thức phi truyền thống khác rất cần sự hợp tác chặt chẽ giữa Nga và Mỹ để giải quyết.
Sự hợp tác chặt chẽ giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới như Nga và Mỹ góp phần quan trọng củng cố an ninh hòa bình và ổn định thế giới. Do đó, cộng đồng quốc tế kỳ vọng Moskva và Washington sẽ không bị lún sâu vòng xoáy khủng hoảng, sớm tìm được lối thoát cho tình trạng bế tắc hiện nay và quay lại con đường hợp tác cùng phát triển.