Có lẽ, ông Bovenschulte không phải là người duy nhất có những suy nghĩ như vậy. Nước Đức thực sự đang trải qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch. Làn sóng lây nhiễm thứ ba bùng phát từ cuối tháng 2 khiến quốc gia đầu tàu châu Âu phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Sau giai đoạn lên tới đỉnh điểm cuối tháng 12/2020 và giảm mạnh thời gian kế tiếp, trong khoảng một tháng rưỡi qua, số ca lây nhiễm mới liên tục tăng, mũi tên chỉ số lây nhiễm hằng ngày luôn đỏ rực và chếch lên 45 độ.
Theo thông báo của Viện Dịch tễ Robert Koch (RKI) ngày 12/4, kể từ trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên ở Đức hôm 27/1/2020, số ca lây nhiễm đến nay đã vượt 3 triệu ca với khoảng 78.500 ca tử vong. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phải thừa nhận tình hình đặc biệt nghiêm trọng với làn sóng lây nhiễm thứ ba, đồng thời cảnh báo cần phải nhanh chóng kiểm soát tình trạng lây nhiễm, khi mà biến thể phát hiện ở Anh đã chiếm gần 90% tổng số các ca mắc mới. Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh: "Phải nói rằng, làn sóng lây nhiễm thứ ba hiện nay có lẽ là nghiêm trọng nhất đối với nước Đức".
Theo bà, nền kinh tế Đức đang được chia thành hai, một bên là ngành công nghiệp chứng tỏ được sức mạnh trong khủng hoảng, bên còn lại là ngành dịch vụ lại chịu ảnh hưởng nặng nề do những hạn chế để chống dịch. "Vũ khí" được coi là quan trọng nhất để phá vỡ làn sóng lây nhiễm là tiêm chủng, trong khi xét nghiệm rộng rãi được ví như "cây cầu an toàn" cho tới khi việc tiêm chủng phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo việc tiêm chủng nhanh chóng cho người dân cũng chưa thể đảm bảo rằng sẽ không xuất hiện thêm các biến thể mới lây lan trên thế giới, có khả năng vô hiệu hóa hoặc làm giảm hiệu quả của những vaccine hiện có. Do vậy, theo nhà lãnh đạo Đức, việc kiểm soát đại dịch thành công đòi hỏi một cách tiếp cận chung của cộng đồng toàn cầu và đại dịch sẽ chưa thể bị đánh bại cho đến khi người cuối cùng được tiêm phòng.
Trở lại với tình hình dịch bệnh ở Đức, nếu trong 2 tháng đầu năm, mỗi ngày chỉ có từ 5.000-10.000 ca nhiễm mới thì những ngày qua, con số này đã tăng lên 20.000-25.000 ca/ngày và được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên thời gian tới. Trong khi đó, tốc độ tiêm chủng ở Đức vẫn khá chậm, dù đã được đẩy mạnh hơn với sự tham gia của hệ thống các phòng khám và bác sĩ gia đình. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng cuối tháng 12/2020, đến nay, nước Đức với dân số trên 83 triệu người mới tiêm chủng được mũi thứ nhất cho trên 13 triệu người và 5 triệu người được tiêm đủ 2 mũi.
Theo một lộ trình gần như cố định kể từ đầu dịch, cứ từ 3 đến 4 tuần, chính quyền liên bang và các bang ở Đức lại nhóm họp để xem xét tình hình dịch bệnh thực tế nhằm điều chỉnh các biện pháp phòng dịch. Những "nghị quyết" về biện pháp chống dịch thường xuyên được ban hành, song hầu như chỉ để có, bởi nhiều bang không thực hiện theo những quy định này. Đơn cử như quy định “kéo phanh khẩn cấp” nếu chỉ số lây nhiễm ở địa phương vượt quá 100 trong 7 ngày/100.000 dân hầu như không được các bang tuân thủ. Đạo luật Phòng chống lây nhiễm của Đức trao quyền lực thực sự cho chính quyền các bang thay vì chính phủ liên bang. Chính phủ chỉ có thể ra khuyến nghị hay kêu gọi các bang thực hiện mà không thể ràng buộc các bang. Cũng chính vì lý do này, các nghị quyết được chính phủ liên bang và các bang thông qua mỗi lần họp chỉ mang tính tham khảo, không ràng buộc về pháp luật để thực hiện trên cả 16 bang.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay, có bang muốn siết chặt phong tỏa hơn nữa, có bang thấy những biện pháp hiện tại là đủ, trong khi có bang lại muốn nới lỏng và thậm chí đã dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế. Tình trạng chồng chéo và không nhất quán ở các bang trong việc thực thi các biện pháp chống dịch khiến công tác khống chế dịch rất khó khăn. Trong khi đó, hệ thống các y bác sĩ, các bệnh viện, nhất là những đơn vị chăm sóc tích cực, đã phải kêu cứu. Họ cho rằng nếu không hành động ngay, không siết chặt phong tỏa, các bệnh viện sẽ nhanh chóng quá tải, không còn giường bệnh cho những bệnh nhân nặng.
Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội y khoa thế giới (WMA) Frank Ulrich Montgomery cảnh báo nếu Đức không thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt mà tiếp tục chống dịch với những biện pháp nửa vời hiện nay, số ca lây nhiễm sẽ gia tăng không thể kiểm soát và sẽ có hàng loạt người tử vong, với con số dự đoán lên tới 200.000 người.
Thủ tướng Merkel từng tuyên bố hậu quả của dịch bệnh cuối cùng sẽ thuộc về trách nhiệm của chính phủ liên bang. Do vậy, việc các bang không tuân thủ cam kết trong các nghị quyết đã buộc người đứng đầu Chính phủ Đức phải có bước đi mạnh và kiên quyết hơn, đó là sửa đổi luật để cho phép liên bang có quyền áp đặt biện pháp thực thi ràng buộc với các bang. Nội các Đức đã soạn thảo một dự luật mới có tên gọi “Luật Hãm phanh khẩn cấp”, theo đó những quận/huyện có chỉ số lây nhiễm trên 100/100.000 dân bắt buộc phải thực hiện phong tỏa với các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Dự luật này sẽ sớm được nội các thông qua để trình quốc hội phê chuẩn dự kiến vào nửa cuối tháng 4/2021. Luật này cũng sẽ mở rộng Đạo luật Phòng chống lây nhiễm hiện nay, gia tăng quyền lực cho chính phủ liên bang đối với các bang.
Thực tế, Luật Hãm phanh khẩn cấp có phần lớn nội dung đã được chính quyền trung ương và các bang thống nhất trước đó, song không được thực thi triệt để do các nghị quyết không ràng buộc về mặt pháp lý. Do vậy, có thể nói nước Đức chưa bao giờ có một lệnh phong tỏa đúng nghĩa. Một khi luật mới có hiệu lực, một quận/huyện có chỉ số lây nhiễm vượt mức 100 thì các biện pháp “hãm phanh” sẽ tự động được kích hoạt và điều đó là bắt buộc. Ngoài ra, các khu vực này cũng sẽ phải ban bố lệnh giới nghiêm từ 21h đến 5h sáng; các cuộc gặp gỡ chỉ hạn chế với một người ngoài gia đình và tối đa 5 người; các trường học, cơ sở bán lẻ, nhà hàng, công viên, nhà hát,... sẽ phải đóng cửa.
Tuy nhiên, dự luật này cũng đang vấp phải những ý kiến phản đối, cho rằng khó có thể "đóng đinh" một quy định chung khi mà tỷ lệ lây nhiễm là không đồng đều ở các khu vực. Ngoài ra, những bang đã tự giác thực hiện "hãm phanh khẩn cấp" khi chỉ số lây nhiễm vượt quá 100 không hề muốn bị áp một quy định ràng buộc từ trên xuống, bởi như vậy chẳng khác gì "tước quyền" vốn có hiện nay của họ. Việc áp đặt giới nghiêm cũng tạo ra những câu hỏi về vấn đề tự do cá nhân ở Đức. Thủ hiến Bremen Bovenschulte từng cảnh báo các quy định phòng chống COVID-19 giống như những chiếc đinh vít và không nên siết chặt quá. Chính trị gia đảng SPD đưa ra ví von này nhằm cảnh báo việc áp đặt những quy định ngặt nghèo như vậy có nguy cơ làm "cháy ren" nếu siết quá mạnh. Tuy vậy, với tình trạng hỗn độn hiện nay cùng sự không đồng nhất trong các quy định chống dịch, sẽ khó có một biện pháp hữu hiệu nào có thể mang lại hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh ở Đức. Việc thông qua Luật Hãm phanh khẩn cấp là điều duy nhất mà Chính phủ Đức có thể làm lúc này để đưa dịch bệnh vào tầm kiểm soát trên cả nước.
Chỉ còn hơn 5 tháng nữa sẽ tới cuộc bầu cử quốc hội, đó cũng là thời điểm bà Merkel rút lui khỏi chính trường, một trong những mục tiêu của liên minh cầm quyền hiện nay là sớm kiểm soát dịch bệnh để hướng tới bầu cử. Bà Merkel không thể tiếp tục các cuộc họp với vai trò được ví chỉ như "nhà trung gian" hay "nữ MC" trên sân diễn của các thủ hiến bang, thậm chí có vị thủ hiến còn chơi game trên điện thoại trong khi cuộc họp đang diễn ra căng thẳng. Sức ép phải hành động còn xuất phát từ thực tế là uy tín của Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) hiện giảm sút mạnh, do hàng loạt những lùm xùm quanh việc đặt mua vaccine không đủ, chiến dịch tiêm chủng chậm và bê bối liên quan việc mua khẩu trang của một số chính trị gia liên đảng bảo thủ.
Cuộc họp theo kế hoạch giữa chính phủ liên bang và các bang vừa bị hủy đầu tuần này đã cho thấy rõ quyết tâm của Thủ tướng Merkel trong nỗ lực thúc đẩy sửa đổi luật, tăng cường quyền lực cho chính phủ liên bang, bởi tiếp tục họp trong điều kiện tự do hành động như hiện nay là phản tác dụng. Chỉ có hành động kiên quyết và nhất quán lúc này mới có thể nhanh chóng kiểm soát được làn sóng lây nhiễm thứ ba hiện nay. Tự do trong khuôn khổ rõ ràng luôn là điều cần thiết, kể cả trong trường hợp này.