Các nghị sĩ biểu quyết tại phiên họp của Cơ quan lập pháp vùng Catalonia ở Barcelona ngày 6/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Việc vừa công nhận quyền tự quyết cho Catalonia vừa đảm bảo nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ sẽ góp phần tạo cơ sở để những người theo chủ nghĩa ly khai ở vùng Catalonia và những người theo chủ nghĩa thống nhất Tây Ban Nha chung sống hòa bình.
Hiến pháp Tây Ban Nha năm 1978 là kết quả của một thỏa thuận giữa nhiều hệ tư tưởng và lợi ích khác biệt. Sau khi Tướng Francisco Franco qua đời, phe cánh hữu dân tộc chủ nghĩa Tây Ban Nha suy yếu và không thể duy trì một chế độ độc tài với chủ trương cô lập Tây Ban Nha với châu Âu, một chế độ cầm quyền bị phần lớn đa số dân chúng nước này phản đối.
Những người bất đồng quan điểm với chính quyền thuộc các lực lượng tự do, dân chủ xã hội và cộng sản nhận ra rằng họ không thể theo đuổi mục tiêu chính trị nếu trước hết không xây dựng các nguyên tắc dân chủ và các thể chế công nhận một nền chính trị và xã hội đa phương, điều đang diễn ra ở các nước châu Âu láng giềng. Với vùng Catalonia và xứ Basques, điều này cũng đồng nghĩa với việc tạo dựng một khuôn khổ nhằm từng bước khôi phục quyền tự chủ.
Hiến pháp được thông qua năm 1978 phản ánh những nhượng bộ của các phe phái tại Tây Ban Nha. Thực tế, nội dung vẫn còn mập mờ và có phần khoa trương, song văn bản này có thể xem là đã đủ để đảm bảo sự ổn định về mặt thể chế trong gần 40 năm qua.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế, hàng loạt vụ bê bối tham nhũng bị phanh phui và mâu thuẫn với Catalonia cuối cùng cũng đã để lộ những kẽ hở nghiêm trọng của bản hiến pháp này, và rõ ràng rằng đã đến lúc Tây Ban Nha cần một chu trình hiến pháp mới để xây dựng các thể chế minh bạch, dân chủ và hiệu quả hơn.
Việc Madrid đình chỉ quyền tự trị về mặt chính trị của Catalonia và phát lệnh bắt chính quyền khu vực là hành vi vi phạm Hiến pháp năm 1978. Thực tế việc những quyết định này được đưa ra với sự đồng thuận của tòa án tối cao là dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp tại Tây Ban Nha thiếu một sự độc lập và tách biệt rõ ràng.
Trong những năm gần đây, chủ nghĩa ly khai tại Catalonia ngày càng lớn mạnh và thậm chí bắt đầu lấn át chế độ tập quyền trung ương. Tỷ lệ cử tri ủng hộ mục tiêu độc lập cơ bản ổn định ở mức 50% - đủ để Catalonia tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha, song không đủ để hợp pháp hóa tuyên bố này hay khiến nó trở thành hiện thực, nhất là khi xét đến những mâu thuẫn và thù hận giữa những người Catalonia thiểu số và đa số người dân Tây Ban Nha.
Mặt khác, chủ nghĩa dân tộc Tây Ban Nha, dưới “vỏ bọc” chủ nghĩa yêu nước và tôn trọng hiến pháp, cũng đang ngày càng lớn mạnh với mục tiêu đưa Tây Ban Nha trở thành một nhà nước thống nhất tương tự như Pháp. Tuy nhiên, lịch sử đã cho thấy rằng một Tây Ban Nha tập trung có thể chỉ tồn tại được dưới chế độ độc tài vốn đặt quốc gia này ngoài các nguyên tắc dân chủ của Liên minh châu Âu (EU).
Với bối cảnh nhân khẩu học và chính trị hiện nay, cả Cộng hòa Catalonia mà phong trào độc lập hướng đến hay một Tây Ban Nha thống nhất đều không thể hình thành nếu không diễn ra chiến tranh hay các hình thức bạo lực khác, điều mà người dân của cả hai phía đều mạnh mẽ phản đối. Câu hỏi đặt ra là họ phải làm thế nào? Nếu một trong hai không thể buộc phía bên kia đồng thuận với mình, cả hai bên sẽ phải đưa ra những nhượng bộ nhất định để tiến tới một thỏa thuận, tương tự những gì họ từng làm vào năm 1978.
Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont phát biểu tại Barcelona ngày 20/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Mọi chuyện phải bắt đầu với việc công nhận người dân Catalonia có quyền tự quyết, như công dân các vùng khác. Luật pháp quốc tế đã công nhận quyền này. Tuy nhiên, quyền tự quyết của Catalonia cần phải được đưa vào hiến pháp để đại đa số người Catalonia thấy được rằng họ là một phần không thể tách rời và hội nhập sâu sắc với Tây Ban Nha. Tuy nhiên, quyền này không đồng nghĩa với việc cho phép Catalonia ly khai hay tự ý thành lập một nhà nước riêng, và thỏa thuận hiến pháp mới phải là một sự đảm bảo cho tất cả người Catalonia và Tây Ban Nha vốn có mong muốn hợp pháp là duy trì toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Cải cách đơn giản này có thể là tiền đề để thúc đẩy các thể chế chung nhằm đảm bảo ổn định cho hệ thống hiến pháp mới. Các thể chế này phải xác định rõ ràng quyền hạn của trung ương và địa phương; thành lập những cơ quan phân xử minh bạch và khách quan; tạo dựng một hệ thống kết nối công bằng giữa các khu vực, và thúc đẩy sự công nhận của quốc tế hoặc những sự thừa nhận mang tính biểu tượng cho các bản sắc khu vực khác nhau.
Cơ cấu tổ chức liên bang là yếu tố cần thiết để quyền tự quyết có thể được vận dụng hiệu quả và khả thi tại Tây Ban Nha. Tuy nhiên, cải cách này sẽ không thể hoàn thành nếu người ta không chấp nhận một quyền lợi bị giới hạn (không được tự ý ly khai) và một lộ trình hiến pháp nếu muốn đòi độc lập.
Điều này buộc các thể chế trung ương Tây Ban Nha và đa số người dân phải tôn trọng và tìm kiếm những thỏa thuận bền vững với chính quyền địa phương như ở Catalonia. Hơn thế nữa, việc đề ra quy định chặt chẽ về sự đồng thuận của người dân tại một vùng lãnh thổ nào đó đối với mục tiêu độc lập sẽ khiến giới lãnh đạo khu vực phải tìm kiếm những thỏa thuận ổn định với các thể chế trung ương, đồng thời hạn chế họ theo đuổi các giải pháp đơn phương.
Để tránh làm trầm trọng hơn cuộc xung đột hiện nay, Tây Ban Nha cần ngay lập tức thực hiện tiến trình sửa đổi hiến pháp. Vào năm tới, thay vì kỷ niệm 40 năm Hiến pháp Tây Ban Nha có hiệu lực, tốt hơn hết là người ta nên tìm cách để hồi sinh tinh thần của nó.