Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một tổng thống Hàn Quốc tới Thái Lan và Myanmar kể từ năm 2012, và là chuyến thăm đầu tiên tới Lào sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Đặc biệt, với chuyến thăm này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tới tất cả các nước thành viên ASEAN kể từ khi ông lên nắm quyền tháng 5/2017 và công bố chính sách "Hướng Nam mới", một trong những sáng kiến về đối ngoại quan trọng nhằm mở rộng hợp tác ngoại giao và kinh tế giữa Seoul với các nước láng giềng châu Á, mà trọng tâm là ASEAN. Điều này cho thấy chính quyền Tổng thống Moon Jae-in rất coi trọng vai trò của ASEAN, đặc biệt khi năm nay là kỷ niệm 30 năm quan hệ Đối thoại ASEAN-Hàn Quốc.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thái Lan, quốc gia Hàn Quốc lâu nay đã duy trì hợp tác chặt chẽ về kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng..., Tổng thống Moon Jae-in đánh giá quan hệ song phương đã không ngừng phát triển trong 60 năm qua, điển hình là việc hai bên nâng tầm quan hệ thành "đối tác chiến lược" vào năm 2012. Lãnh đạo hai nước đã nhất trí mở rộng chia sẻ thông tin và giao lưu nhân lực, nhằm tăng cường hợp tác trong các ngành mới, như robot, công nghệ sinh học, xe ô tô thông minh.
Hai bên cũng đẩy mạnh hợp tác quân sự thông qua "Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung" được ký kết nhân chuyến thăm lần này. Đáp lại, Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực sau Indonesia và là nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN, nhất trí hợp tác tích cực với chính sách "Hướng Nam mới" của chính quyền Hàn Quốc, trao đổi chặt chẽ để tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ASEAN-Hàn Quốc và Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-Mekong (gồm các nước Campuchia, Myanmar, Lào, Việt Nam và Thái Lan) diễn ra tại Busan (Bu-xan, Hàn Quốc) vào tháng 11 tới.
Hàn Quốc đánh giá Myanmar là khu vực trung tâm, kết nối khoảng 3,4 tỷ người tiêu dùng ở Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời là nước sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú như khí đốt. Myanmar có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6% - 7%, được đánh giá là một "thị trường chưa được khai phá" cuối cùng ở khu vực châu Á, nên cần phải mở rộng hợp tác kinh tế.
Theo đó, Hàn Quốc sẽ tăng gấp đôi quy mô quỹ hợp tác kinh tế đối ngoại với Myanmar lên 1 tỷ USD, xúc tiến tư vấn chính sách, chia sẻ kinh nghiệm phát triển với quốc gia Đông Nam Á này. Ngược lại, Myanmar sẽ thành lập cơ quan "Korea Desk" chuyên giải quyết khó khăn về hành chính mà các doanh nghiệp Hàn Quốc gặp phải khi đầu tư tại quốc gia Đông Nam Á, mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình phát triển. Hiện tại, có khoảng 200 doanh nghiệp ngành may mặc Hàn Quốc đang hoạt động tại Myanmar. Hàn Quốc kỳ vọng chuyến thăm của Tổng thống Moon Jae-in sẽ giúp nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng hạ tầng có cơ hội tiến bước sang thị trường nước Đông Nam Á này.
Tại Lào, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du ba nước Đông Nam Á, lãnh đạo hai nước đã thảo luận sâu rộng về phương án phát triển quan hệ song phương, hợp tác trong lĩnh vực thủy điện, công nghệ thông tin và nông nghiệp, hợp tác giữa Hàn Quốc với ASEAN và các quốc gia trên lưu vực sông Mekong.
Lãnh đạo hai nước nhất trí kết hợp chính sách "Hướng Nam mới" của Hàn Quốc với chính sách phát triển của Lào, tăng cường hợp tác, đẩy nhanh xây dựng "Cộng đồng hòa bình, thịnh vượng đặt trọng tâm vào con người". Nhân chuyến thăm, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đã công bố "Tầm nhìn Mekong", chiến lược của Seoul về tăng cường quan hệ đối tác chặt chẽ với các quốc gia thuộc khu vực sông Mekong nhằm hướng tới mục tiêu "cùng nhau thịnh vượng".
Quan hệ giữa các nước Đông Nam Á và Hàn Quốc đã có những biến chuyển tích cực sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in triển khai chính sách "Hướng Nam mới" với ASEAN là trọng tâm. Theo chính sách này, Hàn Quốc đặt mục tiêu nâng tầm quan hệ giao lưu hợp tác với ASEAN lên tương đương với 4 cường quốc Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản. Hàn Quốc cam kết tăng cường quan hệ với ASEAN một cách thực tiễn, với một tầm nhìn rõ ràng, các nguồn lực và kế hoạch hành động cụ thể.
Tổng thống Moon Jae-in đã tới Philippines năm 2017, thăm cấp nhà nước Indonesia hồi cuối năm 2017, thăm cấp nhà nước Việt Nam tháng 3 và thăm Singapore tháng 7 năm ngoái. Trước chuyến thăm vừa kết thúc ngày 6/9, chuyến công du tháng 3 năm nay cũng đưa ông tới Brunei, Malaysia và Campuchia.
Hiện nay ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc, sau Trung Quốc, và là điểm đến đầu tư lớn thứ ba của Hàn Quốc, sau Mỹ và Liên minh châu Âu. Trong khi đó, Hàn Quốc tiếp tục là đối tác thương mại quan trọng, nhà đầu tư trực tiếp lớn thứ năm của ASEAN. Năm ngoái, kim ngạch thương mại hai chiều ASEAN-Hàn Quốc đạt hơn 160 tỷ USD và tổng vốn FDI từ Hàn Quốc vào ASEAN là 5,3 tỷ USD. Thông qua các khuôn khổ hợp tác như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc (AFFTA) và Kế hoạch hành động, hai bên đang phấn đấu đạt mục tiêu 200 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2020.
Hàn Quốc cũng đã tăng gấp đôi ngân sách chính phủ cho việc tăng cường hợp tác với ASEAN lên mức 14 triệu USD. Bên cạnh đó, ASEAN còn là nơi thu hút nhiều khách du lịch từ Hàn Quốc. Năm 2018, lượng du khách giữa hai bên lần đầu tiên vượt 10 triệu lượt người. Số du học sinh từ các nước ASEAN tới Hàn Quốc năm ngoái cũng tăng mạnh lên mức 32.574 người so với 19.000 người một năm trước đó.
Có thể nói Hàn Quốc đang theo đuổi mối quan hệ đối tác cùng có lợi và cùng thịnh vượng với ASEAN. Chuyến công du của Tổng thống Moon Jae-in tới 3 nước ASEAN lần này với những kết quả tốt đẹp được cho sẽ củng cố cơ sở hợp tác vì thành công của hội nghị thượng đỉnh đặc biệt kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, chuyến thăm đã hiện thực hóa tầm nhìn tham vọng của Hàn Quốc thiết lập một vị trí vững chắc trong khu vực ASEAN thông qua chính sách "Hướng Nam mới", thúc đẩy vai trò và tầm ảnh hưởng của Seoul tại các nước Đông Nam Á theo một cách thức bền vững và toàn diện.