Mặc dù là một hiệp ước bị đánh giá là bất bình đẳng và có rất nhiều khe hở, trong đó tạo điều kiện cho nước Đức trỗi dậy và gây ra cuộc Chiến tranh thế giới thứ Hai sau đó chưa đầy 20 năm, hiệp ước Versailles đã đặt nền tảng và xác lập một số nguyên tắc cơ bản cho trật tự thế giới hiện đại và cả những hệ lụy to lớn cho ngày nay.
Hòa ước chính thức chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ nhất mang tên Hiệp ước Versailles vì được các bên ký trong phòng gương lộng lẫy của cung điện Versailles ở Paris, Pháp. Không phải ngẫu nhiên điện Versailles được lựa chọn cho buổi lễ ký kết, nước Pháp muốn tranh thủ sự kiện này để lấy lại danh dự, vì trước đó 48 năm, năm 1871, cũng tại đây, Đế chế thứ ba dưới sự lãnh đạo của nhà chính trị Otto Von Bismarck đã chính thức tuyên bố thành lập, đánh dấu sự thống nhất của nước Đức sau thất bại của Tổng thống đầu tiên của nền Cộng hòa Pháp Napoleon III trong cuộc chiến tranh Pháp-Phổ 1870.
Phải nói rằng việc Đức thua trận trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, một trong những cuộc chiến khốc liệt với quy mô lớn bao trùm khắp châu Âu và ảnh hưởng ra toàn thế giới, bắt đầu từ năm 1914, là một điều khó có thể tiên đoán, vì cho tới tận mùa Hè năm 1918, Đức vẫn có rất nhiều cơ hội giành chiến thắng.
Chỉ đến cuối năm đó, quân Hiệp ước (gồm chủ yếu là Anh, Pháp, Mỹ) mới giành được ưu thế về quân sự. Khi quân đội Đức buộc phải rút về nước sau ngày đình chiến, tháng 11/2018, rất nhiều người Đức vẫn chưa thể hiểu tại sao họ đã bị thất bại một cách kinh hoàng và nhanh như vậy.
Để đánh dấu chiến thắng, các nước Hiệp ước đã không cho phép Đức tham gia các cuộc đàm phán hòa bình, bắt đầu từ ngày 18/1/1918 tại cả Paris và Versailles. Dự thảo hiệp ước, hoàn tất sau 1646 phiên họp của 52 ủy ban riêng rẽ, chỉ được chuyển cho Berlin xem xét vào ngày 7/5, nhưng tất cả các yêu cầu sửa đổi của Đức đều bị bác bỏ.
Ngày 17/6, phe đồng minh đưa ra tối hậu thư, cho phép Đức vẻn vẹn 5 ngày để ra quyết định. Thủ tướng Đức khi đó Philipp Scheidemann không chịu được đã phải từ chức và cuối cùng nước Đức đã phải chấp nhận. Berlin không còn lựa chọn nào khác, vì khi đó còn 2 triệu quân của các nước Đồng minh sẵn sàng chờ lệnh tràn ngập nước Đức, nếu hiệp ước thất bại.
Đối với Berlin, bại trận đồng nghĩa với một sự mất mát to lớn. Về mặt tinh thần, Đức bị buộc tội chịu trách nhiệm gây ra cuộc chiến, bị cắt mất gần 15%lãnh thổ, 10% dân số. Vùng Alsace-Loraine đã phải trả lại cho Pháp, hai quận Eupen và Malmedy sáp nhập vào nước Bỉ, bên cạnh đó là kế hoạch tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý để quyết định số phận các lãnh thổ phía Bắc Đức có đông người Đan Mạch sinh sống.
Nhiều lãnh thổ thuộc về Phổ trước kia bị cắt sang cho Ba Lan. Hầu hết các thuộc địa của Đức phải chuyển giao cho Hội quốc liên quản trị, gồm Togo, Cameroon, Rwanda, Tanzania, Burundi, Namibia, New Guinea và Samoa thuộc Đức.
Các nước thắng trận cũng áp đặt các biện pháp cứng rắn để buộc Đức phi quân sự hóa một phần. Hàng nghìn khẩu pháo, máy bay, xe tăng, tàu chiến của nước này đã bị phá hủy, bãi bỏ hoàn toàn chế độ quân dịch, hạn chế quân đội Đức chỉ còn quân số 100.000 người.
Nhưng các nước thắng trận không lấy đi tất cả của nước Đức. Dù bị mất mát rất nhiều, Đức vẫn bảo toàn được sự thống nhất của hệ thống chính trị. Đối với phe Hiệp ước, việc vẫn duy trì chế độ chính trị sẽ tạo điều kiện cho Đức thanh toán các khoản bồi thường chiến phí khổng lồ. Nhờ đó, Đức đã huy động nguồn nhân lực 60 triệu người và nguồn tài nguyên to lớn, nhanh chóng gượng dậy sau đổ nát của chiến tranh.
Hiệp ước Versailles mở đường cho một loạt hiệp ước khác ký riêng rẽ với các nước bại trận, đánh dấu kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất. Tháng 9/2019, các nước thắng trận ký hiệp ước Saint-Germain (Pháp) để thiết lập hòa bình với nước Áo của Đế quốc Áo - Hung, từ khi đó bị tách thành 7 quốc gia độc lập.
Tháng 6/1920, hiệp ước Trianon (Pháp) ký với Hungary, cắt của nước này nhiều lãnh thổ và tới 30% dân số để chuyển sang cho nước khác. Hơn nửa năm sau khi ký, hiệp ước Versailles mới có hiệu lực và bắt đầu áp dụng cho tất cả các nước ký kết, ngoại trừ Mỹ vì thượng viện nước này từ chối không phê chuẩn.
Một thế kỷ sau nhìn lại, giới sử học thế giới có thời gian đánh giá những tác động của các hiệp ước mà phe thắng trận áp đặt lên các nước bại trận sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Công bằng mà nói, hiệp ước Versailles, với thời gian đàm phán tương đối ngắn ngủi, đã thể hiện nguyện vọng của lãnh đạo các nước đồng minh thắng trận muốn giải quyết ngay một lần các vấn đề quốc tế phức tạp của châu Âu, tránh cho châu lục khỏi rơi vào một cuộc chiến tranh tàn khốc thêm một lần nữa.
Tuy nhiên, vì còn quá nhiều khiếm khuyết, tham vọng của các nước thắng trận đã không thành hiện thực. Thực tế, nó tạo ra một nền hòa bình nhưng hòa bình của kẻ mạnh áp đặt lên kẻ yếu. Với việc vẽ lại bản đồ châu Âu, phá hủy sức mạnh của các cường quốc từng làm mưa làm gió, hiệp ước Versailles đã khiến cho nhiều dân tộc cảm thấy bị sỉ nhục và tước đoạt, đặc biệt là người Đức và Hungary.
Nó cũng tạo ra ở các nước Đông Âu rất nhiều vấn đề liên quan đến các cộng đồng thiểu số do sự điều chỉnh đường biên giới và châm ngòi cho chủ nghĩa dân tộc phát triển. Điều này vô hình trung đã gieo mầm mống cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít, mở đường cho Chiến tranh thế giới thứ hai, nổ ra sau đó chỉ chưa đầy 20 năm.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, hiệp ước Versailles đã để lại một số hậu quả đến tận ngày nay, gián tiếp gây ra chủ nghĩa dân tộc ở một số nước do tâm lý "bị sỉ nhục và mất mát". Sau hiệp ước này, đế chế Ottoman đã bị phá vỡ nhường chỗ cho sự ra đời của nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại.
Tại châu Á, hiệp ước Versailles đã tước nhượng địa của Đức là Shandong và Thanh Đảo, nhưng không phải để trả lại cho Trung Quốc mà chuyển giao cho Nhật Bản, bất chấp thực tế Trung Quốc đứng về bên các nước thắng trận.
Một thời gian ngắn ngủi sau hiệp ước Versailles, nước Đức dưới nền Cộng hòa Weimar không còn bị coi là kẻ thù của châu Âu sau khi chính thức gia nhập Hội quốc liên tháng 9/1926. Từ tháng 10/1933, nước Đức dưới chế độ phát xít đã rút khỏi tổ chức này.
Hội quốc liên được coi là một trong những thành quả của hội nghị Versailles. Tổ chức an ninh tập thể đầu tiên trong lịch sử, tiền thân của Liên hợp quốc ngày nay, đã ra đời trong quá trình đàm phán và hiến chương của nó chính là phần mở đầu của hiệp ước Versaille, với mục tiêu sẽ là một cơ quan quốc tế bao gồm mọi quốc gia, có chức năng phân xử bất đồng giữa các quốc gia, khuyến khích hợp tác và trừng phạt hành vi gây hấn.
Bị suy yếu sau khi Mỹ rút, tổ chức an ninh tập thể đầu tiên trong lịch sử thế giới đã không thể chịu đựng nổi các chỉ trích mạnh mẽ năm 1930 và dần dần mất vai trò, không đủ khả năng ngăn chặn các nước phát xít gây ra Chiến tranh thế giới thứ hai.
Thế nhưng đi cùng với tổ chức sơ khai này là một nguyên tắc vẫn còn được chia sẻ rộng rãi cho tới ngày nay, đó là ý tưởng an ninh của các nước phải được bảo đảm một cách tập thể, bất cứ hành động xâm lược nào phải bị trừng phạt và đáp trả một cách xứng đáng.
Nhìn lại Hiệp ước Versailles, các chuyên gia cho rằng đây thực chất là một thỏa thuận phân chia lại thuộc địa giữa các đế quốc thế giới thời hậu chiến sao cho phù hợp với tương quan lực lượng mới.
Tuy nhiên, cuộc phân chia lại lợi ích và ảnh hưởng sau Chiến tranh thế giới thứ nhất bằng một hòa ước với các điều khoản bị áp đặt, không qua đàm phán đã không hóa giải được những mâu thuẫn gốc rễ, mà còn làm cho những mâu thuẫn đó trở nên trầm trọng hơn.
Trong 100 năm qua, thế giới biến đổi không ngừng, nhưng những nguy cơ và thách thức của bạo lực và chiến tranh thì vẫn chưa bị loại bỏ, những vấn đề dân tộc cực đoan, khác biệt tôn giáo đang bị lợi dụng như những "ngòi nổ" xung đột.
Mâu thuẫn lợi ích và tham vọng tranh giành địa - chính trị vẫn là nguyên nhân của căng thẳng và đụng độ; chủ nghĩa bá quyền và tư duy nước lớn, phớt lờ lợi ích của các nước khác, vẫn tồn tại. Những « bài học » từ 100 năm trước liên quan tới Hiệp ước Versailles, bởi vậy vẫn còn nguyên giá trị.